Doanh nghiệp tư nhân: Khó tìm vốn nâng sức cạnh tranh

(ĐTTCO) - Kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém so với các loại hình DN khác, nhất là công nghệ.
 Điều này đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao sức cạnh tranh của DNTN trong bối cảnh hội nhập rộng mở hiện nay.
Yếu toàn diện
 Thực trạng hiện nay là DNTN không có đủ năng lực tài chính để đầu tư cho máy móc, công nghệ nên phần lớn DNTN đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Có 80-90% công nghệ nhập ngoại; 75% máy móc dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là đồ tân trang.
Bùi Thu Thủy, 
Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH-ĐT
Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Bởi vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường càng được nhận thức rõ hơn, đánh giá đúng hơn.
Đến nay, tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh với số lượng DNTN tăng nhanh, đa dạng cùng phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh. 

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém, như xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Phần lớn DNTN có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp.
Khả năng liên kết của DNTN với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Nhiều DNTN hoạt động thiếu ổn định, bền vững. Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, chưa bảo đảm vệ sinh, an toàn môi trường diễn biến phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở khu vực DNTN chỉ 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% lạc hậu và rất lạc hậu. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%.
Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ cũng rất thấp, chỉ khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu. Trình độ thiết bị công nghệ trong các DNTN chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật trong các DN lớn... Thực trạng này đặt ra những thách thức lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNTN.Thiếu vốn, không được hỗ trợ
 Khi tôi mua công nghệ diệt khuẩn cho vỏ trứng của Hà Lan ai cũng nói tôi liều, kinh doanh bạc lẻ mà dám nhập dây chuyền tiền tỷ về làm. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, nếu mình không dám làm sẽ không bao giờ có được thành công như hôm nay.
Phạm Thị Huân, 
Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, lãnh đạo của nhiều DN đã phản ánh những bức xúc trong việc tiếp cận nguồn vốn cho dù mặt bằng lãi suất đã ổn định từ cuối tháng 9-2016 đến nay. Hiện lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng tốt lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm. Một nghiên cứu vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, cho thấy đến cuối năm 2016 chỉ khoảng 30% DNNVV tiếp cận được vốn, còn lại khoảng 70% DN đói vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh. Có một thực tế, khu vực DNNN được hưởng nhiều ưu ái, được cấp vốn từ ngân sách nhà nước, được tạo điều kiện nhiều hơn so với DNTN trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, vốn ODA và vốn vay từ nước ngoài.  Đơn cử, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong là DN chuyên chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông sản như hủ tíu khô, bánh hỏi khô, bánh tráng khô tại khu vực ĐBSCL. Là DN sử dụng công nghệ hiện đại và quan trọng hơn là góp phần giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản tại địa phương, nhưng trong quá trình triển khai dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Từ năm 2014, Thuận Phong có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến trái cây và nông sản tại Tiền Giang, đã làm dự án gửi chính quyền địa phương. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã xem xét và thống nhất chủ trương cho Công ty Thuận Phong nghiên cứu dự án đầu tư tại khu đất rộng 4,3ha của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tiền Giang (nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Tho, bỏ hoang suốt hơn 10 năm). Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Tiền Giang chỉ cho thuê lại 2ha trong phần đất 4,3ha nhưng phải đấu giá. Với diện tích này không đủ thể xây dựng nhà máy, nên Thuận Phong đã chuyển đầu tư dự án sang tỉnh Bến Tre năm 2015.

Hay trường hợp CTCP Sản xuất và Thương mại Phú Lộc (Thanh Hóa) với dự án xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và trang trại tổng hợp tại xã Hoa Lộc. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, công ty làm thủ tục thế chấp nhà xưởng, xe ô tô vận tải để vay vốn nhưng đi nhiều ngân hàng xin vay vốn, DN này đều bị từ chối với lý do nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đặt trên đất không phải chính chủ của công ty. Ngoài ra, lý do khiến ngân hàng từ chối là do chưa đối chiếu, thỏa thuận xong các khoản vay tại các ngân hàng khác, do vậy không đáp ứng đủ điều kiện cho vay vốn.

Theo ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến, với bản thân DN, ngoài việc đổi mới, khắc phục những hạn chế trong quản trị, tài chính, có hướng phát triển rõ ràng và đổi mới sáng tạo để tìm cơ hội thu hút vốn từ các nguồn khác, bớt lệ thuộc vào ngân hàng DN rất cần Nhà nước hỗ trợ giảm hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, hình thức cho vay linh hoạt hơn.
Thông qua chính sách vĩ mô, DN rất cần các ngân hàng nghiên cứu mạnh dạn đầu tư cho vay tín chấp nhiều hơn và chuyển dịch một phần vốn dành cho DNNN sang khu vực DNTN. Quan trọng hơn là cần một môi trường kinh tế lành mạnh, công khai, minh bạch, Nhà nước tạo điều kiện cho DNTN tham gia vào đầu tư công, từ đó tạo động lực cho DN mạnh dạn đầu tư làm ăn.
Doanh nghiệp tư nhân: Khó tìm vốn nâng sức cạnh tranh ảnh 1 DNTN khó đủ điều kiện tìm nguồn vốn để thay đổi công nghệ.
Thay đổi nhỏ, hiệu quả lớn
Cỏ May Group là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạo và thức ăn thủy sản có doanh số hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Những năm gần đây DN gặp rất nhiều khó khăn với mảng xuất khẩu gạo, thị trường gạo trong nước cũng hết sức khó khăn với sự xuất hiện của các thương hiệu gạo đến từ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May Group, việc không xây dựng được thương hiệu gạo riêng đã và đang trở thành bất lợi lớn đối với Cỏ May Group ngay cả trên sân nhà. Trước tình cảnh này, DN đã chủ động nghiên cứu mẫu mã và áp dụng công nghệ hút chân không khi đóng gói sản phẩm với nguồn vốn có thể nằm trong tầm tay DN.
“Việc hút chân không sẽ hạn chế được sâu mọt, giúp chất lượng gạo luôn đảm bảo và ổn định. Khi kiểm soát được chất lượng gạo không còn đơn thuần là gạo nữa mà là một mặt hàng tiêu dùng nhanh” - ông Thiện chia sẻ.

Trở lại với trường hợp của Thuận Phong. Trước yêu cầu đổi mới công nghệ, giải phóng sức lao động cho công nhân, sau nhiều lần ra nước ngoài đặt hàng công nghệ bất thành, ông Phạm Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành, đã tự mày mò nghiên cứu và chế tạo hệ thống cán bánh tráng, bánh hỏi và sấy khô sản phẩm. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm, Thuận Phong vẫn phải dựa vào công nghệ của nước ngoài.
Mới đây, DN đã đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến rau quả tại Bến Tre, với công suất giai đoạn 1 là 30.000 tấn/năm (tổng công suất 300.000 tấn/năm). Toàn bộ dây chuyền được sử dụng công nghệ hiện đại của nước ngoài. Với sự đầu tư này, sản phẩm của Thuận Phong đã đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ năm 2009 đến nay, doanh số xuất khẩu của Thuận Phong liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân 28%/năm. Cụ thể, năm 2015 đạt hơn 15,7 triệu USD; năm 2016 là 20,2 triệu USD; dự kiến trong năm 2017 là 25 triệu USD. Trong tương lai gần, doanh số xuất khẩu của DN có thể đạt 40-50 triệu USD/năm.

Công ty TNHH Ba Huân là một trong những DNTN thành công nhờ áp dụng công nghệ mới trong sản xuất. Tuy nhiên, để gặt hái được thành quả như hiện nay, DN này đã trải qua không ít thăng trầm. Năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng nổ và nhanh chóng lan rộng khiến nhiều hộ nông dân lâu nay chủ yếu làm nghề nuôi gà, nuôi vịt lấy trứng đứng trước nguy cơ mất vốn. Những DN chế biến thực phẩm có sử dụng trứng trong quá trình sản xuất cũng đứng trước tình thế nguy cấp vì thiếu nguyên liệu.
Trước tình cảnh sống còn này Công ty Ba Huân đầu tư 30 tỷ đồng mua công nghệ diệt khuẩn cho vỏ trứng của Hà Lan. Với công nghệ mới này, trứng được rửa 2 lần, sấy khô rồi chiếu tia UV để diệt khuẩn, sau đó chuyển sang công đoạn soi, loại các trứng hư, nứt đã tạo hiệu quả lớn trong kinh doanh, được người tiêu dùng tin tưởng.

Các tin khác