Doanh nghiệp FDI than phiền BHXH

(ĐTTCO)-Nhiều văn bản liên quan đến chính sách bảo hiểm chưa được cơ quan quản lý ban hành hoặc chậm ban hành, hồ sơ thủ tục trong ngành bảo hiểm xã hội còn phức tạp, bất cập... gây khó khăn cho doanh nghiệp.

(ĐTTCO)-Nhiều văn bản liên quan đến chính sách bảo hiểm chưa được cơ quan quản lý ban hành hoặc chậm ban hành, hồ sơ thủ tục trong ngành bảo hiểm xã hội còn phức tạp, bất cập... gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Đó là phản ánh của các doanh nghiệp(DN) tại hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do BHXH VN - Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 16.12 ở Hà Nội.

43% DN “chờ” BHXH giải quyết vướng mắc

Khảo sát lấy ý kiến hơn 300 DN FDI trong tháng 10 - 11.2016 tại các khu vực tập trung nhiều DN FDI là: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai... được VCCI công bố tại hội nghị cho thấy ngành BHXH đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm chi phí và thời gian giải quyết chế độ.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó giám đốc Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, vẫn còn tồn tại về thủ tục trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết họ chưa nhận thấy thay đổi gì từ những cải cách này chiếm tới 28,8% đối với BHXH, 35,1% đối với BHYT và 43,8% đối với BHTN.

Bà Lan Anh cho hay nhiều DN phàn nàn việc cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành hoặc ban hành muộn các văn bản hướng dẫn gây khó khăn cho DN. Các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể, chậm ban hành, không phù hợp với thực tế, nhiều quy định còn rườm rà...

Trong đó, có tới 89% DN gặp vướng mắc với các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn quy định chưa rõ. Khoảng 85% DN cho rằng luật và nghị định không rõ ràng, chưa điều chỉnh những vướng mắc, 77% DN gặp phải vướng mắc hồ sơ thủ tục về BHXH rườm rà, khó đáp ứng của cơ quan BHXH.

“Đáng lưu ý, tỷ lệ DN “chờ” cơ quan BHXH giải quyết các vướng mắc của mình khá lớn, chiếm tới 42,7%. Ngoài ra, có 9,6% số DN chưa được giải quyết vướng mắc. Thậm chí đối với các DN đã được giải quyết, phần lớn “không đồng ý” với kết quả xử lý của cơ quan BHXH”, bà Lan Anh nói.

BHXH mỗi nơi giải quyết một kiểu

Tại hội nghị, nhiều DN phản ánh về việc chậm trễ giải quyết chế độ cho người lao động. Ông Đinh Văn Khang, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Nippon Konpo VN, cho biết: “Các DN FDI có nhiều nhà máy ở các tỉnh thành, nhưng mỗi nơi BHXH giải quyết một kiểu.

Trong khi, ở Hà Nội thủ tục chốt sổ BHXH cho người lao động chỉ mất 7 ngày và chỉ cần làm 1 thủ tục, thì ở Vĩnh Phúc lại mất 30 ngày và yêu cầu tới 3 thủ tục. Bên cạnh đó, hiện nay việc giải quyết chế độ thai sản cho người lao động rất chậm. DN nộp BHXH chậm ngày nào bị phạt trả lãi ngày đó, còn cơ quan BHXH chậm giải quyết cho người lao động thì sao?”.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản, bày tỏ: “Cơ quan BHXH thường không đảm bảo thời gian giải quyết chế độ thai sản cho người lao động. Người lao động thường phàn nàn với công ty thời gian giải quyết chậm. Tôi kiến nghị cơ quan BHXH cần đơn giản hóa các TTHC, áp dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC về BHXH”.

Ngoài ra, bà Huyền kiến nghị nên giãn lộ trình quy định từ ngày 1.1.2018 lấy lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung làm căn cứ đóng BHXH. Bởi phụ cấp lương và các khoản bổ sung thay đổi phụ thuộc vào chất lượng công việc, năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Hiện kinh tế toàn cầu suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng các khoản đóng gây gánh nặng rất lớn cho DN và khiến DN mất đi sự cạnh tranh, dẫn đến việc làm cho người lao động sẽ ít đi.

Phạt BHXH nếu chậm

Giải đáp thắc mắc của DN, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN, khẳng định: “Nếu DN không trả kết quả cho người lao động đúng thời gian, cơ quan BHXH phải chịu trách nhiệm. Luật BHXH cũng quy định xử phạt trong việc đóng, hưởng và chậm trả. Rõ ràng cơ quan BHXH làm sai phải chịu trách nhiệm phạt hành chính, phạt lãi. DN có thể yêu cầu, thậm chí là khiếu kiện đến cơ quan quản lý gần nhất là Sở LĐ-TB-XH để kiến nghị xử phạt”.

Về kiến nghị lùi thời gian đóng BHXH trên lương và các khoản bổ sung, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng tiền đóng BHXH của người lao động là “của để dành”, đóng cao để khi về hưu có lương cao, chăm sóc sức khỏe bản thân. Về cơ bản, nếu đóng BHXH theo quy định từ 1.1.2018 sẽ không nhiều so mức đóng hiện nay. Vì vậy, các DN FDI cũng nên chia sẻ, ủng hộ.

Với những khó khăn của DN, ông Bùi Sỹ Lợi, cho biết hiện nay có 2 nguồn quỹ đang kết dư là quỹ BHTN kết dư 45.000 tỉ đồng và bảo hiểm tai nạn lao động kết dư hơn 30.000 tỉ đồng.

“Chúng tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu cơ chế chính sách giảm 0,5% đóng góp của DN đối với quỹ BHTN và 0,5% quỹ bảo hiểm tai nạn lao động. Cộng cả 2 nguồn quỹ, DN sẽ giảm được 1% tương đương với khoảng 5.400 tỉ sẽ giảm trong 1 năm. Nếu quỹ này trở về cân bằng chúng ta tiếp tục thực hiện lại theo quy định pháp luật”, ông Lợi nói.

Các tin khác