Điều hòa van tín dụng

(ĐTTCO) - Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đạt 6,53% là mức cao so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng trưởng GDP lại sụt giảm, cho thấy tín dụng không hoàn toàn chảy vào sản xuất kinh doanh. 
Điều hòa van tín dụng
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm, nhiều quan điểm cho rằng cần nới tăng trưởng tín dụng 1-2% trong năm nay, nâng mức trần tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 19-20%. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính, NH về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao những tháng qua cho thấy điều gì, thưa ông?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trước hết, tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm là tín hiệu tích cực, tức tăng trưởng tín dụng dàn trải cho cả năm, không tăng dồn vào những tháng cuối năm như thường lệ. Đến cuối năm nếu vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 18% như NHNN mong muốn là điều tốt.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH phải đạt được những yêu cầu về định tính. Theo đó, tăng trưởng tín dụng phải thực chất, tín dụng đó phải đi vào đúng địa chỉ là phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm, góp phần vào tăng trưởng GDP.

 Với một nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào tín dụng NH như hiện nay, việc nâng trần tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng là cần thiết. Nhưng trước khi quyết định nâng trần tín dụng lên, cần tính toán cụ thể tác động của tăng tín dụng với tăng GDP. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, luồng tín dụng tăng thêm phải chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thêm GDP.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng phải an toàn. Bởi nếu các NH chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng để đạt chỉ tiêu, kiếm lời, không quan tâm đến quản lý rủi ro, dù trước mắt có thể tăng trưởng tốt, nhưng những năm sau họ sẽ phải trả giá cho tăng trưởng không thực chất đó. Trong những tháng còn lại của năm nay, đà tăng trưởng tín dụng chắc chắn sẽ cao hơn, nhưng để tăng trưởng tín dụng bền vững hoạt động tăng trưởng tín dụng của các NH phải đáp ứng được các yêu cầu trên.

Về nghịch lý tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng GDP 5 tháng đầu năm, cho thấy dòng tiền vẫn chưa trực tiếp vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm mới, đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Chẳng hạn các NH cho vay mua nhà, nhưng tòa nhà đó đã được xây dựng từ lâu, nên hoạt động cho vay của NH chỉ phục vụ cho việc mua đi bán lại. Do vậy có tăng trưởng tín dụng cũng không đóng góp vào tăng GDP. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm cũng phân bổ nhiều vào xuất nhập khẩu, con số thâm hụt thương mại 2,5 tỷ USD trong 5 tháng phần nào cho thấy điều này. Trong khi đó xuất nhập khẩu là lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp trong đóng góp vào tăng trưởng GDP. 

- Có ý kiến đề nghị nên nới trần tín dụng năm nay của hệ thống NH lên 1-2%, nâng trần cả năm đạt khoảng 19-20%. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Nếu tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH dựa trên nhu cầu để tăng sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng GDP là chính đáng. Nhưng cũng cần phải làm rõ việc tại sao tín dụng phải tăng trưởng thêm 1-2%, và tăng lên như vậy nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP lên bao nhiêu.
Chính phủ đang mong muốn đạt tốc độ tăng GDP 6,7% trong năm nay và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% NHNN đề ra cho cả năm đến nay vẫn còn dư địa. Nên nếu nới tăng trưởng tín dụng thêm 1-2% sẽ tác động thế nào đến ổn định kinh tế vĩ mô cần được làm rõ trước khi quyết định. Bởi tăng trưởng tín dụng cao trong 5 tháng qua chưa hoàn toàn phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP.

- Theo số liệu NHNN, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng qua chủ yếu đến từ cho vay ngắn hạn (gần 13% so với 4,72% vay dài hạn), như vậy có bền vững, thưa ông?

- Tăng trưởng tín dụng ngắn hạn trong 5 tháng đầu năm nay đạt 12,99%, trong khi tăng cho vay dài hạn chỉ đạt 4,72%, cho thấy quá trình tăng trưởng tín dụng chưa thật sự bền vững. Hoạt động vay ngắn hạn thường phục vụ cho mua sắm nguyên vật liệu, đẩy mạnh bán hàng tồn kho để thu hồi dòng tiền của doanh nghiệp. Còn tín dụng cho vay dài hạn chủ yếu phục vụ hoạt động đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, hoặc doanh nghiệp vay để phục vụ mua sắm trang thiết bị.
Trong chu kỳ 12 tháng, hoạt động cho vay ngắn hạn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là phù hợp. Quy định về hoạt động NH cũng không bắt buộc tăng trưởng tín dụng dài hạn, mà kết hợp giữa vay ngắn hạn và vay dài hạn. Trong hoạt động NH có khái niệm cho vay bổ sung vốn huy động, nên tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay ngắn hạn cao không có gì đáng ngại.

- Trong bối cảnh nợ xấu hệ thống NH chưa được xử lý triệt để có nên bơm thêm tín dụng để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP?

- Xử lý nợ xấu và tăng trần tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP là 2 phạm trù riêng biệt, dù nó liên quan đến nhau. Chẳng hạn, nợ xấu còn quá cao các NH nên tập trung vào xử lý nợ xấu, thay vì đeo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Đây là 2 khâu khác biệt về cách đóng góp cho nền kinh tế.
Nợ xấu là nợ đã được thực hiện, các NH cần tập trung xử lý để giảm thiệt hại cho nền kinh tế. Mặt khác các NH vẫn phải hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng. Nhưng thực tế không bắt buộc khi hệ thống NH nợ xấu nhiều phải giới hạn mức độ tăng trưởng tín dụng, 3 mục tiêu này có thể song hành với nhau.

Nền kinh tế đang cần bơm thêm tín dụng để phát triển, hỗ trợ tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, phục vụ tăng trưởng xuất khẩu, hay phát triển hạ tầng cơ sở. Tức nền kinh tế cần nhiều tín dụng hơn bởi tăng trưởng GDP đang dựa rất nhiều vào tăng tín dụng.

- Nếu tăng tín dụng vào nền kinh tế, chúng ta có lo ngại lạm phát cao sẽ quay trở lại, gây bất ổn vĩ mô như trước đây, thưa ông?

- Đó là rủi ro phải chấp nhận khi đẩy tín dụng ra sẽ làm tăng lạm phát, vì một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào lưu thông. Vì thế, việc điều hòa van tín dụng sao cho kiểm soát được lạm phát là rất quan trọng. Hơn nữa nếu tăng tín dụng chảy quá nhiều vào BĐS sẽ có nguy cơ gây ra bong bóng như đã xảy ra mấy năm trước. Luồng tín dụng đi vào thị trường BĐS tạo thanh khoản tốt nhưng nó là thanh khoản ảo.
Và nếu bong bóng BĐS nổ ra không chỉ thiệt hại cho thị trường này, mà còn thiệt hại cho chính hệ thống NH. Hệ quả của giai đoạn trước đây để lại là gần 10% dự nợ hệ thống NH hiện nay có nguy cơ trở thành nợ xấu.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác