Dang dở mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế

(ĐTTCO) - Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo sơ kết kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020.
TTCK lên xuống thất thường đã gây khó cho DNNN thoái vốn, đơn cử là trường hợp của PVGas.
TTCK lên xuống thất thường đã gây khó cho DNNN thoái vốn, đơn cử là trường hợp của PVGas.
Kết quả cho thấy, tuy còn 2 năm nữa nhưng rất nhiều mục tiêu của 3 trọng tâm tái cơ cấu đang còn dang dở và được xác định khó hoàn thành vào năm 2020.
Chưa đáp ứng chất lượng
Đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện cơ cấu lại DNNN, DN có vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020, cho thấy trong 9 mục tiêu định lượng và định tính có 6 mục tiêu khó hoàn thành, 1 mục tiêu hoàn thành, 2 mục tiêu khả năng hoàn thành. Về 6 mục tiêu khó hoàn thành: Thứ nhất, thoái toàn bộ vốn khỏi các DNNN tại các ngành Nhà nước không cần nắm giữ trên 50% vốn.
Thứ hai, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành cần sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Thứ ba, xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Thứ tư, nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thứ năm, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN. Thứ sáu, phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN.
 Tình trạng lãng phí, thất thoát, chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được giải quyết triệt để; các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thu hút được nguồn vốn nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng. 
Về các mục tiêu có khả năng hoàn thành chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công, cắt giảm cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội năm 2016, 2017 giảm xuống tương ứng còn 37,5% và 35,7%, tiến sát mục tiêu đã đề ra đến năm 2020 (31-34%). Hiệu quả đầu tư có cải thiện, thể hiện qua chỉ số ICOR của nền kinh tế giảm xuống còn mức 6,42 năm 2016, và 6,11 vào năm 2017. 
Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, nhìn chung các mục tiêu về chất của quá trình cơ cấu lại DNNN đang tiến triển chậm. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực DN có vốn nhà nước đang có xu hướng giảm sút trong các năm gần đây (tỷ suất lợi nhuận của toàn khối DNNN 100% vốn nhà nước, ROE giảm trong giai đoạn 2012-2016 còn 39%, ROA giảm 30%), chưa tương xứng với nguồn lực DNNN đang nắm giữ.
Mô hình quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, chất lượng CPH và thoái vốn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Việc cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả của các DNNN còn chậm.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại đầu tư công vẫn còn hạn chế. Cụ thể, ở khâu lập, thẩm định, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư; việc giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công còn chậm trễ; theo dõi, đánh giá các dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa đồng bộ và chưa được coi trọng, không rút được kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các dự án đã hoàn thành cho việc lựa chọn các dự án mới… Bên cạnh đó, cơ cấu lại đầu tư công chưa gắn chặt chẽ với định hướng cơ cấu lại các ngành kinh tế và cơ cấu lại ngân sách nhà nước. 

Sở hữu chéo còn tinh vi, khó xử lý
Theo đánh giá, việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện thực chất hơn, lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Số nợ xấu được xử lý năm 2017 khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016.
Tỷ lệ nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) giảm mạnh, chiếm dưới 30% tổng số nợ xấu được xử lý trong năm 2017. Cơ cấu tín dụng dịch chuyển tích cực, tập trung vào sản xuất - kinh doanh, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 là 77,8%), và giảm dần vào lĩnh vực bất động sản, còn 15,8% tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%).
Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế và phát triển thị trường vốn trung, dài hạn còn chậm, dẫn đến hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cấp vốn chính của nền kinh tế. Tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao và có chiều hướng gia tăng trong các năm 2016, 2017, 2018 do tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP. Trong hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu còn lớn so với mục tiêu đề ra, là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, tạo lực cản đối với các TCTD hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho DN. 
Tình trạng sở hữu chéo các TCTD đã được xử lý bước đầu. Số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp (bao gồm cả cặp tăng thêm do quá trình sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín).
Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và DN đã giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP An Bình) với tỷ lệ sở hữu nhỏ. Tình trạng 1 TCTD sở hữu cổ phần tại nhiều TCTD, hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại 1 TCTD đã giảm so với trước đây. Số TCTD có cổ đông sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ đã giảm từ 19 TCTD xuống còn 4 TCTD; cổ đông và người liên quan sở hữu cổ phần chiếm từ 20% vốn điều lệ giảm từ 11 TCTD xuống còn 2 TCTD. 
Tình hình sở hữu chéo còn phức tạp, với nhiều hình thức sở hữu tinh vi, khó phát hiện, như nhờ người đứng tên hộ nên thanh tra phải kỹ lưỡng mới phát hiện ra. Bên cạnh đó, xử lý sở hữu chéo chưa dứt điểm là do thoái vốn của cổ đông chậm do chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó.

Các tin khác