Kinh tế 2017: Tạo nền tảng ổn định vững chắc

(ĐTTCO) - Năm 2016, với chính sách hướng đến quản trị ổn định để phát triển, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã ở mức khá so với thế giới. Trên nền tảng đó, năm 2017, Việt Nam tuy chưa thể có những khởi sắc lớn, nhưng cũng không có biến động lớn trong việc ổn định nền kinh tế.

(ĐTTCO) - Năm 2016, với chính sách hướng đến quản trị ổn định để phát triển, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã ở mức khá so với thế giới. Trên nền tảng đó, năm 2017, Việt Nam tuy chưa thể có những khởi sắc lớn, nhưng cũng không có biến động lớn trong việc ổn định nền kinh tế.

Giải quyết tồn đọng nội tại 

Những việc này đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Theo tôi đây là điều bắt buộc phải làm, vì nếu không cải cách năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư không thể nào bắt kịp trong quá trình hội nhập, ngay cả trong khu vực ASEAN.

Năm 2016, 4 mục tiêu quan trọng đặt ra của kinh tế vĩ mô là tốc độ tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, việc làm và xuất khẩu ròng. Trong đó, dù tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra (chỉ đạt khoảng 6,2-6,3%) nhưng giữ được lạm phát dưới 5%, xuất khẩu vẫn tăng, dự trữ ngoại hối tăng, những tin đồn về diễn biến tỷ giá nhất thời đã sớm vượt qua nhờ có lực để điều tiết thị trường. Do đó, có thể nói mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô đã đạt được và đủ cơ sở để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô năm 2017.

 Mặt khác, mục tiêu lớn nữa trong năm 2016 là chúng ta tiếp tục xử lý những vấn đề ngắn hạn đang đặt ra của kinh tế vĩ mô là nợ xấu, thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM), giảm lãi suất cho vay, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… với kết quả đạt được tương đối khả quan; cùng với việc 26.689 DN hoạt động trở lại là những điểm nổi bật của năm qua.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế còn quá chậm. Nhiều năm tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết nợ xấu, đặc biệt là khó khăn khi đối đầu với tình trạng nợ công đạt trần, không thể tăng đầu tư công để kích thích kinh tế như những năm trước. Trong khi đó, công cụ về chính sách tài khóa hạn chế, một phần của công cụ chính sách tiền tệ cũng có hạn chế, nên năm 2017 chưa thể có được sự khởi sắc mạnh mẽ. Song với đà tăng trưởng từ năm 2013 đến nay, GDP 2017 có thể đạt khoảng 6,5% so với mục tiêu Quốc hội đặt ra 6,7%. Nếu đạt được tốc độ này, đồng thời xử lý được các vấn đề như nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ, giữ được giá trị đồng tiền, lạm phát dưới 5%, đặc biệt có phương án tốt trong việc thoái vốn DNNN, dùng nguồn lực đó để kích thích đầu tư, năm 2017 nền kinh tế sẽ ổn định hơn để tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn từ năm 2018 trở đi.

Quyết liệt tái cơ cấu NHTM 

Chính phủ đã tuyên bố “không bán sữa, không bán bia”, Chính phủ kiến tạo, không cạnh tranh kinh doanh với người khác. Những thông điệp như vậy chưa bao giờ xuất hiện trong kinh tế Việt Nam, nhằm xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước, của Chính phủ. Tức Chính phủ hiểu những vấn đề của thị trường phải trả lại cho thị trường.

Với những lo ngại về tác động bên ngoài đối với Việt Nam, tôi cho rằng kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp, ngay cả tổ chức quốc tế lớn cũng thay đổi dự báo kinh tế thế giới hàng tháng, hàng tuần. Tuy nhiên, do quy mô kinh tế Việt Nam còn quá nhỏ, tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thế giới chỉ ở mức rất thấp, nên những biến đổi của thế giới sẽ có tác động không lớn. Gốc rễ vấn đề vẫn là tập trung giải quyết những tồn đọng của kinh tế trong nước, phải tập trung hỗ trợ DN phục hồi, thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, giải quyết tình trạng nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ giữa khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối DN trong nước, tái cơ cấu về bản chất để thay đổi cơ cấu nền kinh tế trong nước, mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động… Những vấn đề đó là căn cơ cần xử lý, còn tác động bên ngoài không đáng kể, không làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam.

 Năm 2006, Việt Nam đã đối mặt với bong bóng chứng khoán và năm 2007 là bong bóng bất động sản. 2 bong bóng này đã tạo nên một tài sản ảo của kinh tế Việt Nam, và đó là nguyên nhân bên trong gây ra lạm phát và hậu quả nợ xấu của nền kinh tế. Tôi tin rằng với bài học trước đây, Chính phủ sẽ không để cho 2 bong bóng này trở lại.

Trong năm 2016, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới trải qua nhiều biến động, nhưng thị trường chứng khoán trong nước vẫn ổn định và Chính phủ luôn bám sát thị trường, không để xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam có mối quan hệ rất lớn đối với thị trường tiền tệ, với quá trình tái cơ cấu, lành mạnh hệ thống NHTM, xử lý nợ xấu, thị trường mua bán nợ. Do đó, cần phải quyết liệt tái cơ cấu NHTM, giải quyết nợ xấu, khai thông được thị trường mua bán nợ để tháo gỡ những điểm tắc nghẽn này.

2017 đủ cơ sở để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VNĐ và không biến động tỷ giá. Ảnh: LONG THANH

2017 đủ cơ sở để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô,
ổn định giá trị VNĐ và không biến động tỷ giá. Ảnh:  LONG THANH

Bài toán sử dụng vốn vay

Trên nền tảng những điều đã thực hiện được, năm 2017 đủ cơ sở để thực hiện mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VNĐ, không gây biến động tỷ giá. Thời điểm này, rất nhiều người bày tỏ băn khoăn về diễn biến tỷ giá năm 2017. Theo tôi, năm 2017 VNĐ sẽ không mất giá mà là đồng USD lên giá. Vì vậy, nếu muốn biết tỷ giá thế nào phải nhìn vào thông số đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ. Còn đối với mục tiêu lạm phát đề ra dưới 4%, đối với nền kinh tế Việt Nam, trong điều kiện tăng giá dưới 5% mức lạm phát đó sẽ là dầu bôi trơn cho cỗ máy vận hành trơn tru và trong năm tới cũng trong xu hướng như vậy. Về nợ công, trong giai đoạn 2006-2015, chúng ta đã phát hành trái phiếu trung hạn quá nhiều và hiện nay là nợ đáo hạn phải trả. Hiện Bộ Tài chính đang cơ cấu lại các loại nợ này và từ năm 2018 trở đi nợ này sẽ giảm dần. Tôi muốn nhấn mạnh, vấn đề nợ công của Việt Nam hiện nay không phải ở chỗ đã đạt ngưỡng 65% GDP, mà nằm ở nợ đáo hạn hàng năm phải trả so với nguồn thu của ngân sách; cũng không phải là vấn đề vay hay không vay, mà phải làm sao sử dụng vốn vay hiệu quả.

Trong phương hướng điều hành về vĩ mô sắp tới, dần dần Nhà nước sẽ không can thiệp về hành chính để thị trường vận hành, chỉ quản lý những lĩnh vực cần quản lý. Đó là những yếu tố tích cực nên không phải lo sự mất ổn định về nợ công. Vấn đề còn lại là đừng để xảy ra cơ chế xin - cho, chạy dự án, lãng phí, tham ô. Đối với nước đang phát triển như Việt Nam, thu chỉ đủ chi thường xuyên, muốn đầu tư phải vay vì không vay không có hạ tầng, nhưng nếu vay quá nhiều, tức nợ nước ngoài tăng sẽ rất khó phát triển được. Vì thế, cần phải sử dụng vốn trong nước như vốn mồi để nâng hiệu quả vốn vay. Thí dụ, hiện nay chúng ta đang thoái vốn DNNN, nguồn vốn này để làm vốn đối ứng thu hút các nguồn đầu tư khác, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng.

Các tin khác