Điện than đi ngược phát triển kinh tế xanh

(ĐTTCO) - Việc Bộ Công Thương lựa chọn nhiệt điện than đưa vào Quy hoạch Điện VII, được ví như đi ngược với thông điệp phát triển kinh tế xanh mà người đứng đầu Chính phủ từng đưa ra. Và thực tế thời gian đã chứng minh nhiệt điện than không hề “ngon, bổ, rẻ” như vẫn nghĩ...

Điện than đi ngược phát triển kinh tế xanh
Đâm lao phải theo lao?
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến thực trạng phát triển nhiệt điện than hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết theo báo cáo của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty than Đông Bắc, 2 đơn vị cung cấp than chính cho nhiệt điện, do năm 2018 lượng nước thiếu hụt, ảnh hưởng đến thủy điện, trong khi giá than thế giới tăng nên một số doanh nghiệp không mặn mà trong việc nhập khẩu.
 Lấy trường hợp các nhà máy nhiệt điện than ở Vĩnh Tân (Bình Thuận) làm thí dụ điển hình cho những hệ lụy trên. Trung Quốc đã ngừng sản xuất nhiệt điện từ mấy năm nay rồi, bởi vậy lực lượng công nhân của họ làm việc trong lĩnh vực này không còn việc làm nữa, nên họ buộc phải đưa ra nước ngoài, mà gần nhất là đưa sang Việt Nam. Đây là vấn đề rất đáng lo. 
PGS.TS Ngô Quốc Bưu 
Ông Hải cho hay trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ phương án nếu không đủ than phải nhập khẩu nhằm đảm bảo đủ điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Lời giải thích của ông Đỗ Thắng Hải được đưa ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ cách chức lãnh đạo Bộ Công Thương và ngành điện, nếu để xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019. Câu chuyện trên đã làm vỡ òa những uẩn khúc lâu nay của ngành điện vốn dĩ đã quá nhiều những điều tiếng. 
Nhìn lại, tại Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 18-3-2016, về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 và xét đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh), đã định hướng khá rõ giữa các nguồn năng lượng cung cấp điện. Theo đó, đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.
Trên cơ sở đó, theo Quy hoạch VII (điều chỉnh) của Bộ Công Thương, dự kiến vào năm 2020, cơ cấu nguồn điện cả nước sẽ là 60.000MW và tăng lên 129.500MW vào năm 2030, tương ứng với điện năng thương phẩm tăng từ 235 tỷ kWh vào năm 2020 lên 506 tỷ kWh vào năm 2030. 
Đáng chú ý, tại Quyết định 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng ký ngày 21-7-2011, về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 và xét đến năm 2030, dự kiến đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành vào năm 2020, và đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).
Tuy nhiên, tháng 11-2016, Quốc hội thông qua chủ trương dừng thực hiện dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600MW). Thêm vào đó, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch, hoặc chưa có chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư ban đầu cho các dự án năng lượng tái tạo tốn kém (điện gió, điện mặt trời), vốn ODA của Việt Nam bị cắt giảm... Kết quả, nhiệt điện than được lựa chọn để đưa vào quy hoạch như một lĩnh vực chủ đạo, dù rằng nhiều ý kiến lo ngại đây sẽ là một sự đánh đổi về môi trường Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai gần.
Sau thời gian dài xuất khẩu lượng lớn than đá, Việt Nam đang phải mua than về với giá đắt gần 3 lần, chủ yếu từ Trung Quốc. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 8,4 triệu tấn than, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đang khiến dư luận lo ngại về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, và những cảnh báo về mất quyền kiểm soát an ninh năng lượng quốc gia không hẳn là không có cơ sở.

Hệ lụy môi trường
Điều khiến dư luận quan tâm hiện nay là vấn đề môi trường có thể bị hủy hoại, khi đưa nhiệt điện than vào trong Quy hoạch điện VII. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, PGS.TS Ngô Quốc Bưu, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), cho rằng khi phát triển nhiệt điện than, cái mất về môi trường của Việt Nam sẽ nhiều hơn.
Nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất các chất gây ô nhiễm môi trường không khí, gồm bụi, SO2, NOx, CO và CO2. Lượng phát thải các chất ô nhiễm không khí do nhiệt điện than gây ra được dự báo tăng liên tục đến năm 2030. 
“Điều nguy hiểm ở đây là phát thải SO2 và NOx từ nhiệt điện than là một nguyên nhân gây ra mưa và lắng đọng axit, có thể tàn phá rừng và các hệ sinh thái nông nghiệp. Nhiệt điện than phát thải bụi siêu nhỏ PM2.5, PM5.0, là loại bụi cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Các chất ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than thải ra có thể được gió lan truyền đi xa hàng chục và có khi hàng trăm cây số, ảnh hưởng tới các vùng lân cận” - PGS.TS Ngô Quốc Bưu nói.  
Cũng theo PGS.TS Ngô Quốc Bưu, không chỉ gây tác hại về không khí, nhiệt điện than ảnh hưởng nặng nề và lâu dài về nguồn nước và đất bởi nguồn nước thải và chất thải rắn.
“Hoạt động sản xuất điện than yêu cầu lượng nước rất lớn cho quá trình làm mát thiết bị. Một nhà máy điện than với công suất 1.200MW, trung bình cần khoảng 4,7 triệu m3 nước/ngày đêm cho hoạt động làm mát thiết bị, gấp khoảng 4 lần nhu cầu tiêu thụ nước của Hà Nội được quy hoạch vào năm 2020; đồng thời thải ra môi trường lượng nước tương tự với nhiệt độ cao hơn khoảng 80oC so với nước đầu vào. Sự gia tăng đột ngột nhiệt độ nước sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt đối với các sinh vật sống dưới nước, gia tăng các loài thủy tảo độc và giảm nồng độ oxy hòa tan (DO) trong nước, gây nên hiện tượng tẩy trắng san hô, gây thiệt hại cho các bãi nuôi trồng thủy hải sản” - PGS.TS Ngô Quốc Bưu dẫn chứng.
PGS.TS Ngô Quốc Bưu cho rằng, khâu xử lý chất thải rắn cho các nhà máy nhiệt điện than cũng là vấn đề rất khó khăn. Nếu theo Quy hoạch Điện VII, diện tích đất cần thiết để lưu chứa lượng chất thải rắn từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ tăng lên 1.634ha năm 2020 và 2.840ha năm 2030, số chất thải rắn này nếu không chôn lấp ở đất liền thì phải nhận chìm ngoài biển, đều gây ô nhiễm.

Các tin khác