Khai thác cát trái phép: Cần giải pháp ngăn chặn mạnh mẽ

(ĐTTCO) - Nhiều triệu m3 cát khai thác trái phép mỗi năm, nguy hại hơn sự sạt lở của những dòng sông và sự tận diệt hệ thống sinh thái dưới sông ngày càng diễn ra nghiêm trọng.
 Trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời chưa bao giờ thỏa đáng, khi lợi lộc từ việc khai thác cát trái phép đang tạo thế vững chắc cho mối quan hệ thương lái và những người trong cuộc. Vì thế, việc dẹp cát tặc cần liều thuốc mạnh mới hiệu quả.
Vấn nạn nhức nhối trên mỗi vùng sông nước
 Để quản lý tài nguyên cát sông, các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét, đánh giá việc duy tu, nạo vét lòng sông có thực sự cần thiết cho thoát lũ và giao thông thủy; tác động của duy tu, nạo vét có gây sạt lở lòng sông, bờ sông hay không? Đặc biệt, cân nhắc lợi ích tổng hợp của các ngành kinh tế để tránh hiện tượng lợi dụng, núp bóng duy tu, nạo vét khai thác cát trái phép.
Ông Trịnh Đình Dũng,
Phó Thủ tướng Chính phủ
Khai thác cát trên sông đã trở thành vấn đề nóng của hầu hết địa phương từ Bắc chí Nam, thậm chí cả ở khu vực Tây nguyên. Hàng chục vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL, bồi lấp cửa biển ở miền Trung…, nguyên nhân chính được chỉ ra do khai thác cát.
Ở đâu có nhiều cát, ở đó thường xuyên diễn ra những cảnh khai thác trái phép tấp nập. Tài nguyên bị thất thoát, môi trường các dòng sông bị hủy hoại, nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. 

Trong tháng 3 vừa qua, tại đoạn sông Hồng, giáp ranh giữa TP Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, các cơ quan chức năng đã tạm giữ 13 phương tiện khai thác và vận chuyển cát trái phép, gồm 4 tàu cuốc, 2 tàu hút và 7 tàu chở cát có trọng tải 500 tấn. Tại thời điểm xử lý, hàng chục ngàn m3 cát đã được thương lái kiếm lợi từ những khu vực không có trong vùng được cấp phép.
Theo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an Hà Nội, trên địa bàn TP đang có 82 tụ điểm hoạt động khai thác cát, tập trung tại các quận, huyện, thị xã: Ba Vì (13), Sơn Tây (4), Phúc Thọ (7), Mê Linh (4), Đan Phượng (6), Đông Anh (7), Bắc Từ Liêm (4), Tây Hồ (2), Long Biên (5), Hoàng Mai (3), Thường Tín (5), Phú Xuyên (5), Gia Lâm (8), Sóc Sơn (5), Thanh Trì (1), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (1).

Trên sông Cầu, đoạn chảy qua huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, hàng chục tàu khai thác cát trái phép hoạt động ngang nhiên. Sông Đà, đoạn chảy qua tỉnh Hòa Bình, nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản cát dồi dào nhiều năm qua cũng trở thành điểm khai thác trái phép của nhiều cát tặc. Theo thống kê, tỉnh Hòa Bình hiện có 35 tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát tại các khu vực bãi bồi ven sông, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Lạc Thủy, Mai Châu, Kim Bôi, Kỳ Sơn và TP Hòa Bình. Riêng khu vực hạ lưu sông Đà dài 30km có 23 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh cát.

Tại khu vực miền Trung, con sông Lam chảy qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang bị khai thác rầm rộ cả ngày lẫn đêm đưa về bến tập kết như chốn không người. Ở Quảng Bình, con sông Dinh nhỏ như cái lạch nằm len lỏi giữa diện tích lớn đất nông nghiệp của xã Nam Trạch (huyện Bố Trạch), chỉ trên một khúc hơn 2km có đến 4 điểm khai thác cát hoạt động suốt ngày đêm. Trên sông Hương (tỉnh Thừa Thiên - Huế), đoạn từ xã Thủy Bằng đến khu vực cầu Tuần về bến Than, nhiều thuyền máy công suất lớn hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra sôi động. Có khoảng 1km từ xã Hương Thọ đến Thủy Bằng bị cát tặc chà xát móc ruột ngày đêm.
Đặc biệt sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi đang bị cát tặc bức tử một cách không thương tiếc. Thậm chí, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi còn kiến nghị cho phép hút cát trên sông Trà Khúc để gây… kinh phí phát triển đội bóng đá tỉnh nhà. Trong khi đó, ở khu vực Tây nguyên, 2 con sông Krông Pắk và Krông Bông thuộc tỉnh Đắk Lắk, cũng đang là điểm nóng của hoạt động hút cát trái phép.

Tương tự, chạy dọc theo tuyến sông Tiền, sông Hậu và nhiều nhánh sông khác ở ĐBSCL là cảnh khai thác cát rầm rộ, với số lượng phương tiện khai thác, vận chuyển cát dày đặc trên sông, rạch. Tại hạ nguồn và thượng nguồn sông Đồng Nai sự lộng hành của cát tặc diễn ra thường xuyên.
Ở các huyện Tân Phú, Định Quán, nơi sông La Ngà (thuộc lưu vực sông Đồng Nai) chảy qua, nhiều đoạn cũng bị cát tặc móc ruột. Ngay tại TPHCM, lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia (huyện Cần Giờ), nhà đầu tư điều hàng chục tàu hút, xáng cạp ngày đêm nạo vét cát.Liều lĩnh vì lợi nhuận khủng
“Cát tặc” là hoạt động khai thác cát không có giấy phép, hoặc có giấy phép nhưng khai thác không đúng phép. Vì lợi nhuận từ bán cát quá lớn nên các cá nhân, đơn vị bất chấp pháp luật để khai thác cát trái phép, thách thức lực lượng chức năng. Khai thác cát lòng sông rất đơn giản, chỉ cần có thuyền được trang bị máy hút, máy múc, gầu cuốc là lấy được cát từ lòng sông, mỗi chuyến bán thu lời vài chục triệu đồng. Một tàu hút cát nếu “trúng vỉa và thuận buồm xuôi gió”, 1 năm trừ các chi phí kiếm lời 3-5 tỷ đồng.
 Tình trạng khai thác cát trái phép đang xảy ra rộng khắp trên các lưu vực sông chạy dọc chiều dài của đất nước. Hầu như con sông nào cũng bị lạm dụng khai thác tài nguyên cát. Dù vấn đề này đã được công luận lên tiếng phản ảnh nhưng tình trạng khai thác cát trên các dòng sông Lô, sông Chảy, sông Hồng, sông Gâm, sông Thạch Hãn, sông Thu Bồn, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Hậu, sông Tiền... ngày càng có chiều hướng bành trướng. 
Ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), nếu các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác cát phải đóng các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, cát khai thác được phải bán với giá 75.000 đồng/m3 mới có lãi.
Trong khi đó, các tàu cuốc hút cát trộm do không phải đóng các loại thuế, phí nên chỉ bán giá 45.000 đồng/m3 là đã có lãi. Chính vì lợi nhuận khủng đem lại từ hoạt động khai thác cát đã khiến cát tặc liều lĩnh lộng hành hút cát trộm trên các dòng sông. Đặc biệt tại những khu vực giáp ranh giữa tỉnh này và tỉnh kia, khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xử lý.
Thí dụ, sông Cầu nằm ở vị trí giáp ranh chảy qua 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Trong khi UBND tỉnh Bắc Ninh nhiều lần kiến nghị dừng dự án nạo vét luồng lạch, khai thác tận thu cát trên sông, thì UBND tỉnh Bắc Giang lại đồng ý cho thực hiện dự án. Bởi lẽ, sông Cầu có trữ lượng cát rất lớn, cát dưới lòng sông được xếp vào loại cát đẹp, bình quân cát ở đây được bán với giá 200.000 đồng/m3, mỗi tàu chở được khoảng 300m3 cát, bán ra được 50-60 triệu đồng, thu về cả trăm triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, việc lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cầu cứu Thủ tướng Chính phủ vì bị đe dọa khi cho tạm dừng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đã hé lộ mảng tối của việc khai thác cát tại nhiều địa phương hiện nay. Đó là 2 cụm từ “trong vùng” và “ngoài vùng”.
Trong vùng, tức khu vực được chính quyền phê duyệt. Đây là các dự án nạo vét luồng, nạo vét lòng sông, hoặc vùng khai thác cát đặc thù. Ngoài vùng, tức khu vực khai thác cát không được phép.
Thực tế, trên 1 đoạn sông trong vùng và ngoài vùng, ranh giới rất mong manh. Tàu hút cát chỉ theo luồng ra ngoài 1m mặt nước, cát được khai thác đã là trái phép. Sự nhập nhèm này khiến nhiều cơ quan chức năng biết nhưng không thể xử lý. 
Khai thác cát trái phép: Cần giải pháp ngăn chặn mạnh mẽ ảnh 1 Tình trạng khai thác cát trái phép đang xảy ra rộng khắp trên các lưu vực sông chạy dọc chiều dài của đất nước.  
Quản lý, giám sát không hiệu quả
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN-MT, cho rằng để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép do vai trò quản lý của chính quyền địa phương các cấp còn lỏng lẻo. Các tỉnh giáp ranh chung dòng sông chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép. Địa phương bao che, còn chế tài xử lý người đứng đầu vi phạm chưa kiên quyết, thậm chí còn tạo điều kiện bến bãi cho các tàu khai thác trái phép tập kết cát. Thực tế, việc đấu tranh chống nạn khai thác cát trái phép hiện còn nhiều bất cập. Điển hình như trong năm 2016, lực lượng Công an Hà Nội đã bắt được 217 vụ khai thác cát trái phép nhưng chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ. Nguyên nhân do pháp luật quy định phải chứng minh được hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường hoặc số lượng khoáng sản khai thác bán được từ 300 triệu đồng trở lên mới bị truy tố.
Bên cạnh đó, phương tiện của lực lượng công an nghèo nàn, dẫn đến khó khăn trong việc truy quét loại tội phạm này. Vì thế, khó truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng và cũng chưa có thông tư hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi nạn khai thác cát lậu khó kiểm soát, việc cấp giấy phép nạo vét, khai thác cát lại tràn lan. Thí dụ, tỉnh Đồng Tháp đang có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát theo 18 giấy phép với tổng công suất 8,9 triệu m3/năm, chưa kể 3 dự án nạo vét của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Tính đến đầu tháng 4-2017, tổng phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp là 85. Trên tuyến sông này thuộc tỉnh An Giang cũng đang có 8 doanh nghiệp khai thác cát.
Trong đó, địa bàn xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) - địa phương vừa xảy ra vụ sạt lở sông Vàm Nao nhấn chìm 14 nhà dân - có 2 doanh nghiệp được cấp phép. Còn trên tuyến sông Hậu từ cầu Cần Thơ lên đến cầu Vàm Cống có 26 xáng cạp đang hoạt động tại 10 mỏ cát. Trong đó, Cần Thơ cấp phép 2 mỏ (7 xáng cạp), Vĩnh Long 4 mỏ (10 xáng cạp)...

Theo kế hoạch năm 2017, ngành TN-MT sẽ tiến hành kiểm tra việc khai thác cát sỏi ở 6 tỉnh trên cả nước, bao gồm hoạt động khai thác cát được cấp phép cũng như các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, lòng sông có tận thu cát. Với các dự án nạo vét có tận thu cát, sẽ phối hợp với ngành giao thông, chính quyền địa phương và lực lượng công an môi trường, đường thủy phối hợp thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Để giải quyết các mối quan hệ này, Bộ TN-MT đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, sẽ ban hành thông tư riêng về quản lý cát lòng sông. Thông tư này sẽ làm rõ mối liên quan giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý khai thác cát. Qua đó làm rõ trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý loại khoáng sản này.

Các tin khác