Hướng đến nền kinh tế thị trường đầy đủ

(ĐTTCO) - Từ năm 2014, Chính phủ liên tiếp ban hành 4 Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), kích thích hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo đà cho phát triển dài hạn. 
Hướng đến nền kinh tế thị trường đầy đủ

Các chính sách này bước đầu phát huy hiệu quả nhưng cần được duy trì và tiếp tục trong nhiều năm nữa để có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Xây dựng Chính phủ kiến tạo

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần truyền thông điệp sẽ xây dựng Chính phủ kiến tạo. Theo đó, Chính phủ kiến tạo trước hết phải tạo lập một môi trường chính sách cho nền kinh tế thị trường, cho xã hội vận hành bình thường; bảo vệ cho hệ thống xã hội và nền kinh tế đó phát triển. Gần đây có thêm nhiệm vụ nữa là định hướng để nền kinh tế hội nhập tốt, mang lại lợi ích tối đa.

Đấy là một chính phủ kiến tạo với hệ thống đã định hình, còn ở ta đang trong thời kỳ nền kinh tế chuyển đổi nên Nhà nước và Chính phủ kiến tạo phải bảo đảm cho quá trình chuyển đổi, giúp xác lập một hệ thống mới làm sao hiệu quả nhất, đỡ tốn kém và không bị méo mó. Tức Chính phủ kiến tạo của Việt Nam phải thiết lập nên một thể chế khuôn khổ pháp lý cho tốt, và phải phổ biến luật lệ.

Yêu cầu tiếp theo rất quan trọng là giúp thiết lập và bảo đảm hệ thống thị trường phát triển một cách lành mạnh. Đó là một thị trường cạnh tranh, công khai, bình đẳng giữa các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Theo đó, hệ thống giá cả phải tuân theo quy luật thị trường, không bị bóp méo, đây là công việc quan trọng nhất. Nói cụ thể hơn, ở Việt Nam chính phủ kiến tạo là chính phủ phục vụ DN, phục vụ xã hội. Đây là phần cốt lõi nhất, hiện nay thị trường méo mó nhiều thứ nên không thể phát triển được. Vì vậy hoạt động kiến tạo ở đây là kiến tạo nền tảng kinh tế thị trường, góp phần hình thành hệ thống thị trường, giúp DN hoạt động bình thường.

Chính phủ kiến tạo phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả như đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp hạ tầng giao thông, thông tin cho phát triển. Ở đây có nghĩa khi DN chưa đủ thực lực để làm những nhiệm vụ này buộc Nhà nước phải tham gia để tạo động lực cho phát triển; đồng thời Nhà nước cũng phải tổ chức để DN cùng tham gia.

Bên cạnh đó, chính phủ kiến tạo phải thiết kế ra khuôn khổ hội nhập, tức phải thiết lập chính sách, điều kiện để đảm bảo hội nhập có hiệu quả. Có một thực tế hiện nay là nền kinh tế của ta rất tích cực hội nhập nhưng việc chủ động tạo ra năng lực cho Nhà nước và DN lại rất yếu kém, nên trong thực hiện lộ trình hội nhập, Nhà nước và DN đều cảm thấy vất vả.

Cụ thể hơn, nhà nước kiến tạo có thể hiểu là nhà nước tạo lập môi trường kinh doanh, tạo lập đầu tư cho nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ đương nhiên của Chính phủ. Vấn đề lâu nay Nhà nước của ta nhiều lúc không hoạt động, không thực hiện đúng chức năng của mình nên bây giờ chúng ta mới bắt tay xây dựng một nhà nước kiến tạo, một chính phủ kiến tạo cho phát triển.

Nhà nước kiến tạo là một nhà nước tạo ra thị trường, đồng thời cũng phải định hướng phát triển cùng với khu vực tư nhân, chứ không phải đối lập với khu vực tư nhân. Hiện nay chúng ta mới đưa ra được những động thái chính sách tích cực mà trước đây chưa làm tốt những chức năng này, bây giờ phải thay đổi để làm cho tốt hơn. Thực tế Chính phủ đương nhiệm đang làm được những việc rất quan trọng, như tuyên bố không hình sự hóa các vụ án kinh tế. Đây là bước tiến rất đáng kể trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo

Cụ thể, việc quyết liệt thực hiện cải cách các thủ tục hành chính của Chính phủ đã làm cho các quy định về khởi sự kinh doanh thông thoáng hơn, nhanh hơn; việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đã làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn. Nhiều thông điệp, nhiều ý kiến đưa ra của Thủ tướng đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng DN, xã hội.

Thái độ của Chính phủ đối với DN là thái độ chiến lược phản ánh qua Nghị quyết 35 đặt mục tiêu phát triển 1 triệu DN vào năm 2020. Trong đó, Chính phủ muốn phát triển các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, khu vực tư nhân đóng góp 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp khoảng 30-35% GDP, năng suất lao động tăng 5%/năm, hàng năm khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Đến gần đây là vấn đề quy hoạch, hoặc đưa ra những tháo gỡ quy định, quy tắc trong đầu tư vào công nghệ, hay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, những hoạt động, hay chương trình này thời gian tới cần triển khai ráo riết hơn, như chương trình 100.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghệ cao, hay cách tiếp cận ủng hộ sự phát triển của khu vực tư nhân rất cao trong suốt thời gian qua.

Cuối năm 2016, trước kỳ họp Quốc hội, dù dự báo mục tiêu tăng trưởng gần như chắc chắn không đạt, nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng không cần điều chỉnh. Trong khi theo thông lệ các kỳ trước chỉ tiêu nào khó sẽ đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, và vẫn sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.

Tôi đánh giá cao thông điệp không phải điều chỉnh, vì nếu điều chỉnh sẽ hoàn thành nhiệm vụ về mặt ngắn hạn, nhưng không có cơ hội kiểm điểm những vấn đề dài hạn. Việc này phản ánh cách nhìn không chạy theo chủ nghĩa thành tích.

Tất nhiên vẫn cần thiết kế những chính sách phù hợp hơn nữa, nhưng bước đầu rất tích cực để tạo lập nên nền tảng thị trường đầy đủ. Đặc biệt chủ trương của Chính phủ đang hướng các DN nội đến một trình độ công nghệ, quản trị cao hơn, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp trên tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Thời gian Chính phủ đưa ra các động thái chính sách trên còn ngắn, trong khi đây là những công việc Chính phủ phải thực hiện lâu dài, đòi hỏi gắn liền với việc thay đổi nhiều chính sách về đầu tư kinh doanh, nếu không muốn nói là thay đổi cả hệ thống chính sách, luật lệ không phù hợp cho quá trình phát triển, chẳng hạn như việc sửa Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, Luật DN.

Chính phủ kiến tạo còn quá nhiều việc phải làm, phải tháo gỡ để có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Việc quan trọng nhất là tạo lập ra một nền kinh tế thị trường, như vậy mới có được hệ sinh thái khởi nghiệp, mới có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với những đầu tàu dẫn dắt và tạo sức mạnh cho nền kinh tế. Theo đó khu vực tư nhân phải có sự kết nối, gắn kết với nhau thành một hệ thống, mạng lưới liên kết phát triển.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Các tin khác