Hiểm họa từ chung cư vi phạm PCCC

(ĐTTCO)-Chủ đầu tư các chung cư chây ì, cố tình không khắc phục các vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng ngành chức năng, chính quyền địa phương một số nơi lại không có biện pháp mạnh, thiếu kiên quyết trong xử lý, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che vi phạm. Thực tế trên làm vi phạm ngày càng phát sinh nhiều và tồn tại kéo dài, đẩy nguy cơ cháy nổ ở chung cư, nhất là các chung cư mới lên mức báo động.

(ĐTTCO)-Chủ đầu tư các chung cư chây ì, cố tình không khắc phục các vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng ngành chức năng, chính quyền địa phương một số nơi lại không có biện pháp mạnh, thiếu kiên quyết trong xử lý, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che vi phạm. Thực tế trên làm vi phạm ngày càng phát sinh nhiều và tồn tại kéo dài, đẩy nguy cơ cháy nổ ở chung cư, nhất là các chung cư mới lên mức báo động.

 Cảnh sát PCCC TPHCM kiểm tra một chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở tại quận 12

Cảnh sát PCCC TPHCM kiểm tra một chung cư chưa nghiệm thu PCCC
đã đưa dân vào ở tại quận 12

Không khắc phục vi phạm, cũng chẳng đóng phạt!

Dù công trình chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu về PCCC, còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm (như: chưa có máy phát điện dự phòng và thiết bị báo khói, báo nhiệt ở hành lang các tầng; không có phòng điều khiển trung tâm cho hệ thống báo cháy; chưa có trạm bơm chữa cháy bằng điện và dầu diezen, chưa lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp và đèn hướng dẫn thoát nạn ở các tầng…) nhưng tháng 12-2015, chủ đầu tư tòa nhà C - chung cư Cao Ốc Xanh (phường Phước Long A, quận 9) là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 vẫn đưa 118 hộ dân với khoảng 247 nhân khẩu vào ở.

Hàng loạt vi phạm này được Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP, Phòng Cảnh sát PCCC quận 9 và chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần trong năm 2016. Tháng 8-2016, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) ra quyết định xử phạt 80 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 vì đưa dân vào ở khi chung cư chưa nghiệm thu PCCC, đồng thời yêu cầu khắc phục ngay vi phạm.

Tuy vậy, đã 8 tháng trôi qua, chủ đầu tư chung cư Cao Ốc Xanh vẫn bất chấp, không khắc phục vi phạm, cũng chẳng đóng phạt, mặc kệ nguy hiểm cháy nổ có thể xảy đến với cư dân.

Chung cư Bảy Hiền Tower nằm trên đường Phạm Phú Thứ (phường 11, quận Tân Bình) cũng trong tình trạng tương tự. Đáng chú ý hơn ở công trình này là chủ đầu tư không những vi phạm nhiều lỗi an toàn cháy nổ, không tiến hành nghiệm thu PCCC mà còn xây dựng sai với thiết kế cấp phép.

Trong khi các bất cập, tồn tại về PCCC tại chung cư chưa được khắc phục thì giữa năm 2016, chủ đầu tư đưa 10 hộ dân với 32 nhân khẩu vào ở.

Cá biệt là chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân). Chủ đầu tư (Công ty TNHH Nguyễn Quyền) đưa dân vào ở từ cuối năm 2012, khi chung cư chưa nghiệm thu PCCC. Vi phạm kéo dài 5 năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TP, UBND quận Bình Tân… có tổng cộng 12 đợt kiểm tra, nhiều lần xử phạt hành chính, 2 lần ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động.

Tuy nhiên, kết quả đến nay bằng không, chung cư vẫn chưa nghiệm thu PCCC, hiện còn phát sinh thêm lỗi vi phạm mới: hệ thống chữa cháy tự động, cấp nước chữa cháy hư hỏng không được sửa chữa…

Đến nay, số cư dân vào ở trong chung cư đã lên đến 130 hộ dân. Hậu quả sẽ rất khó lường nếu cháy nổ xảy ra. Thật đáng ngại khi chủ đầu tư không khắc phục vi phạm, không đóng phạt, bất hợp tác khi cơ quan chức năng kiểm tra (không bố trí người có trách nhiệm làm việc) thì chính quyền, ngành chức năng địa phương cũng chỉ biết… tiếp tục kiến nghị!

Quản lý chưa sát, xử lý chưa kiên quyết

Đại tá Phan Minh Quyền, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 9 - đơn vị quản lý nhà nước về PCCC trực tiếp đối với chung cư Cao Ốc Xanh, khẳng định: “Từ thời điểm phát hiện chủ đầu tư vi phạm (đưa dân vào vào ở khi chung cư chưa nghiệm thu - tháng 12-2015) đến nay, chúng tôi đã chủ động và phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 3 lần.

Các biện pháp từ nhắc nhở, kiến nghị khắc phục đến xử phạt hành chính, chúng tôi đều đã làm, nên không có chuyện bao che. Để xử lý dứt điểm tình trạng đưa dân vào ở khi chung cư chưa nghiệm thu, tôi nghĩ các cơ quan cấp trên như Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), UBND TPHCM cần vào cuộc, có biện pháp mạnh như đình chỉ hoạt động đối với chủ đầu tư…”.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ chủ đầu tư chây ì trong việc nghiệm thu PCCC là vì chi phí lắp đặt, đầu tư, hoàn thiện tất cả hệ thống PCCC ở một chung cư rất cao, trong khi mức xử phạt thấp (cao nhất là 80 triệu đồng). Do đó, chủ đầu tư thường chấp nhận chịu phạt, thay vì đầu tư hệ thống PCCC đầy đủ để nghiệm thu.

Trong khi đó, cư dân các chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân), Cao Ốc Xanh (quận 9), Bắc Bình (quận Bình Thạnh) cho rằng để xảy ra hành vi vi phạm “chưa nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư cho cư dân vào ở” ngày càng nhiều, trách nhiệm trước hết thuộc các phòng cảnh sát PCCC quận, huyện.

“Ở mỗi phường đều có 1 - 2 cán bộ quản lý PCCC địa bàn. Nếu cán bộ này làm tốt, giám sát tốt, phát hiện và ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, không cho một hộ dân nào vào ở trong chung cư chưa nghiệm thu PCCC thì chắc chắn chủ đầu tư sẽ khắc phục, vì họ phải có trách nhiệm với khách hàng.

Đằng này, Cảnh sát PCCC để dân vào ở gần hết trong chung cư, đến khi vi phạm xảy ra nhiều, nguy cơ cháy cao rồi mới đến kiểm tra, xử phạt, đình chỉ hoạt động thì đương nhiên sẽ khó xử lý. Bản thân tôi ở trong một chung cư chưa nghiệm thu PCCC, cảm thấy rất lo sợ, mỗi lần thấy cảnh sát PCCC đến kiểm tra, chúng tôi đều mong muốn cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động chung cư để chủ đầu tư khắc phục các vi phạm phòng cháy, nhưng trước giờ chưa thấy đình chỉ hoạt động đối với chung cư này bao giờ, dù cảnh sát PCCC có quyền”, ông Trần Hoàng Minh, ngụ ở chung cư Bắc Bình, nói.

Các tin khác