Hàng hóa ASEAN: Nguy cơ thua thiệt sân nhà

(ĐTTCO) - Sau 1 năm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, với 9 thị trường trong khối ASEAN được tháo bỏ rào cản thuế quan, đã mở ra cơ hội xuất khẩu to lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi DN nội vẫn loay hoay đưa hàng tiêu thụ tại các nước, hàng hóa ASEAN đã tiếp cận sâu thị trường Việt Nam. Sức ép hàng hóa từ các nước trong khối ASEAN ngày càng lớn, các cơ quan quản lý đang lo ngại mất cân đối thương mại với ASEAN khi năm 2018 (tất cả thuế suất bằng 0%) đã cận kề.

(ĐTTCO) - Sau 1 năm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, với 9 thị trường trong khối ASEAN được tháo bỏ rào cản thuế quan, đã mở ra cơ hội xuất khẩu to lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi DN nội vẫn loay hoay đưa hàng tiêu thụ tại các nước, hàng hóa ASEAN đã tiếp cận sâu thị trường Việt Nam. Sức ép hàng hóa từ các nước trong khối ASEAN ngày càng lớn, các cơ quan quản lý đang lo ngại mất cân đối thương mại với ASEAN khi năm 2018 (tất cả thuế suất bằng 0%) đã cận kề.

Cơ hội trôi qua 

Trước khi ASEAN ra đời, Singapore, Thái Lan, Malaysia… đã lên chiến lược thâm nhập thị trường ASEAN ở nhiều cấp, từ quốc gia đến hiệp hội và DN. Từ đó họ dần nắm được kiến thức về người tiêu dùng mục tiêu tại mỗi quốc gia, về nhu cầu, hành vi và thói quen tiêu dùng, cũng như kiến thức về sự sẵn sàng và tiềm năng lâu dài của từng thị trường họ hướng tới. Đây chính là những nền tảng giúp DN phát triển thành công tại các thị trường mới trong khu vực.

Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty R&F ASIAN

Tại hội thảo Việt Nam và AEC - nhìn lại chặng đường 1 năm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đối với nhiều DN Việt khái niệm AEC vẫn còn rất mới mẻ.

Trên thực tế nhiều nội dung của AEC đã được triển khai thực hiện từ rất lâu ở Việt Nam, thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động… Theo một điều tra mới đây của VCCI, có tới 94% DN biết đến AEC nhưng chỉ chưa hơn 16% biết rõ về các cam kết trong AEC.

 Nhiều nhận định cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi AEC hình thành, nhưng sau hơn 1 năm thực hiện lộ trình của AEC, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam qua ASEAN lại có chiều hướng giảm trong năm 2016.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2006-2010, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN của nước ta đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 12%/năm, nhưng đến năm 2016 sụt giảm 4,8%, ước tính đạt 18 tỷ USD; trong đó 5 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu được tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tương đương tỷ lệ khoảng 32%, rất thấp so với các FTA khác Việt Nam đã ký.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam trong năm 2016 đạt 23,7 tỷ USD. Đáng quan ngại tỷ lệ hàng hóa của các nước ASEAN vào Việt Nam đang không ngừng gia tăng, đặc biệt khi vào năm 2018 sẽ có 100% hàng hóa được cắt bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu về 0%.

Theo lộ trình của ATIGA đến cuối năm 2014 Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế xuống 0% (chiếm 72% biểu thuế xuất nhập khẩu). Tiếp đến trong năm 2015 Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất 5% xuống 0%.

Tính chung tới đầu năm 2017, Việt Nam đã giảm 92% dòng thuế về 0% cho hàng hóa ASEAN. Các mặt hàng ô tô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, rượu bia, giấy các loại… sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018. Và từ năm 2018, Việt Nam chỉ được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa 5% đối với một số mặt hàng nông nghiệp như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, đường...

Hiện chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm, cần có lộ trình bảo hộ dài hơn theo thỏa thuận với ASEAN, nhưng phải thực hiện giảm thuế quan đến năm 2018, chủ yếu là sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện, phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất...

Có thể nói, với hàng loạt cơ hội từ AEC đã được mở, như tạo ra một khu vực thị trường chung rộng lớn với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối; cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt từ các nước đối tác FTA của ASEAN vào Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị khu vực.

Tuy nhiên, dường như các DN chưa quan tâm đến thị trường này, chưa tìm hiểu thông tin về AEC một cách bài bản và kỹ lưỡng, dù thực tế nước ta tham gia thị trường ASEAN không phải chỉ từ khi AEC hình thành. Và đến khi nhìn thấy hàng hóa ASEAN ồ ạt vào Việt Nam mới bộc lộ khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ ATIGA của DN nội quá yếu.

Chính sách hỗ trợ chậm chạp 

Chúng ta ký quá nhiều FTA nhưng không có FTA nào được khai thác đến nơi đến chốn. DN nội chưa chuẩn bị tốt trong tìm hiểu, khai thác thông tin, dẫn đến số lượng DN tận dụng được các cơ hội từ AEC, đặc biệt là ATIGA thời gian qua quá thấp. Điều này cho thấy thiếu thông tin chính xác và toàn diện về AEC là một trong những rào cản lớn nhất khiến DN Việt Nam không tận dụng được các cam kết này.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế, VCCI

DN Việt chưa tận dụng tốt cơ hội đưa hàng vào thị trường ASEAN, ngoài nguyên nhân còn thờ ơ, thụ động, nguyên nhân sâu xa đến từ việc thiếu các thông tin từ các cơ quan chức năng. Trước khi AEC hình thành đã có nhiều hội thảo, diễn đàn bàn về cơ hội nhưng tất cả vẫn còn chung chung, trong khi AEC là một cuộc chơi với nhiều quy tắc khắc khe, nếu không được hướng dẫn cụ thể DN không thể biết. Mãi đến cuối năm 2016, VCCI mới ra mắt cổng thông tin về AEC ở địa chỉ www.aecvcci.vn.

Cổng thông tin AEC phân chia các mảng nội dung hoạt động, các văn bản và cam kết thực thi của Việt Nam trong AEC; cung cấp công cụ cụ thể để tìm hiểu các cơ hội, như tra cứu thuế quan, hệ thống câu hỏi. Tuy vậy, bên cạnh nguồn thông tin chính thống, DN rất cần các chính sách cụ thể của Nhà nước trong vấn đề này. Cụ thể, Nhà nước cần xem lại việc giảm thuế, phí, lệ phí… và cần có một chiến lược tổng thể quốc gia.

Thí dụ, Chính phủ Thái Lan có rất nhiều chương trình để hỗ trợ DNNVV đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, các công ty hàng đầu của Thái như BJC, SCG… sẽ chung tay cùng Bộ Thương mại Thái Lan tham gia đào tạo và hỗ trợ DNNVV mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài. Các thị trường mục tiêu nhắm đến là Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar.

Các DN lớn sẽ giúp DN nhỏ thông qua việc cung cấp thông tin và những đầu mối liên lạc tại mỗi thị trường DN nhỏ nhắm đến. Các DNNVV còn được hỗ trợ giảm miễn thuế, ưu đãi lãi suất…

 Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng băn khoăn: “Dù lộ trình thực hiện cam kết ATIGA đã thỏa thuận 10 năm nay, nhưng hầu như Việt Nam chả “ngọ nguậy” gì cả. Trong khi sức ép nhập khẩu hàng từ ASEAN ngày càng lớn. Giờ nhìn lại cũng đã muộn, song chúng ta không thể không hành động. Và điều cần thiết nhất là cả DN và Nhà nước cùng phải nhận thức lại để có những biện pháp, chính sách phù hợp.

Để giảm tình trạng mất cân đối thương mại với ASEAN, Nhà nước phải điều tiết bằng các chính sách thuế, giá thuê đất, phí và lệ phí, không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Các chính sách này nên theo hướng giảm nhằm giúp DN giảm giá thành. Có như vậy, sản phẩm của Việt Nam mới có thể cạnh tranh với hàng hóa của ASEAN”.

Theo ông Vũ Khoan, làm kinh tế phải bằng biện pháp kinh tế,  tức phải từ các chính sách thuế, giá đất, lãi suất, phí và lệ phí. Còn làm kinh tế mà bằng biện pháp tinh thần, hành chính chỉ là hỗ trợ phần nào. Chúng ta phải có những chính sách để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, không phải chỉ kêu gọi lòng yêu nước của người dân.

Ở Nhật Bản, để khuyến khích người dân mua hàng sản xuất trong nước, sản phẩm bán cho người dân phải có chất lượng tốt hơn và giá cả lại cạnh tranh hơn hàng xuất khẩu.

Lao vào công nghiệp ô tô là minh chứng cho thấy chúng ta "thua trên sân nhà". Ảnh: LONG THANH

Lao vào công nghiệp ô tô là minh chứng cho thấy
chúng ta "thua trên sân nhà". Ảnh: LONG THANH

Làm việc mình có khả năng

Theo phân tích của các chuyên gia, những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng khi tham gia AEC bao gồm ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, máy điều hòa, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền.

Theo hiệp định ATIGA, thuế suất nhập khẩu ô tô chở người dưới 9 chỗ sẽ về 0% vào năm 2018. Đây là một thách thức bởi sau một thời gian dài bảo hộ và phát triển chính sách trong nước, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn phát triển chậm hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, nhưng đến nay chúng ta vẫn đang dồn sức cho ngành công nghiệp này. Mặc khác, nhiều ngành hàng Việt Nam có thế mạnh nhưng bản thân DN và cả cơ quan chức năng lại chưa chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu vào ASEAN.

Cụ thể, ngành hàng dệt may mới chỉ tập trung xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, chưa quan tâm tới thị trường ASEAN. Trong khi đó, thuế suất cho hàng dệt may Việt Nam đã về 0%. Sức ép cạnh tranh của ngành dệt may tại thị trường này cũng không quá cao, do các đối thủ chủ yếu gia công, chưa có các thương hiệu lớn trên thị trường.

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Khoan nhận định: “Nhìn lại các ngành sản xuất của ta, như với ô tô, tôi không thể hiểu mình lại tiếp tục lao vào làm chiến lược công nghiệp ô tô lần thứ hai để làm gì. Trên thế giới chỉ có 5-6 nước làm được ô tô. Liệu mình có đứng ngang hàng với Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Ngay cả Pháp cũng chết dở, còn Anh đã bỏ rồi. Do đó, từ câu chuyện sản xuất ô tô, tôi cho rằng chúng ta chỉ nên tập trung làm những gì chúng ta có thể làm được. Tóm lại, chỉ tập trung làm những gì mà chúng ta có thể và làm hiệu quả, không thể tham lam làm mọi thứ”.

Đã đến lúc cơ quan chức năng và cả DN phải nhanh chóng hành động, chứ không chỉ dùng mỹ từ để nói đến cơ hội và thách thức. Bởi thách thức không chỉ ở cuộc chiến thâm nhập thị trường ASEAN mà sẽ ngay trên chính sân nhà, khi hàng hóa các nước trong khu vực đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ.

Các tin khác