Doanh nghiệp tư nhân: Khó lớn vì đói vốn

(ĐTTCO) - Đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 561.000 doanh nghiệp (DN), trong đó 96% là DN tư nhân (DNTN). 
Điều đáng nói, quá nửa số DNTN không tiếp cận được vốn từ ngân hàng thương mại (NHTM). Để giải quyết tình trạng khát vốn của DNTN, bên cạnh nguồn vốn của các NH trong nước, các bộ, ngành đang nỗ lực hỗ trợ DNTN tiếp cận vốn vay thương mại, vay ODA, vay ưu đãi từ các định chế tài chính lớn như NH Thế giới (WB), NH Phát triển châu Á (ADB)…
Doanh nghiệp tư nhân: Khó lớn vì đói vốn ảnh 1 Ảnh minh họa: Phạm Long. 
Vẫn khó tiếp cận vốn
Hội nghị đầu tư quốc tế Vietnam Access Day 2018 (VAD 2018) diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, đã thu hút hơn 280 quỹ đầu tư đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 80% các quỹ đã đầu tư vào thị trường Việt Nam, 20% quỹ đầu tư còn lại lần đầu tiên đến Việt Nam. Bên cạnh các ngành, lĩnh vực quan trọng như tài chính - NH, bất động sản, VAD 2018 tập trung hơn vào các ngành bán lẻ và thương mại điện tử. Các ngành như logistics và giao thông vận tải cũng được nhà đầu tư quốc tế quan tâm.
Trong đó một số DNTN đã thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư ngoại như Vietjet, Saigon Cargo SCS và ACV. Điểm mới của VAD 2018 là các nhà đầu tư quốc tế đang có sự quan tâm tới khu vực DNTN của Việt Nam, đặc biệt các DN có quy trình dựng sổ tốt, sẵn sàng tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư (roadshow) ra quốc tế để gặp gỡ và giải đáp thắc mắc cho nhà đầu tư.
 Muốn hút vốn ngoại không có con đường nào khác ngoài sự minh bạch của tất cả các bên. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng đầu tư của Việt Nam, tuy nhiên họ vẫn lo ngại về chất lượng của các DN. Các DN Việt Nam cần sớm áp dụng toàn bộ chuẩn mực kế toán của quốc tế để nâng cao tính minh bạch.
Ông MICHEL TOSTO, 
GĐ điều hành Công ty Chứng khoán Bản Việt
 
Một tín hiệu khác cho thấy nhà đầu tư ngoại đang đẩy mạnh việc rót vốn vào thị trường Việt Nam. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ghi nhận trong quý I-2018, khối ngoại đã mua ròng cổ phiếu trị giá 10.502 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, 85,7% là mua ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) ở cả 2 sàn niêm yết HOSE và HNX, còn lại là trên thị trường UPCoM. Riêng từ đầu tháng 4 đến ngày 20-4-2018, giá trị mua ròng trên sàn HOSE đạt 1.698 tỷ đồng. Về giao dịch chứng chỉ quỹ, trong quý I khối ngoại đã mua ròng 83,9 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị mua ròng 1.417 tỷ đồng. Dòng vốn khối ngoại đổ vào thị trường mạnh mẽ, trong đó khu vực DNTN là một nhân tố chính. 
Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, năm 2017 có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 6,2 tỷ USD. Sự tăng trưởng tích cực của dòng vốn nước ngoài vào TTCK là một trong những yếu tố quan trọng nhất đẩy chỉ số VN Index. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô vốn hóa trên TTCK đến ngày 19-1-2018 đạt trên 100% GDP, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 75% GDP, còn lại là giá trị trái phiếu, trong đó góp phần rất lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Một nghiên cứu khảo sát được PGS.TS Tô Trung Thành và nhóm cộng sự (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) công bố hồi tháng 3 năm nay, cũng khẳng định một trong những bất lợi trong kinh doanh khu vực DNTN đang phải đối mặt là khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Có tới 58% DN tham gia khảo sát cho biết đã từng nộp đơn xin vay vốn NH, trong đó có 50% DNNVV và 68% DNTN lớn rất khó, thậm chí không được giải quyết cho vay.
Khảo sát của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng ghi nhận, sự phân biệt đối xử giữa DNNVV và DN lớn, giữa khu vực DNTN và khu vực DNNN khi tiếp cận nguồn lực. Theo kết quả khảo sát, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7-26% nếu DN nộp hồ sơ là DNNVV hoặc DNTN.

Nút thắt chưa mở
Đánh giá về khả năng tiếp cận vốn ngoại của các DNTN, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng về nguyên tắc, bất kỳ DN thuộc khu vực nào khi vay vốn, đặc biệt là vốn ngoại phải đáp ứng được các yêu cầu về vay vốn. Các DN trong nước hiện nay, đặc biệt là DNTN có một số điểm yếu:
Hiện nay, các NHTM thực hiện việc cho vay trên cơ sở quản lý dòng tiền, bởi các DNNVV giá trị tài sản thế chấp rất ít. Một số DNTN chưa tiếp cận được vốn tín dụng NH, nguyên nhân chủ yếu do DN năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán và không công khai minh bạch, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thẩm định để quyết định cho vay.
Ông TRẦN VĂN TẦN
Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế
Thứ nhất, quy mô DN nhỏ bé, đặc biệt các tài sản thế chấp rất thấp. Ngay cả các bất động sản DN sử dụng sổ đỏ cũng có vấn đề, nên cơ hội thế chấp bảo đảm điều kiện vay chưa đạt được. Thứ hai, nếu cho vay tín chấp phương án giải trình vay vốn, quản lý dòng tiền, lòng tin, sự minh bạch tài chính… để cho vay có nhiều hạn chế. Thứ ba, bản thân DN trong quá trình vay vốn có những hành xử không bảo đảm đúng mục tiêu vay vốn, nên các NH rất thận trọng khi cho vay.
Thứ tư, sự hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến bảo lãnh tín dụng cho vay, hình thành chuỗi vay theo chuỗi còn yếu. Tóm lại, không phải việc tiếp cận vốn ngoại, mà ngay cả khi tiếp cận vốn nội, hiện một nửa số DNTN chưa tiếp cận được vốn của NH. Thực tế này cũng có lỗi một phần rất lớn từ các DN. 
Tuy nhiên, từ phía các NHTM cũng thấy rằng hệ thống này đang dính vào nợ xấu, nợ đọng nhiều và đang nỗ lực lành mạnh hệ thống, nên các NH rất thận trọng khi cho vay khu vực tư nhân, nhất là DN quy mô nhỏ và vừa. Một nguyên nhân khác là các NH thường thích cho vay các DN lớn để tiết kiệm chi phí. Cho các DNTN quy mô nhỏ và vừa vay thường mất nhiều thời gian thẩm định, tốn kém nhiều chi phí hơn nên NH cũng e ngại.
Bên cạnh đó, theo nguyên tắc thị trường, NHNN cũng không áp đặt hoặc can thiệp hoạt động cho vay, ngoài một số lĩnh vực ưu tiên có quy định tỷ lệ cho vay, bởi lượng vốn nhà nước cho vay ủy thác rất hạn chế. Trong khi đó, các định chế nước ngoài như ADB, WB khi cho vay đều có điều kiện, không phải DNTN nào cũng đáp ứng được.
Thống kê của Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng khách hàng quan trọng của các tổ chức tín dụng, với dư nợ hiện nay gần 4 triệu tỷ đồng và hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ. Tỷ lệ cho vay vốn khu vực tư nhân cũng đang tăng nhanh trong những năm gần đây.
Cụ thể, đối với DNTN năm 2014 chiếm 53%; năm 2015 tăng 62% và tính đến tháng 4-2017 là 66%. Dư nợ tín dụng năm 2017 đối với các DNNVV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tăng 6,5% so với cuối năm 2016. Điều này cho thấy tín dụng NH có vai trò hết sức quan trọng và đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân: Khó lớn vì đói vốn ảnh 2 Thiếu sự hỗ trợ hoặc hỗ trợ thiếu đồng bộ nên DNTN khó tiếp cận vốn để vươn tầm.
Để khu vực DNTN trong nước có thể tiếp cận vốn vay từ các định chế tài chính quốc tế lớn như ADB, WB, đồng thời hạn chế tối đa bảo lãnh của Chính phủ, mới đây bên lề Hội nghị thường niên ADB tại Philippines (tháng 5-2018), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết NHNN đã đề nghị ADB quan tâm nhiều hơn tới khối DNTN Việt Nam, mở rộng cho vay thương mại trực tiếp với DN, hạn chế tối đa bảo lãnh chính phủ.
Người đại diện cho NHNN cũng nhấn mạnh, NHNN và hệ thống NHTM trong nước luôn sẵn sàng đồng hành với DNTN. Tuy nhiên, bản thân các DN cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng hình thức, điều kiện trước khi quyết định có nên tiếp cận nguồn vốn này hay không. 

Khai thông nguồn lực mới
Có thể các DN sẽ lúng túng trong thời gian đầu, nhưng các NH sẽ hỗ trợ, tạo sự kết nối cùng với DN tư vấn để cùng ADB thực hiện các khoản đồng tài trợ hoặc phân khúc tài trợ dự án. Chẳng hạn, với một dự án đầu tư lớn, vốn ADB cho vay đầu tư xây dựng ban đầu, khi dự án đi vào hoạt động, có hiệu quả các NH trong nước sẽ cho vay thế để ADB thu hồi vốn.
Điều này rất cần thiết trong bối cảnh đầu tư cơ sở hạ tầng cần nguồn vốn lớn, trong khi vốn trong nước không thể đáp ứng đủ. Thời gian tới, các cơ quan của Chính phủ cũng như NHNN sẽ tiếp tục rà soát nhằm đảm bảo các cơ chế chính sách vay vốn nước ngoài, trong đó có nguồn vốn của ADB, một cách thuận tiện, an toàn và hiệu quả hơn.
Trước đó, khi đến Việt Nam vào năm 2016, Chủ tịch ADB đã thông báo việc ADB có thể sẽ tăng cường cho vay các dự án của DNTN ở Việt Nam. Theo đó, ADB sẽ dành nhiều cơ hội vay vốn cho các DN hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thiết bị y tế, giáo dục, công nghệ thông tin cao, viễn thông... Vị này cũng nhấn mạnh về lý thuyết đối với ADB hoàn toàn không có trở ngại nào trong việc cho DNTN Việt Nam vay vốn.
Trong một động thái khác, để hỗ trợ tư nhân tiếp cận vốn ngoại, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, theo hướng khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.
Cụ thể, DNTN có thể tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng. DNTN có thể tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước, cũng như vay lại vốn ODA qua hệ thống NHTM theo phương thức NH chịu rủi ro tín dụng.
Nếu vốn ODA tới đây mở rộng cửa với khối DNTN, tác động kép của chính sách này sẽ rất lớn, vừa giải cơn khát vốn của DNTN, đồng thời vừa tháo tình trạng tắc nghẽn kế hoạch giải ngân vốn ODA.

Các tin khác