Đất vàng bị xoắn trong đền bù giải tỏa, thủ tục

(ĐTTCO) - TPHCM từ lâu đã có chủ trương đấu thầu các khu đất vàng tại những vị trí đắc địa ngay trung tâm, nhằm chọn nhà đầu tư phát triển khu phức hợp thương mại cao cấp.

Tuy nhiên, kết quả đến nay rất ít nhà đầu tư tham gia. Vì sao?

Nhiều dự án xin trả lại


Tính đến nay, trong số 28 khu đất vàng có tổng diện tích gần 855.000m2 được TPHCM chọn đưa ra đấu thầu, chỉ 4 khu đất (hơn 9.5000m2 đã có nhà đầu tư, tuy nhiên cũng chỉ thông qua hình thức “chọn mặt gửi vàng”. Cụ thể, khu đất vàng 66-68-70 đường Lê Thánh Tôn (Sở Giáo dục - Đào tạo), Eden (giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ) và 25 bis Nguyễn Thị Minh Khai.

Bên cạnh 3 khu đất này, còn khoảng 5 khu nữa đang trong quá trình triển khai xây dựng kế hoạch đấu thầu chọn nhà đầu tư. Một số chuyên gia cho rằng, hơn 10 năm qua nhưng TP chỉ đấu thầu được có 4 khu đất vàng là không hiệu quả, chưa mang lại nguồn thu thông qua đấu thầu cao cho ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý có những khu đất vàng bán đấu giá nhiều lần không có người mua, hoặc có nhà đầu tư đã trúng thầu nhưng sau đó trả lại. Chẳng hạn khu đất 23 Lê Duẩn nằm trong lõi trung tâm TP với 2 mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du rộng 3.300m2. Khu đất này được Công ty Tân Hoàng Minh đấu giá thành công trong phiên đấu giá ngày 23-6-2015 với 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong lịch sử các cuộc đấu giá đất đai ở địa bàn TP. Tuy nhiên, mới đây Tân Hoàng Minh đã làm đơn trả lại cho TP khu đất vàng này.

 Toàn bộ các khu đất vàng phải được công khai trên các phương tiện truyền thông để mọi người, mọi tầng lớp được biết. Càng công khai sẽ càng bớt nhạy cảm. Song song đó, thành viên trong hội đồng đấu thầu ngoài các sở ban ngành TP, cần có sự tham gia của những thành phần khác ở vị trí độc lập, chẳng hạn như những nhà dân tộc học, xã hội học, lịch sử học, kiến trúc, nằm ngoài ban ngành nhà nước.
Phan Thị Thắng,
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM


Trong khi đó, một số nhà đầu tư nước ngoài sau khi “giành giật” nhau để có được khu đất vàng, nhưng gần đây lại tỏ ra không còn mặn mà nữa. Đó là trường hợp Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - Indochina Group xin trả lại dự án đầu tư bãi đậu xe ngầm và dịch vụ công cộng tại khu vực sân vận động Hoa Lư, quận 1.


Một khu đất vàng khác nằm tại công viên Tao Đàn (quận 1) đã được TP quy hoạch phát triển bãi đậu xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại từ lâu cũng đã được một nhà đầu tư xin trả lại do không đủ khả năng tài chính thực hiện.


Mới đây nhất, liên danh Hongkong Land và Sumitomo & Development cũng xin trả lại dự án có số vốn đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng tại khu đất vàng số 164 Đồng Khởi (quận 1) mà trước đó đã được chỉ định làm nhà đầu tư. UBND TP đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở KH-ĐT về việc xin rút khỏi dự án tại khu đất trên của nhà đầu tư này.

Nguyên nhân của việc nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư vào các khu đất vàng do dự án tại những khu đất này vấp phải khó khăn lớn nhất là đền bù giải tỏa. Đó là việc họ đã mất rất nhiều thời gian để đi đến sự thống nhất trong phương án về giá đền bù, tái định cư. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đầu tư lớn khác trên thế giới quay mặt với dự án tại khu đất vàng, dù điều kiện tài chính của họ rất cao, do gặp quá nhiều thủ tục rườm rà trong thực hiện dự án.

Đặc biệt, các khu đất vàng tại TPHCM không hề rẻ, nhưng sau khi trúng thầu nhà đầu tư không được thực hiện dự án theo ý mình mà buộc phải theo quy hoạch của TP. Chẳng hạn, có khu đất vàng đã có nhà thầu muốn xây dựng trung tâm thương mại 20 tầng, nhưng TP chỉ cho phép tối đa 15 tầng.

Một khu đất vàng tại trung tâm TPHCM được sử dụng để giữ xe.

Phải minh bạch trong đấu giá

Những khu đất vàng của TP phần lớn đều ở các vị trí đắc địa. Do vậy, khi Nhà nước kêu gọi được nhà đầu tư đánh thức những khu đất vàng sẽ làm tăng thêm các sản phẩm bất động sản như khách sạn, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, khu thương mại dịch vụ, tiện ích và các mảng xanh đô thị. Việc đầu tư vào các khu đất vàng không chỉ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, mà còn tăng thêm lợi ích cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà.

Chính vì thế, quá trình đấu giá tài sản thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều điểm cần phải thay đổi. Thí dụ, nhiều nước trên thế giới chọn chủ đầu tư thông qua phương thức đấu giá đấu thầu công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành viên tham gia đấu thầu. Trong khi đó, chúng ta lại chủ yếu chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định. Cách làm này cần phải thay đổi, nếu không sẽ khó thu hút nhà đầu tư tham gia bởi nó giảm tính cạnh tranh và khó tìm được doanh nghiệp mạnh.

Trên thực tế, còn rất nhiều góc khuất trong đấu giá đất vàng khiến nhà đầu tư nản lòng. Chuyên gia bất động sản Đặng Hùng Võ chỉ rõ sự nhũng nhiễu về “quân xanh quân đỏ” khi chính quyền chỉ cung cấp thông tin cho một tổ chức nào đó, rồi tổ chức đó sẽ là “quân xanh”, chính quyền là “quân đỏ”, sau đó ém thông tin để thắng. Đây là hình thức mang tính gian dối về mặt thông tin, để tránh cạnh tranh trong đấu giá. 

Đồng quan điểm này, GS. Nguyễn Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng mặc dù hiện nay có quy định về đấu giá, nhưng việc công bố thông tin đấu giá không đầy đủ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch. Nói là tổ chức đấu giá nhưng hội đồng đấu giá chỉ nhắn gửi thông tin cho một số doanh nghiệp thân quen.

Mặc dù có hội đồng nhưng đấu giá chỉ là hình thức, mua bán cho ai, với giá nào đã được quyết định rồi. Và chỉ có một số doanh nghiệp được ưu đãi chiếm được món đấu giá tốt. Vấn đề này dẫn đến thất thoát nguồn thu, tiêu cực, các nhóm lợi ích lợi dụng để trục lợi, những khu đất vàng được mua với giá rẻ mạt.

Các tin khác