Cuộc đua quản trị doanh nghiệp lớn

(ĐTTCO) - Thời điểm cuối năm, hoạt động thoái vốn diễn ra cấp tập, sôi động với hàng loạt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) lớn được đưa ra bán. 

Sự thành công của việc bán vốn lần 2 của Tổng công ty (TCT) Đầu tư - Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang tạo động lực lớn cho phương thức thoái vốn các DN lớn thời gian tới. Đặc biệt khi mối quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) về các DN này đang rất lớn.

Hiệu ứng tích cực từ Vinamilk
Ngày 10-11, SCIC đã bán thành công toàn bộ số cổ phần chào bán, thu về hơn 8.990 tỷ đồng. Đây là lần bán vốn nhà nước lần thứ 2 tại Vinamilk với hơn 48,3 triệu cổ phần, tương ứng với 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk. Một NĐTNN đã mua toàn bộ số lượng cổ phần Vinamilk chào bán lần này của SCIC với giá trúng 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 24%. Đây có thể là thành công lớn của SCIC khi giá khởi điểm cổ phần của Vinamilk đưa ra trước đợt đấu giá này 150.000 đồng và giá khởi điểm đấu giá lần thứ nhất cuối năm 2016 là 144.000 đồng/cổ phần.
 Việc thoái vốn nhà nước tại các DN đang là cơ hội cho khối ngoại. Mặc dù tiến trình này chuyển động khá chậm, nhưng việc thoái vốn sẽ được đẩy mạnh xuất phát từ lý do DN cần cải tổ về hiện trạng sở hữu để cải tổ chất lượng quản trị. Đồng thời, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần những nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế. 
TS. Chua Hak Bin, 
Kinh tế gia khu vực Tập đoàn Maybank Kim Eng
Ngày 8-12 tới, SCIC tiếp tục bán 21,79% (tương đương hơn 96 triệu cổ phần) trong số 57,79% vốn điều lệ nắm giữ tại TCTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC, sau khi chào bán 21,79%, 36% vốn điều lệ còn lại (do đây là lĩnh vực không thuộc danh mục nhà nước nắm chi phối và nắm giữ lâu dài) SCIC sẽ tiếp tục thoái hết vốn theo lộ trình, muộn nhất trong năm 2020.
Những bước đi này là cam kết của SCIC với cổ đông và Vinaconex trong hỗ trợ để TCT thực hiện đúng theo chiến lược phát triển của DN. Thời điểm cụ thể cho đợt thoái tiếp theo sẽ được tính toán thời điểm phù hợp có lợi cho DN và giao dịch đạt kỳ vọng của SCIC. Ngoài ra, SCIC cũng đang chuẩn bị bán phần vốn nhà nước tại 4 DN trong năm nay, gồm: 37,1% vốn tại CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP), 29,51% vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP), 34,71% tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã DMC) và 5,96% CTCP FPT (mã FPT).
Về thoái vốn nhà nước tại TCTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), theo kế hoạch việc thoái vốn sẽ được hoàn tất trong tháng 12 tới. Cổ phiếu Sabeco đang là một trong những cổ phiếu được nhiều NĐT ngoại và các hãng bia lớn trên thế giới quan tâm. Hiện tỷ lệ sở hữu của Bộ Công Thương tại Sabeco 89,59% vốn điều lệ và kế hoạch dự kiến bán 53,59% cổ phần.
Theo nghị quyết của Quốc hội, năm 2017 thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, thoái vốn là 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết 9 tháng qua các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 9 tháng). Trong đó, SCIC đã bán vốn tại 28 DN với giá trị 1.522 tỷ đồng, thu về 12.428 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk thu về 11.286,4 tỷ đồng). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chính phủ đang quyết liệt tăng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn và đang chỉ đạo cố gắng phấn đấu thu đủ 60.000 tỷ đồng từ nguồn này, đảm bảo cân đối ngân sách trung ương.

Cơ hội tốt để bán vốn
Quyết tâm thoái vốn nhà nước khỏi lĩnh vực không cần nắm giữ đang được triển khai quyết liệt, thể hiện qua việc Chính phủ đã đưa ra lộ trình thoái vốn chi tiết cho từng DN. Bên cạnh 406 DN có vốn nhà nước phải bán giai đoạn 2017-2020 đã được chỉ đích danh, tỷ lệ thoái bao nhiêu nêu tại Quyết định 1232/QĐ-TTg (do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ngày 17-8-2017), những DN có vốn nhà nước lớn được thị trường đặc biệt quan tâm, như TCT Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Sabeco, TĐ Điện lực Việt Nam, TCT Cảng hàng không... cũng đã được đưa vào kế hoạch và thực hiện thoái vốn theo quyết định của Thủ tướng.
Hoạt động bán vốn, cổ phần hóa không chỉ dồn dập vào thời điểm cuối năm nay mà hứa hẹn sẽ tiếp tục kéo dài sang các năm sau. Theo kế hoạch năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 DN, trong đó có nhiều DN lớn như TCT Giấy Việt Nam, Mobi Fone… Năm 2019, dù kế hoạch cổ phần hóa chỉ 18 DN, nhưng lại có nhiều tên tuổi khá hấp dẫn như TCT Cà phê Việt Nam, TCT Bưu chính - Viễn thông, TĐ Hóa chất, TĐ Than và Khoáng sản… và giới đầu tư đang đổ dồn sự chú ý.
 Với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo; lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu; tỷ giá tương đối ổn định mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý; Nhà nước coi kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội… là những điều cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn trong thời gian tới. Cùng với đó, chủ trương và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường.
Ông Phạm Hồng Sơn
Phó Chủ tịch UBCKNN
Lãnh đạo một DN lớn từng tham dự nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài, cho biết các NĐT Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường vốn Việt Nam và là điểm đến hấp dẫn nhất để chia sẻ rủi ro, nếu có, từ thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, NĐT Nhật Bản rất tin tưởng vào quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trong các cuộc tiếp xúc, điều NĐT Nhật Bản quan tâm nhất là lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ… song họ vẫn quan ngại tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của DN Việt. Các thông tin công bố của DN không thỏa mãn được NĐT đã khiến họ ngần ngại đưa ra quyết định đầu tư. “NĐT Nhật Bản mong muốn thúc đẩy cơ chế DN lên sàn để thông tin công khai minh bạch hơn, tăng cường quản trị DN để DN hiểu rằng đó là nhu cầu tự thân hơn là yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước”- ông này nói.
Nhiều NĐTNN chia sẻ góc nhìn tích cực khi Chính phủ Việt Nam dần cởi mở trong thu hút vốn ngoại.
Cụ thể, khi thị trường mở cửa, tỷ lệ sở hữu tối đa với NĐT ngoại là 20% vào DN niêm yết, sau đó nâng lên 30%, rồi đến 49% và nay là 100% ở những DN có ngành nghề kinh doanh không hạn chế đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc thiếu độ sâu của thị trường vẫn là vấn đề đau đầu. Nhiều quỹ đầu tư lớn chia sẻ không thể đầu tư vào một thị trường mà 10 cổ phiếu lớn nhất chiếm tới hơn 50% vốn hóa và hơn 50% vẫn do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Họ có tiền và rất quan tâm, nhưng không được giải ngân khi mặt bằng chất lượng chung chưa được thay đổi đáng kể.
Điều NĐT mong nhất là Việt Nam mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại bằng việc đưa lên niêm yết nhiều DN lớn, chất lượng và thực hiện nhanh hơn tiến trình thoái vốn nhà nước tại các DN đang niêm yết. Thị trường đã tăng trưởng mạnh về lượng và bây giờ là lúc NĐT cần thị trường tăng trưởng về chất lượng hàng hóa và độ sâu thanh khoản.
Cuộc đua quản trị doanh nghiệp lớn ảnh 1 Việc EVN sẽ tiến hành thoái vốn đang nhận được sự quan tâm của NĐT. 
Sửa Nghị định 91 để bán vốn tốt hơn
Trong 2 đợt bán vốn tại Vinamilk vừa qua, SCIC đã thuê các tổ chức tư vấn định giá DN để đưa ra mức giá khác, dù Vinamilk đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu như cuối năm 2016, khi đưa ra giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đó, giá cổ phiếu Vinamilk liên tục rớt và tạo khoảng cách xa so với giá khởi điểm.
Còn trong đợt thoái vốn 3,33% ngày 10-11 vừa qua, khi giá khởi điểm là 150.000 đồng/cổ phiếu, diễn biến của giá cổ phiếu Vinamilk lại trái ngược theo chiều hướng tích cực hơn: giá luôn dao động cao hơn giá khởi điểm, có thời điểm 155.000 đồng/cổ phiếu. Phương thức mua, bán không khác so với cuối năm 2016: giá khởi điểm là chốt chặn và là giá sàn.
Tuy nhiên, khác với thời điểm cuối năm 2016, đợt 2 chào bán cổ phiếu đã có sự khác biệt rất lớn khi 1 NĐT tổ chức có trụ sở tại Singapore đã bỏ giá cao nhất 186.000 đồng/cổ phần để sở hữu trọn lô cổ phần chào bán đợt này, số tiền họ bỏ ra lên tới gần 9.000 tỷ đồng. Phương thức bán của Vinamilk dự kiến cũng sẽ được áp dụng với Sabeco, Habeco…
Tuy nhiên, cách bán cổ phiếu Vinamilk của SCIC mang tính chất khá đặc thù không được áp dụng rộng rãi. Bởi lẽ, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN quy định cách bán khác. Điểm a, Khoản 4, Điều 38 quy định: Việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại CTCP đối với đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng. Cơ chế bán vốn mang tính đặc thù, riêng chỉ phù hợp với SCIC, còn các DN khác sẽ phải tuân theo quy định tại Nghị định 91. Điều này đang gây khó cho hoạt động thoái vốn, làm mất đi cơ hội thoái vốn được giá cao cho cổ đông nhà nước. Bởi khi có cơ hội bán vốn giá cao (vượt ngoài biên độ giao dịch của cổ phiếu trên sàn), cổ đông nhà nước vẫn không thể thực hiện được do vướng quy định tại Nghị định 91/2015. 
Để tháo gỡ bất cập trên, Bộ Tài chính đã định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 thêm một phương thức chuyển nhượng vốn, là tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch (bên cạnh 2 phương thức hiện hành là khớp lệnh và thỏa thuận). Bên cạnh đó, để đảm bảo giá trị thu hồi vốn cao nhất, phản ánh đúng giá trị thực tế của vốn đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định giá khởi điểm đấu giá chuyển nhượng vốn.
Theo đó, điểm khác so với quy định của Nghị định số 91 là dự thảo tính thêm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê vào giá khởi điểm, vì người sử dụng đất thuê trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê có các quyền đầy đủ như đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các tin khác