Học đại học, làm đại nghề

(ĐTTCO) - Tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp là vấn đề nóng sốt trong nhiều năm trở lại đây, nhất là khi số cử nhân, kỹ sư ra trường không có việc làm ngày càng tăng. 
Niềm vui của ông cử, bà cử khi ra trường nhưng sẽ là nỗi buồn khi khó tìm việc làm phù hợp ngành học.
Niềm vui của ông cử, bà cử khi ra trường nhưng sẽ là nỗi buồn khi khó tìm việc làm phù hợp ngành học.
Bấp bênh hoặc không xin nổi việc dựa vào bằng cấp, nhiều trí thức trẻ phải bươn chải đủ công việc phổ thông như giúp việc nhà, bán hàng, bảo vệ, chạy xe ôm và làm công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Nỗi buồn cho các ông cử
Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Thanh, công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương), vừa kết thúc một ngày làm việc ở công ty. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế một trường ĐH thuộc Đại học Huế, anh cầm bằng vào TPHCM kiếm việc. Hồ sơ rải khắp nơi nhưng chờ mãi cơ hội chẳng đến. Chàng cử nhân này đi phụ hồ, trông xe cho quán cơm. Dịp đầu năm nay, theo lời giới thiệu của người quen, Thanh được nhận vào làm công nhân sản xuất bao bì ở Bình Dương. Ngày làm 8 tiếng, thêm tăng ca từ 2-3 tiếng, thu nhập hàng tháng của Thanh cũng chừng hơn 5 triệu đồng. 
 Hiện nay, nhiều trường ĐH giảng dạy theo cách rất hàn lâm, phần nhiều nặng về lý thuyết nên một bộ phận lớn sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm, và nếu họ có đi làm cũng không có sự sáng tạo trong công việc, nên phải đào tạo lại. Nguyên nhân là các cử nhân đã không được rèn luyện đủ kiến thức và kỹ năng khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Nguyễn Thị Doan, 
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
“Đi làm công nhân không cần phải dùng bằng cấp để xin việc, thậm chí phải giấu đi. Ban đầu những người cùng đứng máy trong công ty, công nhân cùng phòng trọ không biết em tốt nghiệp ĐH. Nhưng giờ nhiều cử nhân đi làm công nhân ở đây nên em cũng chẳng ngại ngần nữa” - Thanh thổ lộ. 
Một ngày làm việc của Lê Thanh Dũng (26 tuổi, tạm trú tại quận 12, TPHCM), tốt nghiệp Trường ĐH Bình Dương thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc nửa đêm. Dũng đang chạy xe ôm công nghệ mới tại TPHCM chừng nửa năm nay, khi xách tấm bằng ĐH đi khắp nơi nhưng không tìm ra việc làm. Quê ở Quảng Ngãi, nhà lại làm nông, ra trường hơn năm chưa kiếm tiền được, nên Dũng phải tự bươn chải để không làm khổ cha mẹ ngoài quê. Địa bàn hoạt động của Dũng thường là các quận ở TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, nếu có khách yêu cầu đi xa. 
Trong lúc chờ tìm việc làm phù hợp với bằng cấp, cũng là "lấy ngắn nuôi dài", Dũng đăng ký và trở thành tài xế GrabBike. Công việc dù hơi vất vả, chạy suốt ngày dưới trời nắng, nhưng thu nhập từ chạy xe ôm cũng giúp Dũng ổn định bước đầu nơi đô thành náo nhiệt, cuộc sống đắt đỏ. Trừ chi phí xăng xe, điện thoại và tiền phí, 1 ngày chăm chỉ, cộng thêm chút may mắn có nhiều khách kêu, tân cử nhân này cũng có thể kiếm được cả trăm ngàn đồng. Theo lời Dũng, em là một trong số hàng trăm tài xế GrabBike đang hoạt động trên địa bàn TPHCM hiện nay, khi tốt nghiệp ĐH đã lâu nhưng không xin việc làm bằng tấm bằng cử nhân.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh -Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong đó, nhiều người đang phải cất tấm bằng ĐH đi để chuyển sang học nghề hoặc chỉ để xin được một việc làm phổ thông, cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian. Nhiều cử nhân, thạc sĩ được đào tạo ra không xin được việc làm, cũng phần nào cho thấy trình độ và kỹ năng được đào tạo qua trường lớp của họ không đáp ứng được yêu cầu xã hội nên rất khó tìm việc. Chính vì vậy, cử nhân ra trường đi bán hàng hoặc chỉ dám nhận có bằng trung cấp để làm công nhân không còn chuyện hiếm. 

Lãng phí đào tạo
Chọn nhầm nghề, ngồi nhầm trường là nguyên nhân khiến sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 người có trình độ ĐH trở lên, trong khi các trường lại cho "ra lò" hơn 400.000 người, nên việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề là khó tránh khỏi.
Một số ý kiến khác lại nhấn mạnh tới nguyên nhân chất lượng đào tạo ở nhiều trường ĐH không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng; trình độ, kỹ năng của cử nhân, kỹ sư không tương xứng với giá trị thật của tấm bằng ĐH. Không ít doanh nghiệp than phiền có đến 70% sinh viên mới ra trường yếu các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, thiếu tinh thần kỷ luật...
Đáng lo ngại hiện nay đối với giáo dục hệ ĐH là tình trạng sinh viên thiếu kiến thức tiếng Anh cơ bản cũng như chuyên ngành (đối với các trường không chuyên ngữ), mặc dù đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và học ở nhiều trường ĐH-CĐ. Nguyên nhân do thời lượng đào tạo tiếng Anh không đủ để đào tạo cho tất cả sinh viên ra trường có đủ khả năng giao tiếp lưu loát đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo số liệu khảo sát tại 18 trường ĐH ở Việt Nam, điểm bình quân sinh viên năm thứ nhất dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC. Và với mức điểm này, sinh viên cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết) để đạt được 450-500 điểm TOEIC - mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ.
Trong những năm gần đây ở các diễn đàn giáo dục ĐH, người ta thường đổ lỗi do thiếu trang thiết bị học tập, thương mại hóa giáo dục, phong cách giảng dạy của giảng viên, việc học thiên về lý thuyết nhiều hơn thực tiễn đã biến các sinh viên trở thành những “con vẹt” trong việc học của mình.
Theo số liệu khảo sát của báo chí, chỉ 30% trong số những sinh viên được hỏi có thái độ tích cực trong học tập, trong khi có đến 60% chọn giải pháp học đối phó. Một thực tế buồn nữa là sau bao năm học phổ thông vất vả, nặng nhọc để giành được một chiếc ghế lên giảng đường ĐH, không ít sinh viên đã vội vàng tự mãn, xem ĐH chỉ là nơi xả hơi để tụ tập gặp gỡ, ăn chơi với bạn bè cùng trang lứa. Bởi khi còn học phổ thông, đặc biệt là cấp THPT, các bạn học sinh đã phải mang trên vai gánh nặng tâm lý từ gia đình, người thân là phải vào ĐH bằng mọi giá. Nhưng bản thân nhiều bạn chưa hoặc không nhận thức được vào ĐH để làm gì?
Tình trạng cử nhân thất nghiệp đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thực tế này đòi hỏi các trường ĐH cần phải xem xét lại chương trình đào tạo lẫn mô hình đào tạo của chính mình để điều chỉnh cho phù hợp hơn với những đòi hỏi từ thị trường lao động.

Các tin khác