Hãy nhìn vào khó khăn của doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Trước đề xuất tăng thuế BVMT với các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung của BTC mới đây, rất nhiều DN đã bày tỏ lo ngại sẽ đẩy tình hình sản xuất kinh doanh của họ vào thế khó hơn. ĐTTC ghi lại ý kiến của một số DN, hiệp hội xung quanh đề xuất này. 

Hãy nhìn vào khó khăn của doanh nghiệp
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh:
Dễ thấy khi giá xăng dầu tăng rất nhiều chi phí liên quan sẽ tăng theo, và như vậy DN sẽ lãnh đủ. Trong khi đó lý do cho đợt tăng lần này là BVMT cũng không thuyết phục. Có vẻ như đây chỉ là một lý do để bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn thu nên phải tăng thuế, bởi thực chất là dành để BVMT phải minh bạch số tiền đó sử dụng vào việc gì, như thế nào.
Nhìn một cách dễ hiểu, tăng thuế môi trường đánh trên xăng dầu, than, túi nilông... là những thứ gây ô nhiễm, Nhà nước đánh thuế để giá đắt đỏ hơn, làm chùn tay người tiêu dùng, qua đó bảo vệ môi trường.
Nhưng thực ra, trừ túi nilông có thể thay bằng sản phẩm tái tạo với giá khá cao, còn lại nếu có đánh thuế hơn nữa mọi người vẫn phải sử dụng các mặt hàng như xăng, dầu, điện. Do vậy, nếu đóng thuế hợp lý chúng tôi sẵn sàng, nhưng cái chúng tôi cần là sự minh bạch.
Khi xăng tăng, các chi phí đầu vào cho sản xuất của DN tăng, nhưng với những DN cơ khí như chúng tôi sản phẩm phục vụ cho khối DN, việc tăng giá bán là bài toán cực kỳ khó khăn. Hiện nay, việc cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó phần nhiều từ Trung Quốc đã không dễ, nay nếu phải tăng giá bán DN sẽ điêu đứng.
Lâu nay chính sách thế nào DN chịu vậy, phải tự thân vận động, DN nào làm được tồn tại, không làm được phải “hy sinh”, nhưng chúng tôi vẫn muốn góp một tiếng nói để những người làm chính sách hiểu hơn tình hình thực tế của DN. 

Ông LÝ THÀNH SINH, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng:
Tăng thuế BVMT đối với sản phẩm xăng dầu cũng đồng nghĩa với việc chi phí vận chuyển sẽ tăng. Với những DN sản xuất hàng tiêu dùng như chúng tôi, phí vận chuyển rất nhạy cảm vì nằm trong giá thành sản phẩm.
Cạnh tranh đang muôn trùng khó khăn, tiền lời trên mỗi sản phẩm quá còm cõi, nếu tăng giá bán người tiêu dùng khó chấp nhận mua và hàng hóa của mình không thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Có thể thấy những năm gần đây, hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam được nắm giữ chủ yếu bởi người nước ngoài.
Qua đó sản phẩm ngoại nhập sẽ vào nhiều hơn, chiếm phân khúc trung cao cấp, còn phân khúc rẻ tiền hàng Trung Quốc vẫn ngự trị lâu nay, nên DN sản xuất Việt Nam đang trong thế cực kỳ khó khăn. Đó là chưa nói hiện nay hầu hết các phí đầu vào đều đang tăng chóng mặt, như phí ngân hàng. Rồi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, đang giết chết những DN làm ăn chân chính. 
Lâu nay các cơ quan nhà nước vẫn nói đến việc hỗ trợ cho các DN Việt Nam, nhưng thực chất sự hỗ trợ, ưu ái vẫn dành nhiều cho khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DN trong nước không được hưởng bao nhiêu. Đã đến lúc Nhà nước phải xem lại bộ máy cồng kềnh, phải có chính sách sử dụng con người hiệu quả hơn.
Không thể đánh thuế cao để người dân, DN phải chịu nhằm bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn thu. Nếu không cân nhắc thận trọng việc tăng thuế kịch khung như lần này, có thể gây hậu quả không nhỏ khi DN và người dân cảm thấy bất mãn. 

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM: 
Việc tăng thuế BVMT theo đề xuất lần này của BTC cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các DN làm hàng xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu dệt may, nên chúng tôi cũng rất băn khoăn trước đề xuất này. Các chi phí đầu vào như vận chuyển, đóng gói, bao bì… chắc chắn sẽ tăng theo giá xăng, dầu.
Trong thời điểm làm ăn ngày càng khó khăn như hiện nay, khi chi phí đầu vào tăng cao mà giá bán, giá xuất hàng hóa không thể cao được, Nhà nước cần nghiên cứu và có những tính toán hợp lý hơn để tiếp sức cho DN. Bởi khi DN phát triển tốt sẽ có nhiều đóng góp chung cho nền kinh tế. Hiện nay trong lĩnh vực dệt may, các DN đang phải cạnh tranh rất gay gắt với nhiều nước, chính vì thế giá bán sản phẩm thường có chiều hướng đi xuống chứ không thể tăng thêm.
Nếu chi phí đầu vào tăng, các DN chỉ còn cách giảm lợi nhuận chứ không còn cách nào khác. Song khi nói đến bài toán lợi nhuận, với các DN thuần làm gia công hiện nay cực kỳ khó khăn, tiết kiệm tối đa có khi cũng chỉ huề vốn. 
Theo tôi, các bộ ngành cần có những tính toán lâu dài cho DN, nhằm đảm bảo phát triển chung. Nếu tăng thu dựa trên lý do BVMT, sau này sẽ còn rất nhiều lý do khác để tăng các nguồn thu khác. Điều này khiến DN, người dân cảm thấy nản vì chưa thấy rõ hiệu quả của các nguồn thu. 

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM:
Việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm của các DN. Khi giá bán ngày càng cao, lẽ đương nhiên người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc hơn trong chi tiêu. Đó là chưa muốn nói giá bán của sản phẩm nội cao lên, sức cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập sẽ giảm đi.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn những khó khăn chung như hiện nay, DN đang làm mọi cách để kích cầu tiêu dùng. Nhưng với đề xuất mới này, dường như BTC lại đang đi ngược con đường của DN, khiến cả DN và người dân thêm khó khăn hơn.
Theo tôi, liên quan đến vấn đề này, tôi đề nghị nên xem xét kỹ vấn đề tăng thuế BVMT và khoan áp dụng trong bối cảnh hiện nay. Thêm nữa, nếu được phải minh bạch những việc sẽ làm cho môi trường khi có nguồn thu này. Có rõ ràng, hiệu quả DN cũng như người tiêu dùng mới có thể đồng tình. 
 Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân, để người dân tin tưởng vào tính minh bạch trong chi NS, thì tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận đóng thuế. Và điều mong mỏi của xã hội là thay vì cứ chăm chăm tăng thuế, việc quan trọng cần phải làm là tập trung chống thất thu thuế, lãng phí và tham nhũng.

Các tin khác