Cuộc chiến chưa hồi kết

(ĐTTCO) - Dù đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành năm qua trong việc cắt giảm ĐKKD, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, những thay đổi về ĐKKD vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế và cộng đồng DN.

Cuộc chiến chưa hồi kết
Thường xuyên biến động
Theo CIEM, qua kết quả rà soát ĐKKD cho thấy các bộ hiện vẫn lúng túng trong phân biệt ĐKKD đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành ĐKKD. Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện chung (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn lao động…) dù đã được quản lý bởi các cơ quan như Kế hoạch - Đầu tư, Công an, Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội… nhưng các bộ khác vẫn quy định quản lý những điều kiện này. Nhiều bộ vẫn còn giữ lại ĐKKD không cần thiết, hoặc được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể. Không những vậy, trong số ĐKKD đề xuất bãi bỏ, sửa đổi khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi. Có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho DN.
 Các ĐKKD đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và sự phát triển của DN Việt Nam. Nó làm thui chột ý chí kinh doanh, gây cản trở việc gia nhập thị trường, đặc biệt cản trở việc khởi nghiệp, sáng tạo của các DN. Không những vậy, các ĐKKD còn ngăn chặn xu hướng liên kết giữa các DN, trong khi đây chính là điểm yếu của các DN Việt Nam.  
Ông Vũ Tiến Lộc,Chủ tịch VCCI 
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, từng bày tỏ lo lắng về việc Nhà nước can thiệp quá nhiều vào hoạt động kinh doanh của người dân, DN. Một trong những bằng chứng là việc ban hành nhiều ĐKKD chồng chéo giữa các bộ, ngành khiến DN tư nhân bị “trói”. Thí dụ, điều kiện quy định chứng chỉ về kế toán viên ở nghị định, nhưng trình tự thủ tục hồ sơ, thi tuyển… lại quy định ở thông tư. “Cơ quan quản lý nói đó không phải ĐKKD nên có thể đưa vào thông tư. Nhưng chúng tôi cho rằng yêu cầu DN, cá nhân phải đáp ứng là ĐKKD, đó là né tránh và gọi đó là giấy phép con” - ông Hiếu nói. Cũng theo chuyên gia này, thách thức đáng lo ngại nhất hiện nay là ĐKKD đang chuyển sang các hình thức khác như quy chuẩn và tiêu chuẩn. Nội dung có sự trùng lặp nhưng bản chất khác nhau. Quy chuẩn là bắt buộc, tiêu chuẩn là DN tự xây dựng, công bố, nếu kiểm soát không tốt ĐKKD sẽ bị lạm dụng. “Cuộc đấu tranh với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cuộc chiến thay đổi liên tục, biến động. Cho đến nay, không ai có thể thống kê chính xác bao nhiêu ĐKKD và được ban hành ở văn bản nào. ĐKKD biến đổi hàng ngày, hàng giờ” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cho biết tương ứng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện khoảng 4.284. Tuy nhiên, hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hay thay đổi và khó theo dõi, thống kê, cập nhật một cách chính xác, kịp thời. Thậm chí có ngành nghề đầu tư kinh doanh các điều kiện được quy định ở nhiều nghị định khác nhau, theo phạm vi quản lý bộ, ngành về sản phẩm, dịch vụ liên quan. Thí dụ, ĐKKD thực phẩm được phân chia theo lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và được quy định tại 1 luật và 4 nghị định khác nhau, gồm Luật An toàn thực phẩm cùng các nghị định 38/2012/NĐ-CP, 77/2016/NĐ-CP, 66/2016/NĐ-CP và 67/2016/NĐ-CP.
Theo Ban Pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều lo ngại hiện nay là “biến tướng” của ĐKKD. Các ĐKKD được ban hành dường như ngày càng tinh vi hơn khi xuất hiện dưới dạng thông báo, phương án kinh doanh đã được duyệt… thay vì giấy phép như trước đây. Thậm chí, có hiện tượng một số cơ quan ban hành ĐKKD con để loại đối thủ cạnh tranh, tạo lợi ích nhóm…

Kiên quyết xóa rào cản
Trong một báo cáo tổng hợp ý kiến từ DN, VCCI đã khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ ĐKKD và thủ tục hành chính, trước hết tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho DN. Tại Nghị quyết 01 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018) ban hành đầu năm nay, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% ĐKKD nhằm cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Những yêu cầu về cắt giảm ĐKKD liên tục được Chính phủ đưa ra gần đây cho thấy, Chính phủ nhìn nhận rõ tầm quan trọng của các lực cản này với nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cần lưu ý đến những thay đổi trong môi trường kinh doanh, giám sát chéo lộ trình ban hành các ĐKKD, cũng như tiếp tục rà soát để cắt giảm những quy định không phù hợp, không cần thiết. Cùng với đó, chú ý đến tình trạng giảm số lượng giấy phép con tại bộ chuyên ngành nhưng lại có thêm nhiều điều kiện mới ở các cơ quan cấp thấp hơn, hoặc chuyển điều kiện từ bộ chuyên ngành này sang bộ chuyên ngành khác. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng nhiều đối tượng liên quan, từ cán bộ nhà nước cho tới DN, không muốn bỏ ĐKKD vì những đặc quyền đặc lợi mang lại. Thí dụ, một loạt ĐKKD của ngành công thương quy định về quy mô, nhiều DN lớn không muốn bỏ vì điều kiện này có thể giúp loại bỏ đối thủ quy mô nhỏ hơn.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế, kết quả khảo sát 7 năm gần đây, cho thấy DN Việt Nam nhỏ và xu hướng nhỏ dần, trong khi lẽ ra càng phải lớn trong cạnh tranh. Vậy câu hỏi đặt ra là môi trường kinh doanh có thực sự khuyến khích? Có vấn đề về gia nhập thị trường hay đăng ký DN có vấn đề? Cải cách nhanh nhưng ĐKKD để DN tham gia một số ngành nghề đang là câu hỏi đặt ra. Hiến pháp nói quyền tự do kinh doanh chỉ bị giới hạn bởi quy định pháp luật, có căn cứ rõ ràng nhưng hiểu thế nào để có điều kiện hợp lý lại không đơn giản. Quyền tự do kinh doanh không phải tuyệt đối nhưng nghiêng về mặt này cũng sẽ bóp nghẹt quyền tự do kinh doanh, hạn chế quá mức cần thiết và gây khó khăn. 
Để DN có quyền tự do kinh doanh, phát triển và hướng đến mục tiêu 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, là vấn đề cấp thiết đang đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp mạnh để xóa bỏ các rào cản trên.

Các tin khác