Cú hích năng lượng tái tạo

(ĐTTCO) - Năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) vài năm trở lại đây đã có sự chuyển động mạnh, đặc biệt từ khi Chính phủ áp giá điện mới đầy hấp dẫn. Cuộc đua càng trở nên gay cấn hơn khi thời hạn cho điện mặt trời được hưởng chính sách giá phải vận hành thương mại trước 30-6-2019, và điện gió trước 1-1-2021. Với đà chạy này của các nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ có sự đột phá mới từ năng lượng tái tạo, giải pháp an toàn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Điện mặt trời:  xếp hàng chờ phê duyệt
Từ tháng 4-2017, khi Chính phủ ban hành mức giá bán điện mặt trời hấp dẫn (9,35 cents/kwh, tương đương 2.086 đồng), lĩnh vực điện mặt trời bước vào cơn sốt. Theo công bố mới đây của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đã có 121 dự án với tổng công suất 7.234MWp có mốc thời gian phát điện tới năm 2020, được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện.
Tuy nhiên, còn 211 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất 13.069MWp đang xếp hàng chờ phê duyệt. Tính chung, hiện có 332 dự án điện mặt trời với công suất dự kiến 26.290MWp tính tới năm 2030, đã được các nhà đầu tư đưa ra. 
 Hiện có hơn 10 địa điểm đã được dành sẵn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mặt trời đến tìm hiểu. Hầu hết dự án này đều kỳ vọng sẽ được chấp thuận đầu tư sớm và đi vào hoạt động trong quý II-2019.
 Ông Trần Hữu Thế, 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
Số liệu trên đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực sản xuất điện từ nguồn năng lượng vô tận này. “Trước thời điểm Chính phủ công bố giá điện mặt trời mới, tổng công suất các dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động chỉ vỏn vẹn… 5MW.
Trong đó, chỉ có 1MW được nối lưới, 4MW còn lại không nối lưới, chủ yếu đặt ở các vùng sâu, vùng xa, trên mái nhà của người dân” - ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và xây dựng Thiên Tân, chủ dự án điện mặt trời 1.000MW tại Ninh Thuận, chia sẻ. 
Với dư địa dồi dào của điện mặt trời, BIM Group, một tập đoàn nổi tiếng với các dự án bất động sản và khu nghỉ dưỡng, mới đây đã đăng tuyển nhân sự trong lĩnh vực điện mặt trời. TH TrueMilk cũng có kế hoạch đầu tư một nhà máy năng lượng mặt trời có tổng công suất 1.117 MW tại Đắk Lắk.
Nổi bật hơn cả là Tập đoàn Thành Thành Công, đã công bố kế hoạch đầy tham vọng xây dựng dự án 20 nhà máy điện mặt trời với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Điều này đã nói lên phần nào sự gấp rút của các nhà đầu tư.
Theo khảo sát, các dự án điện mặt trời phân bổ chủ yếu khu vực Nam Trung bộ, tỷ lệ tăng dần từ Quảng Ngãi vào đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Nằm ở trung lộ duyên hải Nam miền Trung, Phú Yên là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng về điện mặt trời và điện gió. Đến cuối năm 2018, Phú Yên đã có gần 10 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió được bổ sung quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư. 

Điện gió: chưa… phát huy hết tiềm năng
Trong khi cơn lốc điện mặt trời rầm rộ gần 1 năm nay, điện gió dường như vẫn im lìm khi chưa được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó, dù tiềm năng điện gió tại Việt Nam được đánh giá cao nhất khu vực. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ, 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam thuận lợi cho việc lắp đặt các tuabin gió lớn, trong khi con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào 2,9% và Thái Lan 0,2%.
 Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia và các mục tiêu rất thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm, quy trình phê duyệt dự án đơn giản, rõ ràng.
 Ông Steve Sawyer, 
Tổng thư ký GWEC
Hiện ở Nam bộ, tỉnh Trà Vinh có dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, dự kiến vào hoạt động năm 2020, công suất thiết kế 78MW, gồm 18-19 cột tuabin gió. Trong khi ở Ninh Thuận, điện gió Trung Nam công suất 90MW với tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, khởi công vào ngày 27-8-2016. Nhà máy điện gió Trung Nam được kỳ vọng tạo một luồng gió mới, hướng đi mới trong lĩnh vực đầu tư năng lượng của Trung Nam.
Là nhà đầu tư  một số dự án điện gió tại Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh và Phú Yên, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP giải pháp năng lượng gió, khá chuyên nghiệp trong đánh giá tiềm năng và khung giá điện gió thời gian qua: “Thật ra ở mức giá cũ 7,8 cents/kWh hay mức 8,5 cents/kWh (đất liền) và 9,8 cents/kWh (trên biển), nếu tính toán hợp lý các chi phí đầu tư vẫn hoàn toàn có lãi khi đầu tư vào lĩnh vực điện gió”.
Phân tích thêm, ông Tín cho rằng Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia, Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế phát triển điện gió từ năm 2012. Tuy nhiên, phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam còn rất chậm và đang ở khoảng cách rất xa mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Theo đó, năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện; đến năm 2030 đạt 6,9%, tức 800MW điện gió vào năm 2020 và 6.000MW vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhu cầu cấp thiết cần tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch, giá phải chăng. Xét về thực tế, điều này hoàn toàn có thể đạt được bởi mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện gió ngày càng tăng, những chỉ số tiềm năng của Việt Nam được các nhà đầu tư ghi nhận.

Thế mạnh, nhà đầu tư ngoại 
Do có tiềm năng lớn về điện mặt trời, các nhà đầu tư nước ngoài với kinh nghiệm, công nghệ và tiềm lực tài chính, đang bày tỏ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này từ nhiều năm trước. Và cơn lốc điện mặt trời đã thực sự gây bão khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhanh chân đón đầu cơ chế giá và nắm bắt được điểm yếu của các nhà đầu tư trong nước là… vốn. 
Cú hích năng lượng tái tạo ảnh 1 Cánh đồng điện gió tại Bạc Liêu. 
“Hầu hết nhà đầu tư trong nước có dự án nhưng không có vốn. Chúng tôi tiếp cận họ bằng nguồn vay ưu đãi để cùng bắt tay hợp tác triển khai” - B.Grimm Power (Thái Lan) chia sẻ. B.Grimm Power có lẽ là nhà đầu tư sở hữu nhiều dự án tại Việt Nam, với việc mua đứt 80% giá trị dự án từ Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) tại Bình Định, Phú Yên. Trong khi đó, dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi của TTVN Group cũng đã tìm được đối tác mới là Tập đoàn Sermsang để tiến hành khởi công xây dựng mới đây. Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch mở rộng đầu tư nước ngoài thông qua việc liên doanh với các đối tác địa phương, để tăng sản lượng trong năng lượng tái tạo của tập đoàn năng lượng Thái Lan B.Grimm Power.
Nhiều nhà đầu tư ngoại khác như Sun Grow (Tập đoàn đa quốc gia), hay của Đức, Hoa Kỳ… cũng rất nhiệt tình trong việc săn lùng các dự án điện mặt trời tại Việt Nam với nhiều thương vụ chuyển nhượng, mua bán, đã đẩy điện mặt trời lên giai đoạn sôi động nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất của các dự án năng lượng mặt trời nằm ở diện tích đất. Dự án điện mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) là một thí dụ.
Toàn dự án chiếm tổng diện tích gần 380ha, nhiều năm nay nhà đầu tư vẫn chưa thể nhận được mặt bằng do người dân phản đối kịch liệt với lý do người dân lo sợ nhà đầu tư chiếm diện tích để khai thác titan và bán dự án cho nhà đầu tư khác… Dẫu vậy, con đường đến với dự án điện mặt trời đối với nhiều nhà đầu tư vẫn khá hanh thông, hứa hẹn sẽ bổ sung nguồn năng lượng đáng kể cho hệ thống điện quốc gia vào thời điểm cuối năm 2019, khi đã có 65 dự án điện mặt trời ký hợp đồng mua bán điện (PPA), với tổng công suất gần 4.500MW.
Trong khi đó, để tạo hấp lực cho điện gió, một tuyên bố ngành tập trung vào những khuyến nghị nhằm giải quyết những vướng mắc đối với sự phát triển của điện gió, đã được Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) và các đối tác Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Đan Mạch và Đại sứ quán Đức công bố trước sự chứng kiến của Bộ Công Thương. Tuyên bố bao gồm PPA được chuẩn hóa; quy trình phê duyệt dự án đơn giản hóa và rõ ràng; quy hoạch trước hạ tầng lưới điện và thành lập Hiệp hội Điện gió quốc gia… Tuy nhiên, để phát triển điện gió, GWEC và các đối tác khuyến nghị Chính phủ sớm sửa đổi những vướng mắc về quy định pháp lý của ngành điện gió ở Việt Nam. 
“GWEC muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích ngành điện gió mang lại, đó là nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm” - đại diện GWEC nhấn mạnh.
 Tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056kW/m2/năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực ĐBSCL. Còn tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam cũng lớn nhất khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trong đó, trữ lượng gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính cho toàn ngành điện vào năm 2020.

Các tin khác