Gỡ vướng đầu tư hạ tầng bằng luật PPP

(ĐTTCO) - Nợ công Việt Nam đã gần đến mức trần 65% GDP Quốc hội cho phép, Chính phủ đang đẩy mạnh chính sách thắt chặt vay nợ… Vì vậy, tại VBF 2018, nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp đều kỳ vọng Việt Nam thực hiện tích cực cơ chế PPP (đối tác công-tư) để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết.

Quy định thiếu rõ ràng
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), trong quá trình triển khai các dự án PPP, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và một số văn bản pháp luật liên quan vẫn còn nội dung chưa rõ ràng, còn tồn đọng một số vấn đề. Chẳng hạn, Điều 467 của Nghị định 63 quy định các hợp đồng có liên quan của dự án có thể áp dụng luật nước ngoài, nhưng Nghị định 63 lại không quy định rõ có thể áp dụng luật nước ngoài đối với những hợp đồng mà một trong các bên ký kết là pháp nhân nước ngoài hay không. 
 Một công ty có thể xây dựng một nhà máy điện tuân thủ luật môi trường có hiệu lực vào ngày hôm nay và tự ấn định một mức giá cố định. Nhưng công ty không thể thực hiện điều đó nếu ngày mai công ty phải chịu trách nhiệm chi 100 triệu USD để tuân thủ luật môi trường.
Ông Tony Foster, 
Trưởng nhóm VBF
Hay Điều 67 của Nghị định 63, quy định có thể sử dụng trọng tài bên ngoài Việt Nam, nhưng đối với các tranh chấp liên quan đến bất động sản lại quy định phải giải quyết tại tòa án Việt Nam theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, những tranh chấp phát sinh tại các dự án PPP liên quan đến xây dựng, kinh doanh thiết bị cơ sở hạ tầng có thể hiểu rộng đều thuộc các dự án bất động sản, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thu xếp tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính nước ngoài. 
Cũng theo JCCI, Nghị định 63 có quy định về việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh thiết bị dự án. Tuy nhiên Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự lại không quy định rõ việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Sự chưa thống nhất của các quy định này đang khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn. 

Nghị định về PPP khó giải quyết vướng mắc
Theo ông Tony Foster, Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng (VBF), PPP rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Sự hỗ trợ của Nhà nước là có hạn, vì vậy chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị. Bên cạnh đó, PPP chỉ có thể bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng. Điều này có nghĩa phải xây dựng đội ngũ chuyên gia là những người có thể quản lý chương trình.
Về các vấn đề cụ thể cần được giải quyết, ông Tony Foster đề nghị chú trọng vào các nguyên tắc phân chia rủi ro trong mỗi phân mục cơ sở hạ tầng. Các nguyên tắc rõ ràng về nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính và về việc làm thế nào để nhận được hỗ trợ của Chính phủ trong trường hợp có rủi ro không thể giải quyết được, trừ khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, thí dụ như khả năng có sẵn ngoại tệ. 
Gỡ vướng đầu tư hạ tầng bằng luật PPP ảnh 1 Có Luật PPP sẽ gỡ vướng cho các dự án hạ tầng. 
Về những bất cập trong các quy định về PPP hiện hành, theo VBF để chuẩn bị dự án PPP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đưa ra đấu thầu phải tiến hành và phê duyệt những tài liệu như một phần của báo cáo nghiên cứu khả thi, gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường; thiết kế cơ sở của dự án theo Luật Xây dựng; công nghệ sử dụng trong dự án theo Luật Chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án PPP, các nội dung chi tiết của dự án chưa được làm rõ, mà phụ thuộc vào kết quả của kết quả đấu thầu sau đó. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các yêu cầu này của các văn bản pháp luật, dẫn đến những chậm trễ đáng kể trong quá trình chuẩn bị dự án. 
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn với các dự án PPP là quy định pháp luật hiện hành chủ yếu nhắm đến các dự án không thuộc mô hình PPP, nhưng các dự án PPP lại phải tuân thủ theo. Quy định về PPP dẫn chiếu đến các luật khác, và một luật trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thứ tự ưu tiên áp dụng cao hơn các nghị định về PPP.
Một bất cập khác, theo Nghị định 63, sau khi nhà đầu tư được lựa chọn và phê duyệt, nhà đầu tư (bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài) của dự án có thể thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án. Nghị định 63 không quy định việc nhà đầu tư phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Mục đích để giúp các nhà đầu tư tránh khỏi việc xin giấy phép 2 lần. Song, nếu không có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư và các doanh nghiệp dự án có thể gặp khó khăn trong việc xin các giấy phép quan trọng khác cho dự án.
Các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp và Luật Đất đai, có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định 63, quy định các nhà đầu tư nước ngoài phải nộp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các doanh nghiệp dự án (đặc biệt là các công ty FDI) cũng cần cung cấp bằng chứng cho ngân hàng hoặc bên thứ ba vì nhiều mục đích khác nhau, như việc chuyển tiền ra nước ngoài. Việc doanh nghiệp làm dự án sẽ phải cung cấp cho các bên thứ ba toàn bộ hợp đồng PPP để chứng minh quyền của mình trong các dự án PPP là không khả thi về mặt thương mại. Chính vì vậy, theo VBF phải ban hành luật riêng về PPP để giải quyết những bất cập hiện hành vốn đang quy định ở các luật khác.

Các tin khác