Đối mặt các bài toán hóc búa

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. BÙI QUANG TÍN (ảnh), Trường Đại học NH TPHCM, nhận định những điểm nóng trong mùa ĐHCĐ ngành NH năm nay sẽ là việc tái cơ cấu Sacombank và các NH yếu kém khác, tăng vốn, nợ xấu, tái cơ cấu toàn diện… đang thu hút sự quan tâm của các cổ đông và thị trường.

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. BÙI QUANG TÍN (ảnh), Trường Đại học NH TPHCM, nhận định những điểm nóng trong mùa ĐHCĐ ngành NH năm nay sẽ là việc tái cơ cấu Sacombank và các NH yếu kém khác, tăng vốn, nợ xấu, tái cơ cấu toàn diện… đang thu hút sự quan tâm của các cổ đông và thị trường.

ĐHCĐ NHTM: Nóng chia cổ tức, xử lý nợ xấu

PHÓNG VIÊN: - Theo ông, trong mùa ĐHCĐ 2017 của ngành NH  đâu là vấn đề được nhà đầu tư và thị trường quan tâm nhất?

TS. BÙI QUANG TÍN: - Hiện nay các vấn đề về NH vẫn đang rất nóng và trong nhiều vấn đề tôi nghĩ có có 4 vấn đề được giới tài chính lẫn thị trường đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất, việc tăng vốn của các NH. Hiện nay vẫn còn hơn một nửa NHTM có vốn điều lệ từ 3.000-5.000 tỷ đồng đang rất cần tăng vốn theo yêu cầu vốn pháp định của NHNN. Chẳng hạn những nhà băng 3.000 tỷ đồng phải tăng lên 3.500-4.000 tỷ đồng.

Yêu cầu tăng vốn còn nhằm mục tiêu để đáp ứng về hệ số an toàn vốn (CAR) trong thời gian tới theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 1-1-2020. Theo cách tính mới của thông tư này, hệ số K của các NH chắc chắn giảm mạnh so với cách tính hiện nay.

Như vậy khả năng nhiều NH không đáp ứng được yêu cầu nên việc tăng vốn của các NH dường như là điều bắt buộc. Đặc biệt, hiện nhóm nhà băng có vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 10 NH theo chỉ định của NHNN đến giữa năm 2018 phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn theo Thông tư 41. Điều này đồng nghĩa không chỉ những NH có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng mà cả những NH có vốn lớn cũng buộc phải tăng vốn.

Thứ hai là việc chia cổ tức. Nhiều khả năng các NH sẽ cố gắng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và hạn chế chia bằng tiền mặt. Tuy nhiên cổ đông không thích điều này và muốn chia bằng tiền mặt.

Hiện có nhiều NH mấy năm liền không chia cổ tức, giữ lại lợi nhuận chủ yếu để tăng vốn, do đó ĐHCĐ năm nay NH càng chịu nhiều áp lực với cổ đông. Nhiều NH sẽ phải cân nhắc việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn hay chia tiền mặt làm hài lòng cổ đông.

ĐHCĐ năm nay của Sacombank sẽ rất đáng chú ý vì ở đó rất nhiều thông tin thú vị chờ được tiết lộ. Ngoài ra, ĐHCĐ của Eximbank cũng sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường. Năm ngoái 2 lần ĐHCĐ của NH này đã thất bại bởi các cổ đông lớn không đồng thuận. Năm nay kịch bản vẫn có thể sẽ lặp lại. Tuy nhiên, tôi hy vọng Eximbank sẽ yên ả sau rất nhiều sóng gió.

Thứ ba, kiểm soát đặc biệt trong ngành NH. NHNN đặt mục tiêu xử lý dứt điểm 5 NHTM yếu kém trong năm 2017, gồm 3 NH bị mua lại với giá 0 đồng là VNCB, OceanBank, GPBank và 2 NH là DongABank và Sacombank.

Hiện NHNN đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu để trình Chính phủ. Theo đó có thể thêm nhiều NH khác cũng rơi vào “tầm ngắm” bị kiểm soát và buộc phải tái cơ cấu.

Thứ tư là tái cơ cấu toàn diện trước áp lực các NH phải tuân thủ chuẩn mực Basel II theo Thông tư 41. Cụ thể vào đầu năm 2020, các NH sẽ phải cải tổ toàn diện về công nghệ, nhân sự, các quy định về chỉ số và thanh khoản, quy định cấp tín dụng, không riêng về hệ số CAR. Để làm được điều này các NHTM cần thực hiện nhiều thay đổi lớn và phải xin ý kiến của ĐHCĐ.

- Vậy trong 4 vấn đề trên có những vấn đề nào và tại nhà băng nào sẽ thu hút sự theo dõi của thị trường, nhà đầu tư và cổ đông?

- Trong các NHTM hiện nay vấn đề được quan tâm nhất là việc tái cơ cấu Sacombank. Chúng ta đều biết Sacombank vốn là NHTM khá tốt nhưng hiện đã suy yếu nhiều bởi nợ xấu sau khi sáp nhập Southernbank.

Nếu những đề xuất của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Đặng Văn Thành, cổ đông nước ngoài được NHNN chấp thuận phương án, tôi nghĩ Sacombank sẽ thay đổi tích cực. Ngoài ra, liên quan đến Sacombank mới đây Eximbank cho biết sẽ bán toàn bộ số cổ phần chiếm gần 9% tại Sacombank. Như vậy rất có thể sẽ có thêm nhà đầu tư lớn khác tham gia Sacombank.

- Hiện nay hầu hết NHTM đã báo cáo nợ xấu về dưới 3%. Đây là con số an toàn. Liệu vấn đề này có còn nóng như những năm trước?

- Theo tôi nợ xấu của các NH Việt Nam chưa bao giờ hết xấu. Do đó đây vẫn là một trong các vấn đề rất đáng lưu ý tại ĐHCĐ năm nay. Đặc biệt, trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu được tính bao gồm nợ xấu đã bán tại VAMC.

Như vậy, các NH phải dự phòng kịch bản nếu dự thảo luật này được thông qua, nợ xấu sẽ tăng vọt và các NH sẽ phải trích lập dự phòng cao. Thực tế, nếu cộng nợ xấu đã bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu tại một số NH lên đến 6-7%.  Điều này đồng nghĩa với việc các NH gặp khó khăn hơn, kết hoạch, kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ nợ xấu cao.

- Ông đánh giá thế nào về vấn đề mua bán bán sáp nhập (M&A) trong ĐHCĐ các NH năm nay?

- Như đề cập ở trên, tái cơ cấu Sacombank thông qua việc có nhiều cổ đông mới tham gia vào HĐQT bằng việc mua lại cổ phần của các cổ đông hiện hữu, nếu được thực hiện sẽ là vụ đáng chú ý nhất. Hay việc Eximbank bán cổ phiếu Sacombank cũng đáng lưu ý.

Năm 2016 cho thấy có làn sóng rất mạnh các NHTM mua lại và đẩy mạnh hoạt động của các công ty tài chính. Điển hình trong số đó là việc VPbank đẩy mạnh hoạt động Công ty Tài chính FECREDIT. Bên cạnh đó thương vụ VietinBank sáp nhập PGbank cũng sẽ tiếp tục được quan tâm sau nhiều lần hứa hẹn.

- Sắp tới, các NHTM có gặp nhiều áp lực niêm yết, thưa ông?

- Trong nhiều năm qua không có thêm NH nào niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức, dù NHNN ra sức thúc ép. Nhiều NH đã lỡ hẹn trong các ĐHCĐ trước. Ngoài ra, trước sức ép cổ đông đòi hỏi phải minh bạch thông tin và thanh khoản cổ phiếu, tôi nghĩ nhiều NH buộc phải tính đến việc niêm yết.

Hơn nữa niêm yết cũng mang lại lợi ích cho NH trong việc nâng cao thương hiệu và mở rộng gọi vốn. Do đó, ĐHCĐ năm nay dự kiến đây vẫn là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Về phía bản thân NHTM cũng không thể xem nhẹ vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác