Đẩy mạnh xử lý nợ xấu và cổ phần hóa doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Dù đối mặt nhiều khó khăn Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Đây cũng là vấn đề tiếp tục được thảo luận tại hội trường ngày 9-6 tới.
  Trao đổi với ĐTTC về triển vọng hoàn thành kế hoạch năm nay, ông ĐỖ VĂN SINH (ảnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá:
Tôi đồng tình với nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. Nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017, mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Tôi cho rằng nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, chưa bền vững. Nhiều dự án lớn triển khai chậm nhiều năm nay và đó là một tồn tại cần khắc phục. Giải ngân đầu tư công năm nào cũng chậm, nhiều dự án đến nay chưa được giải ngân như cao tốc Bắc - Nam, chống ngập TPHCM. Giải pháp giải phóng mặt bằng để xây sân bay quốc tế Long Thành đến giờ này vẫn chưa có hồ sơ chuyển sang trình Quốc hội để triển khai…
Đó là những tác động đến tăng trưởng GDP, và thực tế báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, sớm đưa vào sử dụng.

PHÓNG VIÊN: - Một trong những giải pháp Bộ Kế hoạch - Đầu tư từng kiến nghị, là để đảm bảo tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong ngắn hạn cần tăng khai thác dầu. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông ĐỖ VĂN SINH: - Năm nay, theo kế hoạch đầu năm chúng ta sẽ giảm hút dầu khoảng 3 triệu tấn và đến nay chưa có giải pháp cụ thể tăng. Theo tôi đó là giải pháp cần cân nhắc vì tài nguyên có hạn, điều quan trọng hơn cả là cần những giải pháp để khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất.
Thí dụ, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp là giải pháp tốt và nếu triển khai hiệu quả sẽ đạt 2 mục tiêu: tăng năng lực sản xuất nông nghiệp, tăng chuỗi giá trị sản xuất và đó cũng là giải pháp tăng GDP.

- Thưa ông, để thúc đẩy tăng trưởng có cần phải nới tín dụng. Và nếu vậy ông có lo ngại dòng vốn tín dụng lại đổ vào lĩnh vực bất động sản?

- Số liệu 4 tháng đầu năm cho thấy cả nước có hơn 1.390 DN thành lập kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, tăng đến 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tôi đồng tình với quan điểm là cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về bong bóng bất động sản như thời gian trước đây. 

- Trong khi Chính phủ, Quốc hội đang bàn các giải pháp làm sao để đạt tăng trưởng GDP 6,7%, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo chúng ta không nên tự trói mình vào mục tiêu tăng trưởng và nên ưu tiên việc ổn định kinh tế vĩ mô. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Đúng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ lúc này là ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản cho DN. Nhưng trước hết cần tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu và cổ phần hóa DNNN. Bởi lẽ, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN hiệu quả thấp thời gian qua chậm do sự thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu doanh nghiệp, cũng như tâm lý chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN.
Bên cạnh đó, như nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nợ xấu cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. 

Về vấn đề nợ xấu, để giải quyết được phải có sự chung sức của cả xã hội. Ngân hàng là đối tác với DN và họ cũng không muốn xảy ra nợ xấu. Nguyên nhân phát sinh nợ xấu phần nhiều do khách quan, do những rủi ro từ khách hàng và khách hàng không trả được nợ do đối mặt với khó khăn từ thị trường, nền kinh tế. Vì thế, khi đã xảy ra rồi cần phải có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Hiện nay, khi hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh đầy đủ, việc ban hành một nghị quyết về vấn đề này là cần thiết trước khi có một hành lang pháp lý đầy đủ về vấn đề này. Nợ xấu thường tồn tại dưới 2 dạng: có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo. Quan trọng nhất là xử lý các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản, đất đai, máy móc, nhà xưởng…
Đặc biệt, cần tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai vì tài sản này đụng chạm đến rất nhiều quan hệ không dễ giải quyết. Tôi đồng tình với quy định đưa ra tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội sắp tới cho phép tổ chức tín dụng được giữ tài sản đảm bảo nếu không có khiếu kiện và đáp ứng các điều kiện, như bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; giao dịch bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật…

- Xin cảm ơn ông.
Để đạt được tăng trưởng 6,7%, tôi nghĩ chúng ta cần sử dụng hiệu quả nguồn lực đang có và sẽ có. Hai điểm cần triển khai mạnh là xử lý nợ xấu đang tồn đọng mấy chục tỷ USD. Nếu khơi thông được nguồn vốn này sẽ mang lại hiệu quả tốt. Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa DN theo chủ trương Đảng, Chính phủ. Hai nguồn lực quan trọng này nếu được khơi thông, tôi nghĩ sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng.

Các tin khác