Học hỏi kinh nghiệm thương hiệu đẳng cấp

(ĐTTCO) - Việc các thương hiệu thời trang bình dân thế giới Zara, H&M có mặt ở thị trường Việt Nam sẽ tạo ra sức ép hay cơ hội để doanh nghiệp nội cũng như các nhà thiết kế trong nước chuyển mình? 
Học hỏi kinh nghiệm thương hiệu đẳng cấp
ĐTTC đã trao đổi với anh LÊ THANH HÒA, nhà thiết kế trẻ thời trang Việt Nam, với thương hiệu thời trang mang tên anh, về vấn đề này. 
PHÓNG VIÊN: - Anh có suy nghĩ gì trước hình ảnh giới trẻ xếp hàng dài trong ngày khai trương thương hiệu thời trang bình dân Zara và H&M? Việc có mặt các thương hiệu này có ảnh hưởng đến lượng khách hàng của Lê Thanh Hòa?

NTK LÊ THANH HÒA: - Tôi cảm thấy vui trước hình ảnh của nhiều bạn trẻ xếp hàng để được mua sản phẩm của các thương hiệu thời trang như Zara hay H&M. Bởi lẽ điều này phần nào minh chứng thời trang Việt đang phát triển và nhu cầu ăn mặc của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đang đi gần với xu hướng và trào lưu của thế giới.
Có thể thấy, việc có mặt của 2 thương hiệu này ở thị trường Việt Nam giúp nhiều người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí nếu đi nước ngoài mua sắm, hoặc giải cơn khát khi phải thông qua kênh xách tay, nên họ thu hút đông người mua cũng dễ hiểu. Tất nhiên, cũng không loại trừ một số bạn trẻ theo trào lưu nhiều hơn, dễ bị tò mò trước cái mới mẻ và cũng dễ thay đổi. 
Với riêng thương hiệu thời trang Lê Thanh Hòa của tôi không bị ảnh hưởng nhiều, vì đối tượng là doanh nhân, những người nổi tiếng, có mức thu nhập khá cao và sẵn sàng chi trả cho những món hàng đắt tiền nhưng độc đáo. Còn Zara và H&M là những trang phục thường ngày, có tính ứng dụng cao, giá phù hợp với phần đông người tiêu dùng nên không cạnh tranh về phân phúc khách hàng.
Song việc có Zara, H&M hay sắp tới có thể là Uniqlo, F21… cũng là lúc những nhà thiết kế phải nhìn nhận lại những bước phát triển, để làm sao thương hiệu của mình có bước đi phù hợp với xu thế chung khi các tên tuổi lớn ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam. 

- Gói gém những thiết kế của mình cho phân khúc khách hàng cao cấp nhưng hạn chế số lượng, có khi nào anh nghĩ mình sẽ mở rộng để đưa sản phẩm của mình tới phân khúc bình dân hơn?

 Từ câu chuyện của riêng mình, tôi nghĩ doanh nghiệp trong làng thời trang Việt Nam nên nghiên cứu, tìm hiểu các thương hiệu thời trang thế giới để không chỉ nắm xu hướng, mà còn học cách làm sản phẩm và thương hiệu của họ.
- Tôi đang chuẩn bị ra mắt dòng sản phẩm thời trang bình dân phục vụ đối tượng khách hàng trẻ, nhất là giới văn phòng với mức giá hợp túi tiền. Nếu không có gì thay đổi, thương hiệu mới này sẽ chính thức ra mắt vào tháng 10 tới. Làm thời trang nhiều năm tôi cũng mong mỏi sản phẩm của mình đến gần hơn với số đông người tiêu dùng bằng những mức giá dễ chịu.
Nhưng đến bây giờ mới có thể thực hiện mong muốn đó, vì đơn thuần chỉ là một nhà thiết kế muốn xây dựng một thương hiệu thời trang phổ biến cần có thời gian, vốn, và ekip với quy trình chuyên nghiệp. Thực ra nói thì dễ, để làm được mất nhiều thời gian và công sức.
Lâu nay tôi vẫn hạn chế ở một phân khúc, vì những sản phẩm thiết kế riêng đòi hỏi chất xám nhiều hơn, và mẫu mã sản xuất rất ít, chi phí sản phẩm cao nên không thể làm đại trà. Tôi sẽ xây dựng thương hiệu khác xa với thương hiệu hiện có Lê Thanh Hòa. 
Cũng có người hỏi tôi khi làm phân khúc bình dân sẽ phải đối mặt với việc hàng giả, hàng nhái như nhiều thương hiệu trong nước vấp phải. Nhìn ở mặt tích cực cũng vui vì đồ mình đẹp người ta mới nhái.
Tất nhiên cũng có chiến lược cho mình nếu có hàng giả, hàng nhái. Cách tốt nhất theo tôi chính là liên tục tung ra mẫu mới. Điều này khiến những đối tượng làm giả, nhái không theo kịp, đồng thời nó cũng đi đúng xu hướng thời trang là liên tục thay đổi, làm mới mình. 
- Trong khi anh khá lạc quan về cuộc cạnh tranh với các ông lớn ngoại, có không ít nghi ngại cho nhiều thương hiệu nội sẽ đuối sức trong cuộc đua này, anh nghĩ sao về lo lắng ấy?
 - Việc có nhiều thương hiệu ngoại đổ bộ lẽ đương nhiên sẽ làm cho miếng bánh thị phần thị trường thời trang Việt Nam thay đổi. Song dưới góc nhìn của tôi, doanh nghiệp Việt Nam với năng lực và nguồn lực của mình vẫn có thể cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.
Nhưng vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp nội cần nắm được xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng. Thời trang luôn luôn thay đổi, nếu các nhà kinh doanh không chịu thay đổi sẽ đuối sức trong cuộc đua này. Nếu doanh nghiệp nội thua ngay trên sân nhà thực sự là điều đáng tiếc, vì tiềm năng của thị trường thời trang Việt Nam đang rất lớn. 
Sự có mặt của các thương hiệu thời trang bình dân thế giới chính là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp nội cần tỉnh táo, nhận thức lại xu hướng thời trang. Và ở một góc tích cực, các thương hiệu ngoại chính là động lực cho doanh nghiệp trong nước chuyển mình. Nếu chuyển mình tốt, thời trang Việt có thể đi xa hơn, ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cạnh tranh có thể dẫn tới triệt tiêu nhưng cũng có thể là động lực mạnh mẽ cho những bứt phá. 
- Sẽ là khập khiễng khi so sánh thời trang nội với những hãng thời trang danh tiếng thế giới, nhưng sự học hỏi thì không thể thiếu, thưa anh?
- Trước đây, tôi từng sử dụng quần áo của nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam. Và sau này khi có điều kiện hơn được mặc lên người những bộ quần áo của nhiều thương hiệu ngoại, phải công bằng thừa nhận tiền nào của đó. Rõ ràng họ có tích lũy lâu dài trên thị trường nên sản phẩm có nhiều khác biệt.
Là một nhà thiết kế tôi luôn buộc mình phải học hỏi không ngừng từ các thương hiệu thời trang thế giới. Trong những dịp đi nước ngoài tôi luôn tranh thủ thời gian để đi xem, ngắm, mua sắm nhiều sản phẩm thời trang để học hỏi từ những kỹ thuật may và xử lý chất liệu tinh tế từ các thương hiệu. 

Các tin khác