Khai thác tiềm năng cát nhân tạo, cát nhiễm mặn

(ĐTTCO) - TS. THÁI DUY SÂM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam, cho rằng cần đẩy mạnh việc chế biến cát nhân tạo, cát nhiễm mặn thành cát xây dựng để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng đang tăng nhanh hiện nay. 
Khai thác tiềm năng cát nhân tạo, cát nhiễm mặn
Đây sẽ là nguồn vật liệu bổ sung cần thiết vì tiềm năng sản xuất cát nhân tạo và tài nguyên cát nhiễm mặn hiện rất lớn.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, giá cát xây dựng đang tăng nhanh, đặc biệt là giá cát tại các tỉnh phía Nam. Theo ông sự tăng giá này là do đâu?

 Trong quy hoạch phát triển VLXD, Bộ Xây dựng khuyến khích đầu tư khai thác cát mịn, cát nhiễm mặn tuyển rửa thành cát đạt các tiêu chuẩn để sử dụng trong xây dựng. Bộ cũng khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cát nghiền để đạt tổng công suất thiết kế đến năm 2020 khoảng 10 triệu m3. Đồng thời tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở khai thác cát tránh thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.
TS. THÁI DUY SÂM: - Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD đến 2020 tầm nhìn 2030 dự báo nhu cầu cát xây dựng đến 2020 của cả nước khoảng 130 triệu m3; tổng công suất thiết kế của các cơ sở khai thác, chế biến cát xây dựng đạt khoảng 130-150 triệu tấn/năm.
Quy hoạch dự báo vậy nhưng theo Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát hàng năm hiện nay đã đạt ngưỡng 130 triệu m3/năm. Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng cát xây dựng những năm qua khiến mất cân đối cung cầu, dẫn tới sự khan hiếm cát xây dựng và giá cát đã tăng lên chóng mặt.

Cũng phải nói thêm rằng nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến sự khan hiếm cát xây dựng thời gian qua do chính quyền các địa phương siết chặt quản lý khai thác cát theo quy hoạch. Nhiều cơ sở khai thác cát nhỏ lẻ, tự phát phải ngừng hoạt động để tránh ảnh hưởng tới môi trường và thất thoát tài nguyên cát.
Mặt khác, nguồn cung cát xây dựng hiện nay phân bố không đồng đều giữa các vùng trên cả nước. Nguồn cung chủ yếu tập trung tại khu vực phía Bắc, khu vực phía Nam trữ lượng tài nguyên cát ít hơn, trong khi phần lớn cát xây dựng trên thị trường hiện nay là cát khai thác tự nhiên từ các lòng sông, lượng cát nhân tạo hiện chưa nhiều.
Theo quy hoạch phát triển VLXD, đến năm 2020 lượng cát xây dựng khai thác, chế biến tại khu vực trung du miền núi phía Bắc đạt 18 triệu m3, đồng bằng sông Hồng đạt 66 triệu m3, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 21 triệu m3, Tây nguyên 5 triệu m3, Đông Nam bộ 9 triệu m3, ĐBSCL 11 triệu m3.

Thực tế này dẫn tới giá cát xây dựng các khu vực phía Nam luôn cao hơn khu vực phía Bắc vì phải cộng thêm chi phí vận chuyển. Đây là điều thời gian tới cần sớm được khắc phục để bình ổn giá cát xây dựng, vì ở phía Bắc có nhiều mỏ cát tự nhiên hơn nhưng các mỏ này cũng đang cạn dần do khai thác quá mức. Bên cạnh đó, việc phát triển hàng loạt đập thủy điện thời gian qua đã ngăn chặn khiến sự bồi lắng, cát về hạ du ngày càng ít.

- Nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, vậy tình trạng này nên khắc phục thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Thời gian qua việc quản lý hoạt động khai thác cát tại các địa phương lỏng lẻo, nên hoạt động khai thác không đúng quy hoạch, thất thoát tài nguyên, gây nhiều hậu quả về môi trường. Nay các địa phương quản lý chặt hoạt động khai thác cát dẫn tới tình trạng nguồn cung ngày càng ít đi, trong khi nhu cầu sử dụng cát ngày càng tăng lên nên khan hiếm cát.

Để khắc phục tình trạng này các địa phương cần tiếp tục quản lý chặt hoạt động cấp phép khai thác cát, đồng thời đẩy mạnh hoạt động điều tra, khảo sát để tìm ra các nguồn cát mới để cấp phép cho DN khai thác nhưng không ảnh hưởng đến các công trình đê, đập thủy lợi, cầu cống, đường giao thông và khu vực dân cư ven sông. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc sản xuất cát nhân tạo, cát nghiền từ đá. Ở phía Nam một số tỉnh có thể khai thác đá để chế biến cát là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, An Giang...
Các địa phương này đều có những mỏ đá lớn có thể nghiền ra để làm cát nhân tạo. Loại cát nhân tạo chế biến từ đá này đã được nghiên cứu và công bố tiêu chuẩn quốc gia từ năm 2012 (TCVN 29205/2012). Chúng ta đã có tiêu chuẩn quốc gia rồi cứ đẩy mạnh sản xuất để cân đối một phần nhu cầu tại phía Nam. Hơn nữa giờ đã có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng cát nhân tạo trong cấp phối bê tông và làm vữa xây dựng.

Một nguồn nguyên liệu có thể chế biến cát nhân tạo nữa là tận dụng các nguồn phế thải để tạo ra thành cát. Thí dụ, phế thải xây dựng như gạch vỡ, vật liệu xỉ lò cao, vữa cũ có thể nghiền ra để làm cát xây dựng rất tốt. Các giải pháp này hiện đang triển khai, cần đẩy mạnh hơn việc sản xuất cát nhân tạo để cân đối cung cầu thị trường.

- Thưa ông, một số địa phương đang có chủ trương xuất khẩu cát nhiễm mặn ven biển, nguồn tài nguyên cát nhiễm mặn rất lớn. Vậy với công nghệ hiện nay có thể chuyển cát nhiễm mặn thành cát xây dựng được không?

- Cát nhiễm mặn xuất khẩu thời gian qua chủ yếu do một số DN được giao nạo vét các khu vực cửa sông tận dụng nguồn cát này để xuất khẩu. Gần đây Bộ Xây dựng đã hạn chế việc xuất khẩu cát nhiễm mặn. Cát nhiễm mặn có thể sử dụng trực tiếp làm cát xây dựng khi có nhu cầu về bê tông, vữa xây dựng không có cốt thép.
Mới đây, Viện VLXD đã nghiên cứu chất kết dính hỗn hợp trong bê tông sử dụng nước biển và cát biển nhiễm mặn và đã có kết quả, nhưng mới chỉ là thành quả nghiên cứu bước đầu. Bên cạnh đó, cũng có DN nghiên cứu loại phụ gia khử muối để sử dụng trong bê tông cốt thép có nước biển và cát biển. DN này đã làm thí điểm thành công khi xây dựng bờ kè biển Cần Giờ, TPHCM từ năm 2014.
Hiện DN này đang nghiên cứu và trình các cơ quan thẩm định để công bố tiêu chuẩn sử dụng phụ gia này đối với bê tông, vữa xây dựng sử dụng cát nhiễm mặn và nước biển. Về công nghệ hoàn toàn có thể chuyển cát nhiễm mặn thành cát xây dựng để sử dụng bình thường, nhưng về hiệu quả kinh tế cần tính toán thêm. Nói chung nếu sử dụng được cát nhiễm mặn cho các công trình tại chỗ giá thành cũng sẽ ổn định.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác