Hàng tiêu dùng: Hấp dẫn do kỳ vọng lợi nhuận

(ĐTTCO) – Ngành hàng tiêu dùng được đánh giá có rất nhiều tiềm năng nhờ lợi thế dân số và những quy định mới trong Luật Đầu tư hướng dẫn cụ thể giúp quá trình mua lại các công ty trong nước diễn ra nhanh chóng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, thị trường càng hấp dẫn mức độ cạnh tranh càng thêm gay gắt bởi sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn trên thế giới.

(ĐTTCO) – Ngành hàng tiêu dùng được đánh giá có rất nhiều tiềm năng nhờ lợi thế dân số và những quy định mới trong Luật Đầu tư hướng dẫn cụ thể giúp quá trình mua lại các công ty trong nước diễn ra nhanh chóng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, thị trường càng hấp dẫn mức độ cạnh tranh càng thêm gay gắt bởi sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn trên thế giới.

Sôi động M&A

Ngành hàng tiêu dùng trở thành đích ngắm của các dòng vốn từ nước ngoài qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám gần đây. Điều này giúp người tiêu dùng được lợi và càng có nhiều cơ sở để kỳ vọng doanh số bán lẻ gia tăng. Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều thay đổi trong Luật Đầu tư cũng như những văn bản dưới luật, hướng dẫn cụ thể để quá trình mua lại các công ty trong nước diễn ra nhanh chóng và minh bạch hơn. Đi kèm với việc nới room ngoại của các công ty niêm yết, thoái vốn nhà nước ngày càng tích cực hơn càng làm cho hoạt động M&A diễn ra sôi nổi. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực từ 2016 và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, càng có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường tiềm năng này.  

Theo dự kiến, tháng 12 tới cổ phiếu Sabeco sẽ lên sàn HOSE. Giá tham chiếu cho phiên chào sàn đầu tiên của Sabeco 110.000 đồng/cổ phiếu. Để có mức giá này, bên cạnh định giá của đơn vị tư vấn niêm yết là Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, Bộ Công Thương đã mời thêm một số đơn vị khác tham gia định giá. Điều này cho thấy sự thận trọng rất lớn của cơ quan đại diện vốn nhà nước.

Theo thống kê, năm 2015 hoạt động M&A tăng 40% với tổng giá trị đạt 4,3 tỷ USD và vượt qua kỷ lục 4,2 tỷ USD của năm 2012. Từ đầu năm 2016 đến nay, có rất nhiều thương vụ M&A lớn đã được công bố, như Tập đoàn bia Thái Lan Singha đã rót 1,1 tỷ USD vào CTCP Tập đoàn Masan (MSN); CTCP Tập đoàn Kido (KDC) bán xong 20% còn lại của mảng bánh kẹo cho tập đoàn bánh kẹo của Hoa Kỳ Modelez, đồng thời thâu tóm 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất dầu thực vật là Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC). Thị trường bán lẻ, vốn liên quan trực tiếp đến ngành hàng tiêu dùng, cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư ngoại. Đơn cử, nhà đầu tư đến từ Thái Lan là Central Group thâu tóm chuỗi bán lẻ Big C Việt Nam và Nguyễn Kim với giá trị thương vụ lên đến 1,14 tỷ USD hay TCC Holding bỏ ra 695 triệu USD mua lại Metro Cash&Carry. Dự báo trong giai đoạn 2014-2020, giá trị các thương vụ M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng (FMCG) có thể lên đến 20 tỷ USD.

 Hẳn giới đầu tư trong và ngoài nước đều biết đến thương vụ mua lại nhà máy kem Wall’s từ Unilever (năm 2003) và xây dựng kem Kido’s thành thương hiệu dẫn đầu thị phần kem tại Việt Nam của KDC. Ông Trần Lệ Nguyên, thành viên sáng lập KDC, cho biết đây là lĩnh vực hấp dẫn không nhà đầu tư nào có thể bỏ qua. Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư là thắng bởi sự cạnh tranh của ngành rất khốc liệt. Chính vì vậy, dù nhận được sự hậu thuẫn lớn về vốn từ các quỹ đầu tư ngoại, nhưng KDC vẫn hết sức thận trọng trước mỗi quyết định M&A trong lĩnh vực. Đây cũng chính là lý do khiến KDC chưa vội nhảy vào cuộc đua gia tăng cổ phần chi phối tại các tổng công ty bia như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Hebeco) hay Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Chi ngàn tỷ cho quảng cáo

Với mức tiêu thụ 3,8 tỷ lít năm 2015, Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á. Theo cơ quan nghiên cứu ngành bia Canadean, năm 2015, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam là 41 lít/người, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Với mức tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm qua là 6,4% và 5 năm qua 5,7%. Đây chính là lý do khiến Việt Nam trở thành thị trường lớn đối với bia là thức uống được đặc biệt ưa chuộng (chiếm đến 94% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn). Theo dự báo, sản lượng ngành bia Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng 4-5%/năm và giá trị sẽ tăng cao hơn, vì các sản phẩm giá thành cao đang dần được ưa chuộng hơn. Đặc biệt, với dân số có tuổi trung bình là 30 và kinh tế tăng trưởng mạnh, Việt Nam đang xuất hiện lớp người tiêu dùng trẻ trung và năng động. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu người tròn 18 tuổi, độ tuổi bắt đầu được luật pháp cho phép uống bia rượu.  

Các mặt hàng FMCG được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhưng mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Nếu các doanh nghiệp không đầu tư quảng bá thương hiệu liên tục cũng đồng nghĩa với việc nhường sân chơi cho đối thủ. Đây là lý do khiến các đại gia như Vinamilk,  MSN hay Sabeco phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng cho quảng cáo mỗi năm.

Tuy nhiên, để mở nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Trong khi đó, có thể có một số ngoại lệ đối với các công ty nước ngoài với lý do thiện chí giữa chính phủ các nước. Dù vậy, muốn xin được giấy phép phải có kinh nghiệm về các quy trình và cũng chính vì lý do này, các công ty bia nước ngoài thường hợp tác với một đối tác trong nước khi xin giấy phép sản xuất. Điều này khiến việc Nhà nước thoái vốn khỏi Sabeco và Habeco càng trở nên hấp dẫn đối với các công ty bia nước ngoài, vì giúp các công ty này tiếp cận thị trường bia Việt Nam nhanh chóng hơn rất nhiều về mặt sản xuất.

 Hiện phần lớn thị phần bia Việt Nam do 4 doanh nghiệp lớn nhất thị trường thống lĩnh. Habeco, Công ty TNHH Bia Huế (do Carlsberg sở hữu 100%) và Sabeco lần lượt là các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường 3 miền. Trong khi đó Heineken Việt Nam dẫn đầu phân khúc cao cấp. Việc chiếm thị phần lớn khiến Sabeco và Habeco trở thành đề tài nóng trước, trong và sau khi 2 doanh nghiệp này quyết định đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trên cơ sở thông tin do các doanh nghiệp này công bố, các chuyên gia phân tích của CTCK Bản Việt ước tính các công ty trên chiếm 90% tổng sản lượng. Phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài còn tương đối mới như Sapporo và AB InBev, và các doanh nghiệp trong nước như Masan Brewery (công ty con của MSN). Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp này đang đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo, tiếp thị khiến cạnh tranh tại các thành phố lớn trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Một lĩnh vực kinh doanh cũng ghi nhận sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt là mảng sản xuất mì ăn liền. Theo thống kê, Việt Nam là nước đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền với 5,4 tỷ gói/năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Hiện có khoảng 600 nhãn hiệu sản phẩm mì, bún ăn liền đang được phân phối trên kệ bán hàng của các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị lớn khắp cả nước. Những yếu tố này cho thấy cuộc cạnh tranh trên thị trường mì gói diễn ra ngày càng khốc liệt, không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ mà với cả các công ty lớn. Để có thể trụ vững trên thị trường này, doanh nghiệp phải chi ra khoản tiền rất lớn cho các hoạt động quảng cáo.

Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á.

Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á.

Kỳ vọng cổ phiếu bia, sữa

Cổ phiếu bia, sữa, bán lẻ… được giới chuyên gia phân tích, đầu tư nhận định sẽ có bước tăng trưởng khả quan trong năm 2017, đặc biệt khi chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang được triển khai quyết liệt. Nhiều thông tin đã được dẫn chiếu để chứng minh cho tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này. Chẳng hạn, Việt Nam có dân số đông (93,5 triệu người) và trẻ, những người trong độ tuổi từ 15 - 64 chiếm 69%; tầng lớp trung lưu tăng nhanh hơn so với các nước ASEAN, tới năm 2020 dự kiến đạt 33 triệu người.

Bên cạnh đó, tầng lớp người giàu tại Việt Nam đang tăng nhanh, khẩu vị tiêu dùng của họ thay đổi, hiện rất khác so với 10 năm trước và 10 năm sau xu hướng cũng sẽ khác biệt. Hiện 2/3 dân số ở nông thôn, nhưng dự kiến trong 10-15 năm tới, một tỷ trọng lớn dân số sẽ di chuyển ra các đô thị, tốc độ đô thị hóa lớn. Bởi vậy, doanh nghiệp trong các ngành hàng tiêu dùng, khám chữa bệnh, giáo dục, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng... sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Tiềm năng như vậy nhưng cơ hội có dễ đến với các nhà đầu tư? Một thí dụ được giới phân tích đưa ra để minh chứng cho việc tìm kiếm lợi nhuận không hề dễ. Cổ phiếu của Habeco (BHN) đã tăng giá mạnh ngay sau khi lên UPCoM với 8 phiên tăng trần liên tục, biên độ 15% mỗi phiên. Nhưng với các nhà đầu tư, điều này không có ý nghĩa vì tỷ lệ cổ phiếu lưu hành của BHN thấp nên hầu như không có thanh khoản, chỉ khớp được 100-200 đơn vị mỗi phiên.

Ở một góc độ khác, nhiều cổ phiếu hiện có mức định giá cao như VNM, MWG… khiến không ít nhà đầu tư e ngại, chẳng hạn chỉ số P/E lên tới 20 lần, trong khi đầu năm 2016 dao động quanh mức 14-15 lần. Mặc dù vậy, những nút thắt với cổ phiếu hàng tiêu dùng đang dần được gỡ bỏ. Theo nhận định của giới chuyên gia, trước hết đến từ chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang được thực hiện quyết liệt. Cổ phiếu VNM, Sabeco, Habeco… sẽ dễ mua hơn, nhất là đối với khối nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, giới đầu tư mong đợi hiệu quả kinh doanh của những doanh nghiệp này sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Bởi lẽ, khi bán bớt cổ phần nhà nước đang nắm giữ, các nhà đầu tư mới vào doanh nghiệp sẽ đưa ra nhiều chính sách đổi mới, giúp bịt các lỗ hổng để doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn. Khi doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% mỗi năm, mức P/E 20 lần không phải là quá đắt và nhà đầu tư có thể yên tâm mua vào cổ phiếu.

Ưu thế và sức ép sân nhà

Quang Minh

Theo các chuyên gia, Việt Nam có cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới (56% dân số dưới 30 tuổi), tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Điều đó sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng của thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh tại Việt Nam trung bình 20%/năm, vượt qua Ấn Độ, Trung Quốc... Tổng doanh thu thực của các lĩnh vực có liên quan đến hàng tiêu dùng ở Việt Nam ước tăng lên tới 140 tỷ USD năm 2016. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

Dân số trẻ

Tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng), ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tăng mạnh mẽ trong quý II với mức tăng trưởng 6,3% - cao nhất trong suốt 3 năm qua. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng sản lượng với 5,2%. Theo báo cáo, sự tăng trưởng diễn ra ở hầu hết ngành hàng như thực phẩm (4,7%), sữa (4%), sản phẩm chăm sóc gia đình (4,6%)… Bên cạnh đó, ngành hàng nước uống (bao gồm bia) có đóng góp lớn nhất cho toàn bộ doanh số tiêu dùng nhanh trong quý này, với 41% - đạt mức tăng trưởng 9,2% (chủ yếu đến từ tăng sản lượng 6,9%).

Không những tăng trưởng tốt ở khu vực thành thị, những thống kê cũng chỉ ra khu vực nông thôn cũng có nhiều tiềm năng. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ (Nielsen Việt Nam), dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam vào khoảng 68% của hơn 90 triệu dân, nhưng hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ khu vực này. Điều đó cho thấy tiềm năng của khu vực nông thôn còn rất nhiều. Ngoài ra, cư dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục và đang có sự tăng trưởng thu nhập khoảng 44% trong 3 năm qua, là cơ hội cho doanh nghiệp khai thác.

 Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam thực sự đang chuyển động nhanh. Việt Nam đã đưa ra những thay đổi đáng kể trong các luật lệ thương mại để thu hút đầu tư nước ngoài và cởi mở hơn đối với nền kinh tế toàn cầu, do đó Việt Nam nổi trội cho tiềm năng trong tương lai và có vai trò nhất định thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Dân số Việt Nam vẫn đang trong thời hoàng kim với 25% dân số trong độ tuổi từ 10-24, và độ tuổi trung bình của người Việt là 29. Có khoảng 7 người trong độ tuổi lao động làm việc cho 1 người về hưu. Hơn nữa, Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tầng lớp này cũng được mở rộng về mặt địa lý, sang các tỉnh/thành phố mới, sung túc hơn, bên cạnh các trung tâm trọng điểm và truyền thống là Hà Nội và TPHCM. Các thành phố hiện nay có nhiều người mua hàng am hiểu về công nghệ thông tin và họ cũng rất nhận thức về thương hiệu… Những điều này là cơ hội đáng kể cho nhiều ngành công nghiệp. Cũng theo bà Quỳnh, tuy nhiên dân số sẽ lão hóa nhanh. Uớc tính đến năm 2020, dân số từ 50-69 tuổi sẽ chiếm 20% tổng dân số, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Điều này chỉ ra cơ hội lớn cho dòng sản phẩm mới tập trung vào phân khúc khách hàng này.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2016 ước đạt 2.900.000 tỷ đồng, tăng 9,3% (thấp hơn mức tăng 9,7% cùng kỳ năm 2015). Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,5%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 2.200.000 tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành hàng tăng: lương thực, thực phẩm tăng 10,6%; may mặc tăng 8,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,3%...

Số liệu của Tổng cục Thống kê

Sức ép cạnh tranh

Dù được đánh giá là thị trường tiêu dùng nhiều tiềm năng nhưng việc các sản phẩm nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều tại các trung tâm thương mại đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư, nghiên cứu, cải tiến mẫu mã sản phẩm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng nếu không thị phần bị thu hẹp. Thí dụ, hàng tiêu dùng Thái Lan với giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng đáp ứng yêu cầu là ưu thế cạnh tranh đáng kể với hàng Việt cùng chủng loại, phân khúc. Còn mới đây, Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội đã lựa chọn sàn thương mại điện tử Adayroi là kênh xúc tiến thương mại mới tại Việt Nam. Mục tiêu của việc thâm nhập vào Việt Nam rất rõ ràng là giúp doanh thu các sản phẩm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam tăng 200% thời gian tới.

Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), mặc dù đã đạt được mức tăng trưởng tương đối khả quan thời gian qua, nhưng nhìn chung doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nhanh còn tồn tại một số hạn chế như năng lực tài chính yếu, nhiều mặt hàng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu... Để hiện thực hóa các nội dung trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam những năm tới, đồng thời khắc phục những hạn chế hiện có, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh phát triển bền vững tại thị trường nội địa, từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, Nhà nước cần tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp. Trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường… Bên cạnh đó cần có chế tài và biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn với những hình thức cạnh tranh không lành mạnh; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái…

Về phía sản xuất, các doanh nghiệp cần có chiến lược đẩy mạnh đầu tư và phát triển sản phẩm tại khu vực nông thôn. Việc xây dựng các kênh phân phối phù hợp, đồng thời với việc giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm tiện lợi, phù hợp với văn hóa tiêu thụ hàng hóa của các khu vực khác nhau rất quan trọng nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới bởi thị trường hàng tiêu dùng liên tục thay đổi, việc cải tiến và tạo ra những sản phẩm mới kích thích nhu cầu của người tiêu dùng và giúp thị trường tăng trưởng.

Các tin khác