Hạn mức tín dụng, thúc đẩy Basel II

(ĐTTCO) - Năm 2019 có một điểm mới là TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR) tại Thông tư 41, sẽ được NHNN ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn. Đây cũng được xem là cách thúc đẩy NH sớm tiến đến chuẩn mực an toàn vốn tối thiểu theo thông lệ quốc tế.

Hạn mức tín dụng, thúc đẩy Basel II
Tăng vốn cho NH có vốn nhà nước
Vietcombank mới đây thông báo đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC Private Limited (GIC) và Mizuho Bank Ltd (Nhật Bản), thu về 6.200 tỷ đồng (tương đương 265 triệu USD). Trong đó, GIC mua hơn 94,4 triệu cổ phần mới, tương đương sở hữu 2,55% cổ phần Vietcombank. Mizuho mua thêm hơn 16,6 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% cổ phần Vietcombank. Khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37.100 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD). 
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2019, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết sau lần tăng vốn này Vietcombank trở thành NH có vốn lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định nhu cầu tăng vốn của NH vẫn rất bức thiết và đề nghị Chính phủ cho phép được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, giữ lại thặng dư. Vietcombank cũng kiến nghị Chính phủ cho phép NHNN được tăng vốn từ quỹ hỗ trợ sắp xếp DN. 
Tương tự, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết NH đã xây dựng phương án tăng vốn và đã được NHNN báo cáo Chính phủ. Hiện nay, CAR của Vietinbank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) được khai thác tối đa. Trong suốt 10 năm qua kể từ khi cổ phần hóa năm 2008, Vietinbank đã đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô về vốn tự có và tài sản tăng trên 6 lần. Vietinbank đã khai thác các nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài phục vụ cho sự phát triển, Nhà nước chưa phải đầu tư thêm khoản vốn nào cho Vietinbank. Do vậy NH mong muốn được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ như nội dung đã trình. 
Cụ thể, Vietinbank kiến nghị được chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020, được bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ. Đồng thời, cho phép Vietinbank thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc: (i) Nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ, Vietinbank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu; (ii) Việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Vào cuối năm 2018, Agribank cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và NHNN kiến nghị báo cáo Chính phủ phê duyệt phương án cấp thêm 20.200 tỷ đồng vốn điều lệ cho giai đoạn 2016-2020.

Tăng vốn hưởng lợi kép 
Sở dĩ các NHTM có vốn nhà nước ngày càng muốn được hỗ trợ tăng vốn, bởi ngoài việc đáp ứng Basel II theo quy định còn là cơ hội để các NH mở rộng tín dụng, cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2019 tín dụng cần phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng. NHNN sẽ tiếp tục phân bổ các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng NH. Trong đó, TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 (Basel II), sẽ được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn. 
Với các NH, nguồn thu chính để tăng trưởng lợi nhuận vẫn từ tín dụng, nên thông báo của NHNN sẽ là cú hích để các NH nỗ lực tăng vốn càng sớm càng tốt. Trong văn bản kiến nghị được hỗ trợ tăng vốn, Agribank cũng cho biết nếu không được cấp thêm vốn, đến cuối năm 2019 NH khó đáp ứng yêu cầu về CAR theo quy định tại Thông tư 41, sẽ làm giảm uy tín, hạn chế khả năng cấp tín dụng NH.
Tương tự, lãnh đạo Vietinbank cũng cho biết do CAR của NH đã tới mức tối thiểu, từ tháng 9-2018 tới nay Vietinbank không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi tới đây khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục cải thiện, nhu cầu vốn và dịch vụ NH cũng tăng lên mạnh mẽ. Như vậy, tăng vốn rõ ràng là yêu cầu cần thiết đối với các NHTM có vốn nhà nước nói riêng và toàn ngành NH nói chung.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho biết hiện nay việc tăng vốn đem lại 2 lợi ích cho NH, vừa tăng CAR, vừa được tăng tưởng tín dụng cao hơn. NHNN cũng đã thông báo, NH nào tăng được vốn điều lệ đáp ứng được Basel II, sẽ được nới room tín dụng. Đây cũng là điều phù hợp vì khi tăng thêm vốn để đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn 8% theo Thông tư 41, cứ 1 đồng vốn tự có mới, NH có thể tăng thêm tài sản gấp 11 lần, đồng nghĩa với NH có thêm dư địa để tăng huy động, tăng cho vay và tăng quy mô hoạt động. 
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ở Mỹ khi NH muốn tăng vốn chủ sở hữu không phải lúc nào cũng được cơ quan quản lý chấp thuận. Muốn được cấp phép tăng vốn, NH phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả. Bởi khi tăng vốn sẽ kéo theo tăng quy mô hoạt động, tức NH đó phải có nhân lực, có thị trường và hoạt động hiệu quả. Đối với các NH Việt Nam, khi tăng vốn cũng sẽ tăng quy mô hoạt động, quy mô tín dụng, từ đó tài sản có rủi ro cũng tăng, sẽ tác động ngược đến hệ số CAR.
Do đó, kèm theo kế hoạch tăng vốn, tăng quy mô hoạt động, tăng cho vay, huy động, cơ quan quản lý phải cân nhắc về hạn mức tín dụng được tăng để NH vẫn đảm bảo hệ số CAR theo cách tính mới của Thông tư 41. 
 Khi áp lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giảm, NHNN định hướng điều hành tín dụng vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế, vừa tránh rủi ro cho hệ thống. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 khá thấp, và sẽ tiếp tục phân bổ cho từng NH. Dù có sự ưu ái đối với các NHTM đã đạt chuẩn Basel II về hạn mức tín dụng, nhưng việc cấp chỉ tiêu tín dụng cũng phải đảm bảo NH đáp ứng được hệ số CAR và có sự kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế

Các tin khác