Huy động vàng và USD trong dân: Cần cơ chế mở sàn giao dịch

(ĐTTCO) - Các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh. 

Đây là vấn đề đã được đề xuất khá nhiều lần. ĐTTC đã trao đổi với ông TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), về điều kiện và cơ chế để huy động vàng, USD trong dân nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế, cũng như đảm bảo quyền lợi các thành viên tham gia thị trường.

Không lo ngại vàng hóa

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào đối với việc huy động vàng trong dân vào sản xuất, kinh doanh?

 Với nguồn vốn vàng trong dân rất lớn, cộng với hành lang pháp lý đã có là Nghị định 24 và đặt trong bối cảnh này, hơn lúc nào hết NHNN cần sớm xúc tiến một đề án huy động vàng trong dân. Nếu đề án này chưa khả thi nên lấy ý kiến của các NHTM, Hiệp hội kinh doanh vàng, Hiệp hội nữ trang… để đóng góp xây dựng cơ chế huy động vàng. Đó không phải là vấn đề quá khó.
Ông TRẦN THANH HẢI: - Ngay từ Nghị định 24/2012, quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã nêu rõ ngoài vấn đề kiểm soát vàng miếng, vàng nguyên liệu và các hoạt động khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tham mưu cho Chính phủ về việc huy động vàng trong dân.
Đặc biệt trong lúc này, bài toán ngân sách đang gặp nhiều vấn đề nan giải nên chúng ta đang cần huy động nhiều nguồn vốn khác ngoài ngân sách. Về nguồn vốn vàng trong dân, nhiều dự đoán có hàng chục tấn, hàng trăm tấn, nhưng theo thống kê của CTCP Vàng bạc Đá quý TPHCM (SJC), hiện nay hơn 25 triệu lượng vàng đã đưa vào sản xuất, trong đó có số vàng được nấu ra để gia công, chế tạo nhẫn. Điều này cho thấy vàng trong dân rất lớn. 

- Năm 2016, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét tái huy động vàng trong dân, nhưng đã nhận được những ý kiến trái chiều. Ông có nhận xét gì về việc này?

- Những ý kiến trái chiều xuất phát từ việc lo ngại trở lại vàng hóa. Chúng ta cần phải thấy rằng từ năm 2012, khi Nghị định 24 bắt đầu có hiệu lực, NHNN đã chỉ đạo các NHTM cấm huy động và cho vay bằng vàng, siết chặt việc gia công vàng miếng và người dân gửi vàng vào NH không được lãi, còn phải đóng phí cho NH. Bằng 3 biện pháp nghiệp vụ đó, từ năm 2012 đến nay tôi cho rằng Việt Nam cơ bản chấm dứt tình trạng vàng hóa. Đó là thống kê về mặt thời gian, trên giấy tờ.
Còn về thực tế, tôi cũng có cơ sở để chứng minh công cuộc chống vàng hóa của Việt Nam tương đối có hiệu lực. Giá vàng trong nước hiện nay đi theo giá vàng thế giới rất chậm, thường có độ trễ. Giá vàng thế giới lên giá vàng trong nước ì ạch tăng, giá vàng thế giới xuống giá vàng trong nước ì ạch giảm. Thậm chí có một số thời điểm giá vàng trong nước đi ngược chiều giá vàng thế giới. Điều đó phản ảnh việc chạy theo liên kết giữa giá vàng trong nước và thế giới đã không còn. 

Bên cạnh đó, trước đây khi mạnh dạn huy động và cho vay bằng vàng, người dân sợ VNĐ mất giá, mua USD không được nên chuyển sang vàng, cộng với giá vàng lên xuống nhiều dẫn đến hiện tượng vàng hóa cũng đã giảm. Người dân hiện nay coi vàng là tài sản dự trữ, còn việc mang vàng kinh doanh theo giá lên giá xuống đã giảm rất nhiều.
Tôi cho rằng sau khi Nghị định 24 siết lại việc kinh doanh vàng miếng từ 12.000 đơn vị xuống còn 2.000 đơn vị, việc chống vàng hóa về mặt lý thuyết qua Nghị định 24 cũng như về thực tế qua biên độ giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới bước đầu đã có hiệu quả. 

Thiết lập sàn vàng quốc gia

- Những năm gần đây, đề xuất huy động vàng trong dân đã được đưa ra nhiều lần, Chính phủ cũng liên tục yêu cầu nghiên cứu huy động vàng trong dân. Nhưng tại sao đến nay vẫn chưa có phương án nào được đưa ra, thưa ông?

 Hiện NHNN đang có Sở Giao dịch là đơn vị kinh doanh tiền tệ và hoàn toàn có thể thêm chức năng quản lý sàn vàng. Đi kèm với sàn vàng phải đầu tư nhân lực, công nghệ và quản trị rủi ro để tránh xu hướng chạy một chiều bán hoặc một chiều mua như các sàn vàng trước đây. Vấn đề quan trọng là cần giải quyết tầm vĩ mô thực hiện đề án huy động vàng. Khi đã quyết tâm làm đề án sẽ có nhiều đơn vị sẵn sàng đóng góp ý kiến, hiến kế.
- Vấn đề khó nhất hiện nay là huy động vào sử dụng như thế nào để tránh rủi ro. Nếu huy động sau đó bán lấy VNĐ hoặc USD để biến thành nguồn vốn phục vụ tái đầu tư, sản xuất, cấp tín dụng cho các nhà sản xuất kinh doanh, sẽ gặp rủi ro lớn nếu giá vàng tăng. Đây là điểm NHNN và các NHTM lo ngại.
Vấn đề tiếp theo là không phải tất cả NHTM đều có bộ phận giám định được vàng. Đã xảy ra nhiều trường hợp chuyên viên thẩm định vàng hoặc thợ vàng lấy vàng thật ra đẩy vàng giả vào. Chưa kể hiện nay việc làm giả vàng càng ngày càng tinh vi, đặc biệt một số nguồn vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. 2 lý do đó đã cản trở việc thực hiện đề án huy động vàng, còn lý thuyết tài chính và cơ chế đảm bảo giảm rủi ro hoàn toàn có thể giải quyết được.

- Theo ông, giải pháp nào khả thi để huy động vàng trong dân tại Việt Nam?

- Việt Nam là nước đang phát triển, trong khi các thị trường tài chính thế giới ở Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đã phát triển nên chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm. Đối với vàng, thị trường Comex của Hoa Kỳ đang dẫn dắt giá vàng thế giới. Vàng giao dịch trên sàn Comex không phải là vàng vật chất mà là vàng giấy, vàng tài khoản.
Trên 350 triệu người dân Hoa Kỳ, trong đó có những người nghỉ hưu không phải tất cả đều tin tưởng hoàn toàn vào đồng USD, mà chia sẻ rủi ro bằng quỹ hưu trí, bằng đầu tư dầu mỏ, vàng. Tất cả dầu mỏ mua trên sàn ở New York hay London đều là dầu mỏ bằng giấy, vàng trên sàn Comex cũng là vàng giấy. 

Từ thực tế này, việc huy động vàng trong dân tại nước ta nên thực hiện trên sàn vàng. Theo đó, sàn vàng là nơi để bán vàng giấy, người chủ sàn vàng hay NHNN thu được tiền tươi thóc thật nhưng vàng đó là dạng vàng ghi sổ, vàng bút toán và được quy đổi thành giá trị.
Chúng ta không phải xuất vàng ra, cũng không phải chịu rủi ro vì sàn giao dịch tự cân đối, thỏa mãn được cơn sốt đầu tư của một số bộ phận; đáp ứng được yêu cầu của những người không muốn gửi gắm tài sản đầu tư hoặc cảm thấy lạm phát cao, đồng tiền chưa ổn định lâu dài muốn gửi tài sản vào một kênh khác là vàng.
Thật ra cất vàng cũng không phải là cần vàng mà là cần giá tiền của nó thay đổi theo thời gian, đó là bản chất của người giữ vàng ở Việt Nam. Do đó, việc thành lập một sàn vàng quốc gia tập trung theo mô hình của nước ngoài là hợp lý. 
Huy động vàng và USD trong dân: Cần cơ chế mở sàn giao dịch ảnh 1 Nguồn vàng và USD trong dân rất lớn, nhưng muốn huy động cần cơ chế cho sàn giao dịch.  Ảnh: LONG THANH
Nên học hỏi thế giới
- Các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng kiến nghị là nghiên cứu huy động USD trong dân. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Bản thân huy động USD trong dân hiện nay đã có. Huy động USD thuận lợi hơn vàng do lãi suất bằng 0% nhưng người dân vẫn gửi USD, trong khi gửi vàng lãi suất âm vì phải trả phí. Hiện đang có một số ý kiến cho rằng cần nâng lãi suất USD lên, vì lãi suất USD trên thị trường thế giới đang tăng nhưng Việt Nam vẫn giữ ở mức 0%, nên có hiện tượng một số NHTM trong nước gửi USD ra nước ngoài để hưởng lãi suất cao hơn.  Nhìn ra thế giới, ở Hoa Kỳ ngoài thị trường vàng và dầu mỏ còn có thị trường ngoại hối. Do đó, bên cạnh sàn hàng hóa như sàn vàng, sàn giao dịch ngoại hối để huy động USD trong dân cũng rất cần thiết.
Thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM trong 6 tháng đầu năm, kiều hối về TP trên 2 tỷ USD, mức này rất lớn. Không phải 2 tỷ USD kiều hối về nước đều bán cho NH mà chia ra mua vàng, đổi VNĐ, giữ một phần gốc ngoại tệ… Và huy động phần gốc ngoại tệ đó bằng cách nào cũng là bài toán cần sớm có lời giải. Tôi nghĩ rằng để có một cơ chế huy động USD cần nghiên cứu sàn Forex, bởi Việt Nam đi sau nên học kinh nghiệm thế giới.

- Tương tự như vàng, nếu tăng lãi suất huy động hoặc lập sàn giao dịch ngoại hối sẽ có lo ngại ảnh hưởng đến việc chống đô la hóa, thưa ông?

- Khi Việt Nam áp dụng lãi suất tiền gửi USD bằng 0% đã có thông tin doanh nghiệp trong nước thiếu vốn, trong khi NHTM thừa vốn đem gửi hàng tỷ USD ở nước ngoài để để hưởng lãi. Đó là nghịch lý.
Như vậy, nếu sợ chống đô la hóa không được sẽ bị mất nguồn. Làm kinh tế nên tránh biện pháp hành chính mà phải dùng biện pháp kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất USD và dự kiến còn nâng lên nữa. Những động thái này làm giá vàng giảm mạnh thủng đáy 1.200USD/ounce, đồng thời làm tỷ giá USD trên thế giới tăng. Nhưng ở Việt Nam lại siết quản lý USD, hạ lãi suất bằng 0%, trong khi chúng ta không có nhiều USD, nên sẽ tự làm khó mình. 

Vì thế, đối với thị trường USD và vàng cần có cách nhìn thoáng hơn và phải theo cơ chế thị trường. Đặc biệt đối với USD, tỷ giá tăng hàng quý hoặc giảm hàng quý, động thái của FED lúc này lúc khác, và cả thế giới cùng theo dõi cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC), chắc chắn Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Chưa kể kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu và nhập khẩu trong GDP, nên việc huy động vàng và USD trong dân cần phải được đưa ra để xem xét.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác