Dễ thất thoát đổi đất lấy hạ tầng

(ĐTTCO) - Hàng chục ngàn hecta đất đô thị đang được Hà Nội đề xuất đổi cho nhà đầu tư tư nhân để xây dựng các công trình hạ tầng đường sắt, hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm để giảm ùn tắc giao thông...
 Theo TS. HUỲNH THẾ DU, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đây là hình thức đổi đất lấy hạ tầng, tuy không mới nhưng đang bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến lợi ích của Nhà nước bị thất thoát.
PHÓNG VIÊN: - Hình thức đầu tư BOT thời gian qua đã tồn tại nhiều bất cập về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan, vậy ông nhìn nhận thế nào về xu hướng đầu tư BT hiện nay?

Dễ thất thoát đổi đất lấy hạ tầng ảnh 1
TS. HUỲNH THẾ DU: - Hình thức đầu tư BOT không minh bạch nhưng nguồn thu của nó là từ dự án, việc kiểm soát hiệu quả còn dễ. Với dự án BT đổi đất lấy hạ tầng càng không minh bạch. Theo quan điểm của tôi, chỉ những dự án BT có công trình gắn trực tiếp với quỹ đất đổi hạ tầng, thành công của mảnh đất gắn liền với thành công của hạ tầng mới nên làm BT.
Còn đất một nơi công trình BT một nẻo không nên đầu tư theo BT. Thí dụ, 20 năm trước dự án BT kết hợp BOT xây dựng đường Nguyễn Văn Linh và phát triển Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TPHCM đã thành công do nó gắn được trách nhiệm nhà đầu tư tư nhân. Có nghĩa đường Nguyễn Văn Linh phải thành công, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng mới phát triển được, đất đai ở Phú Mỹ Hưng mới có giá. Đây là kiểu dự án hạ tầng gắn với đất. 

Còn kiểu dự án BT đất một nơi, hạ tầng một nẻo thực ra không đúng bản chất BT, mà thuộc dạng “hàng đổi hàng”, có nghĩa nhà đầu tư xây cho Nhà nước một con đường, thay vì trả bằng tiền Nhà nước trả bằng đất. Dạng BT này có khả năng 2 lần không minh bạch, do chỉ định thầu công trình BT kèm theo một số quyền ưu đãi.
Thứ nhất, khi chỉ định thầu bình thường đã có vấn đề rồi, nhưng ở đây nhà đầu tư được quyền quyết từ thiết kế, thi công, làm dự toán... theo quy trình dự án của nhà đầu tư xây dựng, nên rất khó khẳng định dự án đó 100 tỷ hay 1.000 tỷ đồng. 

 Thực tế nhiều nước trên thế giới cho thấy, số lượng dự án PPP thất bại luôn nhiều hơn dự án thành công. Với hình thức hợp đồng BT rủi ro lớn hơn hợp đồng BOT nhiều lần. Thất thoát trong dự án BT sẽ lớn hơn rất nhiều nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ và minh bạch được trách nhiệm giải trình của các bên liên quan. 
Thứ hai, khi cơ chế định giá tù mù với dự án hạ tầng, thì đất đối ứng giao cho nhà đầu tư để đổi giá trị hạ tầng đa phần định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Cơ chế tù mù đồng nghĩa môi trường dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Do vậy người dân có quyền nghi ngờ giá trị đổi chác trên thực tế có thể khác với đổi trên giấy tờ, nghĩa là ngoài những thỏa thuận trong hợp đồng, rất có thể nhiều điều khoản được thực hiện “dưới gầm bàn”. Điều này khiến một nguồn lực lớn thuộc sở hữu toàn dân là đất đai bị thất thoát vào tay một số ít người được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển chính nguồn lực đó.  

- Nhưng vì sao hầu hết dự án BT đều được chỉ định thầu, thay vì tổ chức đấu thầu cạnh tranh lựa chọn nhà đầu tư, thưa ông?

- Vấn đề ở đây là không đủ độ minh bạch, khiến PPP nói chung và BT nói riêng là mảnh đất lý tưởng cho quan hệ thân hữu, tức hình thành lợi ích nhóm trong đầu tư BT. Thường các công trình giao thông đầu tư theo PPP giao thông có tính chất đặc thù nên rất dễ có cớ để chỉ định thầu, và không ai đảm bảo được quá trình chỉ định nhà đầu tư minh bạch. 

Thực tế của các nước trên thế giới, để làm PPP nói chung hay làm BT và BOT nói riêng phải có 2 điều kiện cơ bản là năng lực của Nhà nước và minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư. Nghĩa là Nhà nước phải có năng lực thẩm định dự án, phân tích dự án có nên làm hay không. Nhà nước cần chọn ra nhà đầu tư BOT, BT đúng nghĩa, có thể xây được đường, cơ sở hạ tầng.
Về góc độ minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lựa chọn nhà đầu tư có rất nhiều thứ phải xem lại. Nếu nhìn vào điều kiện thực hiện dự án PPP chúng ta không đủ cả 2 điều kiện trên. Chưa kể việc cán bộ có năng lực cũng không có động cơ để làm cho đúng năng lực, rất dễ dẫn đến sự bắt tay giữa các bên.

- Theo ông có cần tách bạch giữa quỹ đất và công trình BT để thực hiện đấu giá quỹ đất huy động vốn và đấu thầu công trình BT để lựa chọn nhà đầu tư?

- Cách làm này chỉ phù hợp với những công trình BT theo kiểu hàng đổi hàng, giá trị khu đất không liên quan đến giá trị công trình BT. Còn với công trình BT gắn liền với quỹ đất, giá trị quỹ đất gắn với giá trị công trình BT rất khó làm.
Bởi lẽ khi 2 thứ này gắn liền với nhau nhà đầu tư tư nhân có động lực để làm công trình BT đúng tiến độ. Ngược lại giá trị quỹ đất không gắn với công trình BT, nhà đầu tư không có động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, không có động cơ tiết giảm chi phí đầu tư. 

- Chúng ta có thể rút ra điều gì khi nhìn vào kinh nghiệm thực hiện các dự án PPP nói chung, BT nói riêng tại các quốc gia trên thế giới, thưa ông?

- Cuối thập niên 1980, đầu 1990, các nước Mỹ Latin rất hồ hởi với đầu tư PPP, họ tưởng đó là một cách thức tư nhân hóa, giao cho thị trường làm. Họ triển khai thực hiện hàng loạt công trình BT, BOT, BOO trong các lĩnh vực điện, đường, trường, trạm và cấp thoát nước.
Nhưng họ đã không đề phòng vấn đề quan hệ thân hữu, độc quyền trong đầu tư, khai thác các công trình hợp tác công tư này. Thí dụ, xây đường độc đạo dẫn đến xảy ra nhiều trục trặc khiến nhà nước phải quốc hữu hóa rất nhiều công trình PPP. Nếu Việt Nam không làm khéo các dự án PPP cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn như vậy. 

Kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới, phần lớn nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng là từ ngân sách. Tại Việt Nam trong mấy chục năm qua đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ nguồn ngân sách cũng không thấp, tỷ lệ chi cho đầu tư rất cao nhưng sử dụng kém hiệu quả.
Và phải khẳng định ngân sách vẫn là nguồn cơ bản để phát triển hạ tầng bên cạnh các hình thức đầu tư PPP như BT, BOT, BTO… Rất tiếc cơ chế hiện nay làm cho sử dụng ngân sách kém hiệu quả. Giải pháp tốt nhất là phải nâng cao hiệu quả chi tiêu công.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác