Doanh nghiệp tư nhân: Nỗ lực tự hoàn thiện mình

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, nhấn mạnh bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, điều quan trọng cộng đồng doanh nhân Việt cần tự hoàn thiện chính mình, nâng cao sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Doanh nghiệp tư nhân: Nỗ lực tự hoàn thiện mình
PHÓNG VIÊN: - Sau hơn 30 năm đổi mới, giờ đây kinh tế tư nhân (KTTN) mới được xem là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Việc xác lập như vậy có muộn quá, thưa ông?
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: - Sau gần 30 năm phát triển KTTN kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, những gì khu vực này làm được cho kinh tế, xã hội nước ta là việc không thể bàn cãi.
Gần đây hơn, chủ trương KTTN là một động lực quan trọng phát triển kinh tế năm 2019 Chính phủ đề ra, đã thể hiện chính sách nhất quán phát triển KTTN của Đảng và Nhà nước, từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX năm 2002, đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII năm 2017, khẳng định KTTN là bộ phận hợp thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một động lực quan trọng phát triển kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Cùng với quyết tâm chính trị, trong thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành cụ thể, đúng đắn để phát triển KTTN, như cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý, kiểm tra chuyên ngành không còn phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin trên nền tảng internet, hay thành lập tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng giao, hoặc chỉ đạo cho các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khu vực KTTN.
Doanh nghiệp tư nhân nước ta đã phát triển mạnh về số lượng trong những năm đầu của thế kỷ này, đã có thời điểm cuối những năm 2000 số lượng doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn con số hiện nay (thời điểm này có 600.000 doanh nghiệp tư nhân), cho thấy đã có sự thống nhất giữa chủ trương và thực tiễn.
- Ông nhận xét thế nào về việc những tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) phá sản hoặc ngừng hoạt động cao hơn số doanh nghiệp được thành lập mới? 
- Gần đây, số lượng thành lập mới tăng chậm, nhưng tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể phá sản lại tăng cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập, đây là thực trạng rất đáng quan tâm. Hầu hết doanh nghiệp của tư nhân có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, quản trị kém. Do đó bộ phận doanh nghiệp của tư nhân đã giảm cả về lượng và chất trong thời gian gần đây chủ yếu là nhóm này.
Theo tôi, năm 2019 chúng ta phải đặt sự quan tâm nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, cùng với phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, cần đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện liên kết với nhau giữa KTTN với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế hợp tác, làm cho hệ sinh thái kinh doanh được phát huy trên thực thế. 
- Thách thức doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt là gì, thưa ông?
- Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa bảo hộ lan rộng bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao chất lượng, xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thu hẹp thị trường xuất khẩu, hoặc sẽ làm cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội hiện nay chưa nghiêm, đã làm chậm quá trình và làm giảm hiệu quả thực thi các quyết sách của Đảng và Chính phủ.  Điều này khiến cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. Năm 2018, Việt Nam đã tụt 3 bậc về năng lực cạnh tranh và 1 bậc về môi trường kinh doanh là điều đáng buồn.
Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình, nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực. Trong khi phần lớn nguồn lực này nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước đang chậm được cổ phần hóa, khiến nguồn lực dành cho doanh nghiệp tư nhân chậm được khai thông.
Tổ chức sản xuất kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật và tổ chức cạnh tranh yếu của doanh nghiệp tư nhân và kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ, đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi Việt Nam đã gia nhập WTO hàng thập niên qua. 
- Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần làm gì để nâng cao chất và lượng, đủ sức tham gia cuộc chơi toàn cầu trong bối cảnh mới, thưa ông?
- Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh trong từng thời kỳ dựa trên cơ sở nghiên cứu phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không có con đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, làm tốt công tác tiếp thị, tạo dựng và bảo vệ thương hiệu, tạo chữ tín trong hoạt động với khách hàng cũng như với các đối tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cần đề cao văn hóa doanh nghiệp trong kinh doanh, xây dựng truyền thống và uy tín của doanh nghiệp trước hết bằng việc kinh doanh đúng pháp luật và tôn trọng lợi ích các bên. Mỗi doanh nghiệp phải có triết lý kinh doanh, tuyên bố sứ mệnh và xác định giá trị cốt lõi của mình để hình thành nên văn hóa doanh nghiệp mình.
Vấn đề quan trọng nữa, doanh nghiệp tư nhân cần phải coi trọng quản trị doanh nghiệp. Bởi cơ cấu quản trị doanh nghiệp giúp xác định quyền hạn và trách nhiệm giữa những thành viên khác nhau trong doanh nghiệp, lập ra các nguyên tắc và quy trình thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp, qua đó ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực và chức vụ, giảm thiểu những rủi ro không cần thiết cho doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông.
 Con người có trình độ, công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến là yếu tố quyết định thành bại trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay. Con người ở đây không chỉ bao gồm đội ngũ lao động trong doanh nghiệp, mà cả những người hoạt động trong các hiệp hội, các lĩnh vực khoa học công nghệ dịch vụ như thông tin, tư vấn, đào tạo, nghiên cứu thị trường, những tầng lớp mới nảy sinh từ công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế.

Các tin khác