Đạt kỷ lục để làm gì?

(ĐTTCO) - Trong quý I-2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 7,71  tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số kỷ lục trong thu hút đầu tư FDI những năm qua. Nhưng kỷ lục này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu mục tiêu chuyển giao công nghệ và kết nối giữa khu vực DN trong nước với khu vực đầu tư FDI không đạt được.

(ĐTTCO) - Trong quý I-2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 7,71  tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số kỷ lục trong thu hút đầu tư FDI những năm qua. Nhưng kỷ lục này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu mục tiêu chuyển giao công nghệ và kết nối giữa khu vực DN trong nước với khu vực đầu tư FDI không đạt được.

Vốn FDI tăng kỷ lục

Công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI chủ yếu do lợi ích của nhà đầu tư, nên mới có tình trạng gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhiều khí các-bon. Nguy cơ chính quyền một số tỉnh, thành phố và Ban quản lý KKT, KCN chưa chú ý nâng cao năng lực thẩm định để lựa chọn dự án FDI công nghệ cao, hiện đại gắn với chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện có hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới. Không ít trường hợp do dễ dãi trong việc thẩm tra năng lực nhà đầu tư nên đã nhập khẩu máy móc, thiết bị qua sử dụng, lạc hậu, đã bị thải loại ở nước ngoài.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI

Lượng vốn giải ngân 3 tháng đầu năm cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực, ước đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Cũng trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký 2,91 tỷ USD, tăng 6,5%; có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 3,94 tỷ USD, tăng 206,4%; 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư FDI với tổng giá trị góp vốn 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016.

Số vốn đăng ký đầu tư và vốn giải ngân của khu vực FDI tăng ấn tượng nhờ các dự án đầu tư lớn của các nhà đầu tư truyền thống như Tập đoàn Samsung, Coca-Cola, VSIP…

Trong đó, Samsung đầu tư dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; Coca-Cola đầu tư dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD; VSIP đầu tư dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD tại Bình Dương; Công ty TNHH Polytex Far Eastern tăng vốn đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester tại Bình Dương thêm 485,8 triệu USD.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhà đầu tư FDI mới như dự án Nhà máy Sản xuất tole panel 269,54 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công, sản xuất các sản phẩm tole panel, inox chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; dự án nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam 220 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh; dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 220 triệu USD do nhà đầu tư Kolon Industries Inc đầu tư tại Bình Dương.

Có được kỷ lục thu hút đầu tư FDI, theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là do cú hích về chính sách. Đó là việc ban hành Luật DN và Luật Đầu tư 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường của DN FDI.

Trong 2 năm 2015-2016, hơn 90% DN FDI có được các giấy phép cần thiết để đi vào hoạt động chỉ trong 3 tháng, trong đó khoảng 40% đi vào hoạt động chỉ trong 1 tháng. Đây là sự cải thiện mạnh mẽ so với 5 năm trước.

 Phải ràng buộc DN FDI

Kỷ lục thu hút đầu tư FDI ấn tượng trong quý I là tín hiệu tích cực với nền kinh tế. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết nhà đầu tư FDI đến Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, chi phí thuê nhà xưởng thấp và hàng loạt ưu đãi về thuế.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hơn 80% DN FDI đầu tư tại Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, khoảng 5-6% sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến so với mục tiêu 35-40% nhà đầu tư FDI sử dụng công nghệ cao mà chúng ta đề ra.

 

Để chuyển giao công nghệ gắn với FDI đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, cần chú trọng cả chính sách thu hút FDI và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia; thiết lập quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa DN FDI, nhất là TNCs với DN trong nước về chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thông qua nhiều phương thức với tiền đề nâng cao năng lực tiếp nhận, đổi mới công nghệ của DN Việt Nam.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, cần sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản pháp luật liên quan theo hướng bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ và chỉ thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được thực hiện có kết quả.

Theo các chuyên gia, để thu hút có hiệu quả và chất lượng hơn cần lưu ý 4 vấn đề. Thứ nhất, chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại của từng TNCs và việc điều chỉnh chiến lược để thích ứng với trạng thái của kinh tế thế giới và các quốc gia. Thứ hai, công khai, minh bạch về luật pháp, giảm thiểu thời gian tiến hành các thủ tục hành chính và chi phí cơ hội; loại bỏ chi phí bôi trơn, tham nhũng.

Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tư do (FTA) mới liên quan đến đầu tư với những quy định khắt khe, cao hơn và phạm vi rộng hơn. Thứ tư, đổi mới cách làm từ xúc tiến đầu tư đến thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án và hỗ trợ nhà đầu tư khi gặp khó khăn.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, mục tiêu quan trọng nhất của dòng vốn FDI là chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5% công nghệ cao, 15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông nên tạo ra giá trị gia tăng chỉ 20%, còn giá trị nội địa chỉ 10%.

Do vậy cần chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút vốn FDI theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường. Đặt hiệu quả tổng thể cao, góp phần tích cực tăng tiềm lực và nội lực kinh tế đất nước; khắc phục, phòng tránh nguy cơ khu vực FDI lấn át khu vực kinh tế trong nước.

Các tin khác