Không coi trọng cổ đông, chứng tỏ quản trị kém

(ĐTTCO) - “Nếu DN không coi trọng tiếng nói của các cổ đông nhỏ, tôi nghĩ cổ đông cũng nên chia tay với doanh nghiệp” - ông NGUYỄN HOÀNG HẢI, Phó Chủ tịch VAFI, chia sẻ quan điểm khi trao đổi với ĐTTC.

HĐQT quyết hết!

PHÓNG VIÊN: - Ở góc độ VAFI, ông nhận xét thế nào về quyền của các cổ đông nhỏ hiện nay trong doanh nghiệp?

Với những doanh nghiệp không coi trọng vai trò của cổ đông, nghĩa là quản trị công ty yếu kém, cổ đông cũng nên chia tay, không nên gắn bó lâu dài. Bởi những doanh nghiệp không coi trọng người bỏ vốn vào doanh nghiệp, chắc chắn hiệu quả hoạt động khó có thể tốt được.

Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI: - So với nhiều năm trước, tôi cho rằng nhận thức về quyền của các cổ đông khi bỏ vốn vào doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Còn bản thân doanh nghiệp cũng đã tôn trọng và quan tâm hơn tiếng nói của người đã bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, quyền lợi của cổ đông thiểu số tại không ít doanh nghiệp vẫn không được coi trọng. Nhiều doanh nghiệp tìm cách hạn chế cổ đông đến dự họp bằng cách quy định số lượng cổ phần nắm giữ tối thiểu, gửi tài liệu ĐHCĐ không đúng thời hạn quy định theo luật và điều lệ công ty, không thông báo mời họp kịp thời… Còn trong đại hội cũng có những vấn đề về quyền lợi của cổ đông nhỏ bị bỏ qua.

Thí dụ chuyện chia cổ tức. Tại rất nhiều doanh nghiệp, HĐQT hay ban tổng giám đốc thường nêu lý do phải giữ lại lợi nhuận để có vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc doanh nghiệp lỗ nên không chia được cổ tức.

Dù việc chia cổ tức hay không do ĐHCĐ quyết định, song với những cổ đông thiểu số cũng không thể đảo ngược được ý muốn của HĐQT hay ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Nghịch lý tại những doanh nghiệp này là trong khi quyền lợi chính đáng của cổ đông thường bị bỏ qua, thì mức đề xuất thù lao cho HĐQT lại không hề nhỏ. Đó thực sự là điều bất hợp lý khi cổ đông không nhận được cổ tức nhưng vốn của DN lại bị teo tóp dần.

Hay như việc ủy quyền cho HĐQT quyết định cũng là nguyên nhân khiến quyền của cổ đông thiểu số bị ảnh hưởng. Trước khi biểu quyết thông qua hay không với nghị quyết của HĐQT, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ cái gì có thể ủy quyền, cái gì cần được đại hội thông qua.

Bởi nếu đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT, mọi quyết định của cổ đông sẽ phải nghe theo những người đứng đầu. Hoặc vấn đề niêm yết, rất nhiều doanh nghiệp, ngân hàng luôn lẩn tránh việc niêm yết dù họp ĐHCĐ đã đặt ra yêu cầu về việc lên sàn. Việc ủy quyền cho HĐQT quyết định rồi chậm trễ niêm yết đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông khi thông tin về doanh nghiệp không được cập nhật tốt, cổ phiếu không có nơi để giao dịch.

Luật đã có nhưng vẫn né

- Để bảo vệ quyền lợi của mình, các cổ đông thiểu số phải liên kết với nhau và luật cũng đã cho phép điều này. Thế nhưng, thực tế việc tập hợp các cổ đông nhỏ lại không dễ, thưa ông?

- Đúng là có chuyện này. Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao cho cổ đông trong công ty cổ phần quyền được tập hợp thành nhóm cổ đông lớn để thực hiện nhiều quyền quan trọng về quản trị công ty. Đó là cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng, hoặc 1 tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty, có các quyền: đề cử người vào HĐQT và ban kiểm soát; yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ bất thường trong một số trường hợp; xem xét, tra cứu và  trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHCĐ…

Bên cạnh đó, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình, hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc khi những người này vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ công ty.

Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua những quyền quan trọng như trên của cổ đông các công ty niêm yết gần như bị vô hiệu hóa, hoặc họ không có những quyền do luật  trao cho, bởi họ không có danh sách cổ đông, không có bất kỳ thông tin chi tiết nào về cổ đông công ty.

Trong khi đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cũng không cung cấp khi được cổ đông yêu cầu với lý do bảo vệ bí mật về nhà đầu tư. Như vậy, nếu cổ đông có thông tin họ cũng rất khó liên lạc với nhau để trao đổi về những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, và quan trọng hơn để tập hợp lại với nhau để trở thành nhà đầu tư lớn có nhiều quyền về quản trị doanh nghiệp, hoặc chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Để tuân thủ đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và phục vụ các ĐHCĐ, tôi cho rằng Trung tâm Lưu ký cần triển khai ngay dịch vụ cung cấp danh sách cổ đông cho bất cứ  cổ đông nào yêu cầu vào bất cứ thời điểm nào trong năm, mà không cần thêm cơ chế hướng dẫn vì Luật Doanh nghiệp đã quy định cụ thể những quyền của cổ đông công ty và không ai có thể ngăn cản được những quyền đó.

Đối với các cổ đông thiểu số, nhỏ lẻ, cơ quan quản lý thị trường cần tạo điều kiện tốt nhất cho họ tập hợp nhau lại để tiếng nói của họ có trọng lượng hơn, nhằm xem xét và phủ quyết các báo cáo tài chính chưa trung thực về kết quả sản xuất kinh doanh khiến lãi giả lỗ thật, huy động và đầu tư không hiệu quả…

- Với những doanh nghiệp quyền của cổ đông bị xem nhẹ, ông có khuyến cáo gì?

- Đầu tiên là các cổ đông cần phải nắm rõ quyền lợi của mình và tăng cường liên kết với nhau, nhằm xác lập một tỷ lệ biểu quyết đối trọng với các cổ đông lớn được ghi nhận trong các văn bản pháp lý doanh nghiệp, để có thể tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Đồng thời, cổ đông nhỏ cũng cần chủ động thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động quản trị, điều hành công ty.

Tôi cho rằng các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số khá đầy đủ. Vấn đề bảo vệ quyền lợi còn lại là do chính cổ đông. Những người bỏ tiền vào doanh nghiệp dù ít hay nhiều cũng cần bỏ tâm lý phó thác cho cổ đông lớn quyết định, thiếu động lực đấu tranh cho quyền lợi của mình.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác