Kết nối cung cầu hàng hóa

(ĐTTCO) - 369 hợp đồng, thỏa thuận hợp tác bao tiêu sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối đã được ký kết tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2016, do UBND TPHCM và Bộ Công thương tổ chức ngày 25-11, tại TPHCM.

(ĐTTCO) - 369 hợp đồng, thỏa thuận hợp tác bao tiêu sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối đã được ký kết tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2016, do UBND TPHCM và Bộ Công thương tổ chức ngày 25-11, tại TPHCM. 

Cầu nối đưa đặc sản vùng, miền đến người tiêu dùng

Toàn bộ khuôn viên và hội trường của Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM trong buổi sáng 25-11 đã trở thành điểm hội tụ, một không gian khá lý tưởng cho các nhà sản xuất và phân phối gặp nhau, “kẻ bán, người mua” tấp nập.

Nói như Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, nếu đại biểu nào bước chân vào khu vực triển lãm, trưng bày hàng đặc sản từ các vùng, miền sẽ rất khó có thể quay ra ngay, bởi sức hấp dẫn của các mặt hàng này quá lớn. Tham gia chương trình lần này, có 38 tỉnh, thành và hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất trên cả nước, cùng 99 DN chủ lực của TPHCM thuộc nhiều thành phần như sản xuất, phân phối, các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, các ngân hàng…

 

Với 350 gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội nghị (trong đó có 309 gian hàng của DN tỉnh, thành và 50 gian hàng của DN TPHCM), các DN và HTX các tỉnh mang đến rất nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, từ miến dong, mì gạo, tương nếp thầu dầu, dấm vải, dấm táo, cam sành Hà Giang, bánh kẹo tam giác mạch, vải thổ cẩm, trà shan tuyết... đến rượu sim, mật ong, khô cá các loại, nước mắm… Nhưng phong phú nhất vẫn là các loại rau ôn đới, nông sản của các DN Lâm Đồng; hải sản khô, yến sào, nấm linh chi của Bà Rịa - Vũng Tàu; trái cây nhiệt đới của nhiều tỉnh, thành miền Tây...

Bà Nguyễn Thị Chiến, đại diện một tổ hợp tác chuyên sản xuất chanh không hạt tại An Giang, nhìn nhận, tham gia hội nghị mới thấy sức hút của hàng sạch rất lớn. Trên thực tế, người nông dân và người tiêu dùng không quay đầu với hàng sạch. Nhưng để người dân yên tâm sản xuất, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía trong việc định hướng thị trường, hỗ trợ liên kết để tạo ra hàng hóa với sản lượng lớn, mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Nếu cứ sản xuất nhỏ, lẻ như hiện nay thì DN, HTX sẽ không thể lớn lên được.

Nhiều hợp đồng, ghi nhớ giữa các DN được ký kết

Cùng với các gian hàng trưng bày sản phẩm, ban tổ chức cũng bố trí khu vực để các đối tác trao đổi và ký kết hợp đồng. Tính đến 10 giờ 59 phút cùng ngày, tức sau gần 3 giờ làm việc, đã có 369 hợp đồng, bao tiêu hàng hóa giữa nhà sản xuất và nhà phân phối được ký kết. Saigon Co.op ký với hàng chục DN, HTX trong việc bao tiêu hàng nông sản; hệ thống siêu thị Tứ Sơn (An Giang) ký hơn 20 hợp đồng tiêu thụ hàng hóa của các DN TPHCM…

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, con số này còn thay đổi, vì còn nhiều bản ký kết sẽ được thực hiện trong buổi chiều và ngày kế tiếp. Ngay trong phần đăng ký ban đầu, đã có tới 537 DN tham gia ký kết giao thương. Ban tổ chức cũng thiết kế một website riêng để thông tin, chuyển tải các nội dung liên quan đến hội nghị.

Theo ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc DNTN Tứ Sơn, từ năm 2013, với sự kết nối của Sở Công thương An Giang và TPHCM, doanh số của siêu thị không ngừng tăng mạnh qua các năm. Nếu năm 2013, doanh thu chỉ đạt 87 tỷ đồng, năm 2014 đạt 146 tỷ đồng, năm 2015 đạt 190 tỷ đồng, thì năm 2016 dự kiến doanh thu sẽ đạt hơn 200 tỷ đồng. Theo tính toán của ông Sơn, đã có đến 90% các hợp đồng ghi nhớ giữa DN TPHCM và Tứ Sơn được thực hiện trong các năm qua. Hiện nguồn hàng từ các DN TPHCM cung ứng cho Tứ Sơn chiếm hơn 70% lượng hàng đang bày bán trong siêu thị. Tứ Sơn hiện rất thành công với mô hình siêu thị lưu động quy mô 1.500m2, hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang và các khu vực giáp ranh Việt Nam - Campuchia.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm đánh giá cao hiệu quả từ hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành. Mỗi năm, thành phố tiêu thụ hơn 3 triệu tấn hàng hóa, trong khi khả năng tự cung ứng chỉ đạt 300.000 - 350.000 tấn, do vậy nếu TPHCM không phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành để đảm bảo nguồn cung sẽ rất khó ổn định được thị trường, giá cả. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đánh giá cao sáng kiến của TPHCM tổ chức gặp gỡ giữa các DN sản xuất và phân phối là rất thiết thực. Các DN sản xuất phải cam kết trong việc cung ứng, đảm bảo chất lượng hàng hóa, còn các nhà phân phối cũng rất thật tình khi chỉ ra mặt được, mặt chưa được của từng sản phẩm trên tinh thần cầu thị. “Đây là mô hình mà sở công thương các tỉnh cần học hỏi cách làm từ TPHCM, tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Các tin khác