Doanh nghiệp vẫn phải 'bôi trơn' thuế

(ĐTTCO)-Có 34% doanh nghiệp khi được hỏi đã trả lời họ mất nhiều khoản chi cho các chi phí không chính thức, trong khi con số này của năm 2014 là 32%.

(ĐTTCO)-Có 34% doanh nghiệp khi được hỏi đã trả lời họ mất nhiều khoản chi cho các chi phí không chính thức, trong khi con số này của năm 2014 là 32%.

 

Đó là công bố của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tại hội thảo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2016” tổ chức hôm qua 7.3.

Không “bôi trơn” thì bị phân biệt đối xử

Phiếu khảo sát được gửi tới hơn 10.000 DN trên khắp 63 tỉnh, thành và thuộc nhiều thành phần kinh tế, kết quả có 3.500 DN phản hồi. VCCI cho biết đây là khảo sát có quy mô lớn thứ hai, chỉ đứng sau khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (có 8.000 DN tham gia).

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định khảo sát được thực hiện độc lập, đảm bảo tính khách quan với kết quả có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2014, mức độ hài lòng của DN tăng từ 71% lên 75%. Đặc biệt, những chuyển biến trong khả năng tiếp nhận thông tin, tìm hiểu thông tin pháp luật, DN có nhiều thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính thuế đều thuận lợi và việc áp dụng thủ tục thuế điện tử.

Tuy nhiên, theo VCCI các DN vẫn còn gặp nhiều phiền hà và việc chi các khoản phí không chính thức có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ DN phải chi các khoản phí không chính thức tăng. Kết quả có 34% DN cho rằng họ phải mất nhiều khoản chi phí không chính thức. Chi tiết hơn, có 18% các DN thành lập trước năm 1990 có chi phí không chính thức. Với những DN thành lập từ 2010 trở lại đây thì 36% cho rằng có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế.

DN FDI chi các khoản phí không chính thức nhiều nhất với tỷ lệ 44%, con số này ở DN dân doanh là 33% và ở DN do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là 25%.

Đối với các DN không chi các khoản phí chính thức, 39% DN trả lời là có bị đối xử phân biệt, chỉ giảm 1% so với kết quả khảo sát của hai năm trước. Đặc biệt, DN càng mới thành lập, mức độ lo ngại càng cao nếu họ không chi các khoản chi phí không chính thức; có 42% DN thành lập từ năm 2010 trở lại đây cho rằng họ sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi, trong khi con số này ở những DN thành lập trước năm 1990 chỉ 26%.

Điểm tên các hành vi phân biệt đối xử, VCCI cho biết 53% DN khẳng định bị cơ quan thuế yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, có 39% cho biết họ bị kéo dài thời gian làm thủ tục và có 16% cho rằng thái độ của cán bộ thuế không văn minh lịch sự. Có 5% DN cho rằng có những phân biệt đối xử khác như: sẽ gặp khó khăn trong lần thanh kiểm tra sau, bị suy diễn quy định thuế bất lợi cho DN...

Hoàn thuế vẫn còn chậm

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết thông thường 1 năm DN thực hiện việc đăng ký, thay đổi thông tin thuế 1 lần; khai và quyết toán thuế 5 lần; nộp thuế 5 lần; 4 lần mua, đăng ký sử dụng hóa đơn thuế; 1 lần mua, đăng ký, báo cáo sử dụng chứng từ khấu trừ thuế. Về cơ bản thời gian thực hiện thủ tục thông thường là tương đối ngắn, tuy nhiên nếu tính theo giá trị trung bình thì thời gian thực hiện là cao hơn.

Điều này cho thấy có một số lượng không nhỏ DN vẫn mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính thuế, nhất là đối với thủ tục miễn giảm và hoàn thuế. Hai thủ tục này có tỷ lệ DN đánh giá thấp nhất lần lượt là 69%, 60%.

“DN được hoàn trước kiểm sau cũng phải mất 15 ngày mới được hoàn thuế. Trong trường hợp kiểm trước hoàn sau thời gian gấp đôi, lên đến 30 ngày. Khó khăn hơn, khi có quyết định hoàn rồi mất 3 tháng, cá biệt có DN mất 1 năm, tiền mới về tài khoản”, ông Tuấn nói.

Vẫn theo ông Tuấn, DN có ý kiến việc miễn giảm thuế thu nhập DN cho các DN trong diện được miễn giảm còn nhiều bất cập, chưa rõ, khó hiểu dẫn đến giữa cơ quan thuế và DN khó thống nhất được cách giải quyết. Cần quy định rõ và giải thích câu từ cụ thể, dễ hiểu hơn trong văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhằm tránh việc tiêu cực và thực hiện đúng chức năng của nhà nước.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Price waterhouse (PwC) VN, cho biết thêm qua tư vấn thường xuyên cho DN, mức độ tuân thủ thủ tục thuế của các DN vừa và nhỏ rất thấp. Bà Vân cho biết sở dĩ các quốc gia trên thế giới có số giờ làm thủ tục ít hơn VN là bởi có chính sách riêng đối với khu vực DN vừa và nhỏ. Do đó, Bộ Tài chính cần sớm nghiên cứu để ban hành chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục cho cộng đồng DN trong khu vực này.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao kết quả cải cách thủ tục hành chính của VN, khi tổng số giờ làm thủ tục thuế (cả bảo hiểm xã hội) giảm từ 872 giờ xuống còn 167 giờ. Nhưng chuyên gia này lưu ý, có 50% DN khảo sát chưa hài lòng với tác phong, thái độ làm việc của cán bộ thuế. Đại biểu này đề nghị cần phải được sớm thay đổi thông qua các chương trình đào tạo căn bản.

Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị cơ quan thuế cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để DN dễ thực hiện, hạn chế các khoản chi phí không chính thức. Đặc biệt ông nhấn mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế cần tránh trùng lặp về nội dung và có các biện pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong thực hiện các thủ tục thuế.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ngành thuế đã có nhiều nỗ lực để đơn giản hóa thủ tục, bãi bỏ một số khoản phí, ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính thuế và đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết ngành vẫn còn nhiều tồn tại cần cải thiện, đặc biệt tăng cường quản lý rủi ro về thuế. Về vấn đề thanh kiểm tra, ông Dũng cũng chỉ đạo “cần hạn chế thanh tra, kiểm tra chồng chéo, làm phiền DN”.

Các tin khác