Hài hòa cho vay cá nhân và doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Để tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh thận trọng với tín dụng doanh nghiệp, NHTM đã đẩy mạnh mảng bán lẻ, tăng cường cho vay cá nhân. 
Hài hòa cho vay cá nhân và doanh nghiệp
Theo TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, đây là xu hướng tốt giúp NHTM cải thiện lãi cận biên, tuy nhiên cần chú ý đến dòng vốn cho vay cá nhân đi vào lĩnh vực bất động sản.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2016 và năm 2017?
 Các NHTM không thể cho vay toàn bộ danh mục là doanh nghiệp hoặc chỉ cá nhân. Hiện tỷ lệ cho vay tùy theo chính sách của mỗi NH. Có NH cho vay với tỷ lệ 50-50, nhưng cũng có NH cho vay doanh nghiệp với tỷ lệ cao hơn cho vay cá nhân hoặc ngược lại. Cho vay doanh nghiệp và cho vay cá nhân có mức độ rủi ro, lợi nhuận và quy trình thẩm định khác nhau, nên cần có sự hài hòa giữa cho vay cá nhân và doanh nghiệp để đảm bảo an toàn cho NH.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Việc tín dụng tăng trưởng chậm trước nhất do các NHTM chặt chẽ hơn trong việc đánh giá, cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Nợ xấu là bài học nhãn tiền cho các NHTM và họ đang rất cẩn thận trong vấn đề chấp thuận, phê chuẩn các khoản vay.
Hơn nữa, nền kinh tế tăng trưởng tốt, GDP trong 2 quý đầu năm 2018 cao hơn năm ngoái, nhưng nửa năm sau của năm 2017 các NH đã đẩy một lượng tín dụng ra nền kinh tế quá lớn để hỗ trợ tăng trưởng, nên cầu về tín dụng đã giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2018.
Đồng thời, lãi suất cho vay cao cũng là nguyên nhân tác động đến vấn đề tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Lãi suất phụ thuộc nhiều vào đầu vào là lãi suất huy động. Các NH phải giữ một biên độ lợi nhuận (NIM) khả quan vừa đủ.
Nếu lãi suất huy động đầu vào còn cao rất khó cho NH giảm đầu ra vì họ phải giữ biên độ đó. Vì thế, dù tăng trưởng tín dụng giảm đi nhưng lãi suất không giảm được bao nhiêu. 
Dù vậy, trong bối cảnh này cũng có một số điểm tích cực. Thứ nhất, dù tín dụng không tăng trưởng như những năm trước nhưng vẫn được cung cấp đầy đủ cho nền kinh tế. Thứ 2, việc tín dụng không tăng trưởng cao như những năm trước cho thấy các NH đang cẩn thận hơn trong việc cho vay. Đồng thời, vấn đề lãi suất cao cũng nhằm ngăn chặn tín dụng đổ ào ạt vào nền kinh tế, tạo ra lạm phát cũng như rủi ro, đặc biệt đối với lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán.
- Trước việc cầu tín dụng của doanh nghiệp giảm sút và chất lượng tín dụng của nhóm khách hàng này bộc lộ nhiều vấn đề, nhiều NHTM đã chuyển hướng sang cho vay cá nhân, phát triển NH bán lẻ để tăng hệ số NIM. Nhận định của ông về xu hướng này?
- Đó là điều tốt. Từ trước đến nay, các NH tập trung cho vay khách hàng doanh nghiệp có độ rủi ro thấp hơn cho vay cá nhân, và mỗi món vay lớn nên chi phí về thẩm định, tái thẩm định, chi phí liên quan đến việc cung cấp tín dụng thấp hơn. Tuy nhiên, cho vay doanh nghiệp lên đến hàng tỷ đồng mỗi món, khi mất 1 món vay có thể ảnh hưởng đến cả danh mục tín dụng của NH.
Còn cho vay cá nhân dù tính trên mỗi món vay có độ rủi ro cao nhưng do mỗi món vay nhỏ lẻ nên có thể trải đều. Do đó, rủi ro cho vay cá nhân chỉ tương đối, ở trong mức kiểm soát an toàn, nếu mất 1 món vay cũng không ảnh hưởng lớn đến NH.
Hơn nữa vì mỗi món vay có độ rủi ro cao và các món cho vay cá nhân nhỏ lẻ, chi phí cho mỗi món vay cao nên NH cũng tăng biên độ lợi nhuận để bù trừ rủi ro và chi phí. Với cho vay doanh nghiệp, lãi cận biên có thể ở khoảng 3%. Khi cho vay cá nhân, lãi cận biên có thể 5-6%, thậm chí nhiều hơn. Theo đó, các NH cũng cải thiện được lợi nhuận khi tín dụng giảm. 
- Vài năm gần đây, khi NH đẩy mạnh cho vay cá nhân, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, nhất là vay mua nhà và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng rất cao. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Trong cho vay tiêu dùng, cho vay mua và sửa chữa nhà ở chiếm khoảng 50%. Phần này thực chất là tín dụng bất động sản vì họ vay để mua bất động sản hoặc sửa nhà và tài sản thế chấp cũng là bất động sản.
Tuy nhiên, theo quy định của NHNN, khoản vay mua bất động sản có thể được phân loại là tín dụng tiêu dùng nếu không phải cho vay với mục đích kinh doanh, tức tiền để trả nợ NH không đến từ bất động sản đó. Những khoản cho vay với mục đích kinh doanh là người mua vay mua nhà để kinh doanh, mua đi bán lại hoặc cho thuê, mới phân vào nhóm tín dụng kinh doanh bất động sản và hệ số rủi ro lên đến 200%. 
Tuy nhiên, việc phân loại này làm tỷ lệ cho vay bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống rất thấp, dưới 10%. Trong khi đó, hiện rất nhiều món vay thực chất là tín dụng bất động sản nhưng lại được phân loại vào tín dụng tiêu dùng. Nếu cộng cả 2 phần lại, tín dụng bất động sản sẽ lên đến 20%. Điều này cho thấy phân loại tín dụng bất động sản hiện nay đang không hợp lý.
- Trong điều hành, NHNN định hướng các NHTM đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, hạn chế vốn vào lĩnh vực rủi ro. Theo ông, việc NHNN định hướng dòng vốn vay của các NHTM có phù hợp?
- Đúng là NHNN định hướng như vậy, nhưng tùy mỗi NH theo nhận định, kế hoạch và chiến lược của họ để đưa ra tỷ lệ cho vay bao nhiêu cho sản xuất kinh doanh, bao nhiêu cho tiêu dùng, bao nhiêu cho bất động sản…
Như vậy, NHNN đưa ra định hướng nhưng quyền tự quyết là của NH vì chính họ biết là vốn của mình vào đâu. Tuy nhiên, thời gian qua các NH đổ vốn quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán nên NHNN đã dùng công cụ tiền tệ để tác động đến chính sách cho vay của NH.
Chẳng hạn như việc khống chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Sắp tới từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 40% sau khi giảm về mức 45% vào đầu năm nay. Điều này cũng tác động đến hoạt động cho vay của các NH vì các món vay bất động sản là vay trung và dài hạn.
Theo tôi, cơ quan quản lý không nên đưa ra một tỷ lệ cụ thể về cho vay đối với các lĩnh vực, nên để cho các NH tự quản lý. NHNN cần đưa ra định hướng, những thông tin chính xác về thị trường để các NH có thể dựa trên đó có những chính sách phù hợp, đồng thời dùng công cụ tiền tệ để điều chỉnh hành vi của các NH để giảm rủi ro cho hệ thống.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác