Kỳ nghỉ tết không ảnh hưởng đến nền kinh tế

(ĐTTCO)-Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những việc cần làm trong năm mới Đinh Dậu 2017. Đặc biệt, trong câu chuyện, TS Nguyễn Đình Cung đã làm rõ hơn vấn đề đang gây tranh cãi: có nên bỏ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán?

(ĐTTCO)-Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những việc cần làm trong năm mới Đinh Dậu 2017. Đặc biệt, trong câu chuyện, TS Nguyễn Đình Cung đã làm rõ hơn vấn đề đang gây tranh cãi: có nên bỏ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán?

 

- Phóng viên: Ngày 21-1, ngay sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức, chính quyền của ông đã tuyên bố bãi bỏ TPP, tạo ra một tâm lý hụt hẫng nhất định cho nhiều quốc gia đã tham gia đàm phán hiệp định này, trong đó có Việt Nam. Theo ông, năm Đinh Dậu trước mắt liệu có là một năm khó khăn?

- TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Chúng ta đã dự liệu trước rồi. Và không có TPP thì chúng ta vẫn còn rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khác chưa được khai thác tốt. Tôi nghĩ, năm nào thì cũng sẽ có cả thuận lợi và khó khăn. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì đất nước có thêm thế và lực và ngược lại, nếu cứ lừng khừng trễ nải thì ắt là khó sẽ chồng khó.

- Nhân nói chuyện “lừng khừng trễ nải”, xin hỏi ông về một đề tài được đề cập tranh cãi nhiều năm nay, đó là việc có nên bỏ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để gộp vào Tết Dương lịch?

- Tôi thấy phía ủng hộ và phía phản đối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đều có lý lẽ riêng của họ. Nhưng tôi thì thấy chưa thể và chưa bỏ Tết Nguyên đán được! Đa số dân cư Việt Nam chủ yếu vẫn sống ở nông thôn, không chỉ nếp nghĩ mà cả công việc cũng vẫn mang đậm tính chất của kinh tế nông nghiệp.

- Ông có nghĩ rằng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài và lệch ngày với nhiều nền kinh tế khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giao thương quốc tế nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung?

- Ngay cả với khu vực đô thị thì việc có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đáng kể gì đến nền kinh tế, nếu chúng ta lên kế hoạch từ trước (mà việc này hoàn toàn làm được vì tết là dịp “đến hẹn lại lên” chứ không đột xuất), từ ký kết hợp đồng đến giao hàng, thanh toán…

Sự “lệch pha” về thời gian nghỉ cũng không phải là cá biệt: tại Malaysia và Singapore, người dân ăn mừng năm mới tới 4 lần (tùy theo lịch Hindu, lịch Hồi giáo, lịch Thái Âm Thái Dương và lịch Thái Dương). Tại Thái Lan, Campuchia, Lào người dân ăn tết theo Phật lịch, từ ngày 13 đến ngày 15-4 (dương lịch), tùy năm.

Tại đảo Bali ở Indonesia ngoài Tết Dương lịch ra người dân còn ăn tết theo lịch tôn giáo của địa phương. Tại Ấn Độ, tết diễn ra vào ngày 14-4 (dương lịch)…

Xét về mặt xã hội, cũng có một việc rất đáng quan tâm: hiện nay có rất nhiều người lập nghiệp ở xa cần về thăm quê, đoàn tụ gia đình. Thời gian đi tàu xe đã hơn 3 ngày cho cả đi lẫn về. Không phải ngẫu nhiên mà dịp Tết âm lịch thường được gọi là “cuộc đại di cư ngắn hạn”.

Mà bây giờ nhiều thứ cũng đang rất khác trước. Trước đây chúng ta luôn lo ngại tình trạng giá cả tiêu dùng sẽ tăng lên vào dịp tết, nhưng bây giờ không thế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2016 - tháng giáp Tết Nguyên đán Bính Thân - không đổi so với tháng liền trước (12-2016). Tiếp đó, CPI tháng 2, tháng có tết, chỉ tăng nhẹ 0,42% so với tháng trước.

Trước đó, năm 2015, dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi kéo dài, CPI tháng tết (tháng 2) thậm chí còn giảm 0,05% so với tháng trước. Tháng trước tết (tháng 1), CPI âm (giảm 0,2%), so với tháng trước - mức tăng thấp nhất trong các tháng 1 từ khi Việt Nam bắt đầu tính CPI từ năm 1998 trở lại đây.

Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ đã đến lúc không cần phải có những chương trình bình ổn giá nữa, cách làm đó chỉ làm méo mó thị trường, mà không hỗ trợ đặc biệt gì cho người nghèo cả. Hãy để cho thị trường tự điều chỉnh. Cần thực hiện chính sách xã hội thì hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách bằng tiền.

Quay trở lại chuyện nghỉ tết. Xét về số ngày nghỉ, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước có số ngày nghỉ trung bình. Lao động tại Nhật Bản được nghỉ 18,5 ngày lễ, tết trong năm, dù nước này đã chuyển sang ăn tết theo dương lịch kể từ năm 1873. So với các nước châu Âu thì số ngày nghỉ có hưởng lương vẫn còn thấp xa. Cho nên, vấn đề ở đây là đón tết, mừng xuân như thế nào, do kỷ luật làm việc chứ không phải do nghỉ tết.

Cuối cùng, xin lưu ý thêm là có khi cách đánh giá dựa trên thống kê ngắn hạn cũng làm cho người ta hiểu không đúng tình hình. Sản xuất trong quý 1, nhưng có thể quý 2, quý 3 mới giao hàng. Hoặc là đàm phán dự án trong một thời gian dài, chuẩn bị đầu tư rồi, nhưng lại muốn để đến “năm mới” âm lịch trao giấy phép “lấy may”…

- Tại phiên họp Chính phủ cuối cùng của năm dương lịch 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có nói: “Tết này, các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa. Không tới thì băn khoăn, tới thì xếp hàng khổ cực”. Ông có bình luận gì?

- Tôi cho rằng điều mà người đứng đầu Chính phủ muốn nhắn gửi đã rất rõ: đã đến lúc phải thay đổi thói quen đón tết lâu nay, cụ thể là bỏ đi những tốn kém, hình thức, tiêu cực. Khi đó thì nghỉ tết dương hay âm không còn là vấn đề đáng bàn cãi nữa.

° Xin cảm ơn ông! 

Các tin khác