HFIC - Khai thông bài toán cơ sở hạ tầng

 
(ĐTTCO) - TPHCM được xem là đầu tàu kinh tế cả nước trên cả 2 phương diện đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, với mức đóng góp cho tăng trưởng  kinh tế 23% GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước.
HFIC - Khai thông bài toán cơ sở hạ tầng

Song những bất cập trong quy hoạch và quản lý đô thị, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học.

Nỗ lực tạo thêm nguồn lực cho phát triển

Một trong những nguyên nhân khiến TPHCM vẫn chưa thể phát huy tốt nhất các lợi thế, cũng như khai thác được tiềm năng, là không đủ nguồn lực cần thiết để tạo các tiền đề cho sự đột phá phát triển.

Dù TPHCM là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và tỷ lệ điều tiết số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh, thành nhưng tỷ lệ điều tiết số thu được để lại cho ngân sách TP ngày càng giảm, đây cũng chính là trở ngại trong việc tập trung nguồn cho phát triển, từ đó tạo ra nguồn thu lớn hơn cho TP.

Do đó, bên cạnh nguồn thu được hưởng theo phân cấp, TP phải chủ động huy động mọi nguồn lực, như vay các nguồn vốn trong và ngoài nước (vay vốn ODA, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương)…  Ngoài ra, TP đã nghiên cứu, triển khai một số phương thức huy động mới như đầu tư theo hình thức BT, BOT, BOO; thực hiện chuyển nhượng quyền thu phí giao thông; huy động nguồn lực xã hội thông qua chương trình kích cầu đầu tư...

Có thể nói, TPHCM là địa phương đi đầu trong việc thí điểm mô hình “đổi đất lấy hạ tầng”, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách theo chủ trương xã hội hóa đầu tư. TP đã đề xuất Trung ương thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM - HFIC (trên nền tảng tiếp tục thực hiện chức năng của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, đồng thời thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được TP chuyển giao), được xem là bước đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, cánh tay nối dài của ngân sách, công cụ huy động vốn và đầu tư có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội TP trong giai đoạn vừa qua.

Với hình thức huy động đầu tư đa dạng, thu hút nguồn lực xã hội, TP đã từng bước cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị; nhiều dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng như Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; các cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm, Sài Gòn II; đường hầm vượt sông Sài Gòn; các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Vành đai 2, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; các cầu vượt bằng thép trong nội thành... đã góp phần cải thiện hạ tầng và diện mạo mỹ quan đô thị TP, đồng thời cho thấy giải pháp sáng tạo, khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề của TP là thực chất.

Cần cơ chế đặc thù

Trên thế giới, mô hình công ty phát triển đô thị là mô hình phổ biến, là tổ chức có vai trò vừa là doanh nghiệp, vừa là đơn vị có đủ thẩm quyền và khả năng huy động nguồn lực để triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị lớn. Thực tiễn tại TPHCM, mô hình công ty phát triển đô thị và cơ chế huy động vốn đặc biệt đã có thử nghiệm và đã thành công nhất định.

HFIC là doanh nghiệp đặc thù duy nhất hiện nay trên cả nước thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Nhà nước chuyển giao, đồng thời là định chế tài chính huy động các nguồn vốn phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng của TPHCM.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, HFIC là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống các Quỹ đầu tư phát triển địa phương trên toàn quốc với số vốn điều lệ chiếm 28%, vốn huy động đạt hơn 55% và chênh lệch thu chi chiếm 49% của toàn hệ thống; dư nợ vay bình quân của HFIC giai đoạn 2010-2016 đạt hơn 5.000 tỷ đồng; thu hút được nguồn vốn quốc tế từ các tổ chức tài chính uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KFW), Cơ quan hợp tác và phát triển Italia... thông qua hình thức vay lại từ Chính phủ; hợp tác với các tổ chức tín dụng trong nước, các nhà đầu tư để tài trợ hoặc cùng đầu tư trực tiếp cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, dự án cấp nước, bảo vệ môi trường, dự án về y tế, giáo dục, an sinh xã hội... trên địa bàn.

Trong bối cảnh Trung ương giảm tỷ lệ điều tiết số thu để lại cho ngân sách TP trong giai đoạn tới chỉ còn 18%, hướng đi mở phù hợp cho việc huy động là thông qua định chế tài chính trung gian như HFIC, từ các nguồn lực tập trung bao gồm vốn tiếp nhận của các doanh nghiệp chuyển giao và giá trị thu cổ phần hóa vốn xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp tự vay tự trả không cần có bảo lãnh của Chính phủ. Với cơ chế này sẽ không phụ thuộc trần nợ công của chính quyền địa phương, theo đó gián tiếp mở rộng mức huy động đang bị giới hạn của TP (không vượt quá 60% số thu).

Bên cạnh đó, xét về cơ chế đòn bẩy tài chính khi sử dụng vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn vốn tiếp nhận của các doanh nghiệp chuyển giao về HFIC, từ nguồn thu cổ phần hóa các doanh nghiệp, HFIC thực hiện nhiệm vụ huy động vốn với cơ chế huy động tối đa gấp 6 lần trên vốn chủ sở hữu, thông qua các hình thức vay vốn, phát hành trái phiếu (theo quy định của quỹ đầu tư địa phương) đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hoặc huy động từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án cấp thiết của  TP. Đồng thời HFIC sử dụng cơ chế “vốn mồi” đầu tư nguồn vốn này vào các doanh nghiệp dự án, và các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính để huy động vốn cho thực hiện dự án.

Vì vậy, để tạo nguồn lực cần thiết cho sự đột phá phát triển về cơ sở hạ tầng trong điều kiện ngân sách bị giới hạn hiện nay, TP cần phát huy hơn nữa cơ chế huy động vốn hiệu quả đã được chứng minh trong thời gian qua, là thông qua định chế tài chính trung gian có chức năng huy động và đầu tư phát triển hạ tầng HFIC. Với nguồn lực vốn chủ sở hữu hiện nay của các doanh nghiệp thuộc TP so với cả nước chỉ khoảng 3,5%, nếu như đầu tư dàn trải nguồn lực này sẽ không phát huy tác dụng.

Cùng với tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo qua nhiều thời kỳ, TPHCM cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về cơ chế, phân cấp để dồn lực phát triển; cho phép giữ lại các doanh nghiệp trực thuộc UBND TP và chuyển giao cho HFIC để tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; củng cố và phát triển HFIC là công cụ tài chính chủ lực, để huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân, thu hút thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển TP.

Các tin khác