Công nghiệp VN đang 'mắc kẹt'

(ĐTTCO)-Dù thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 rồi song nền công nghiệp VN vẫn đang 'mắc kẹt' ở giai đoạn 2 của cơ giới hóa và gia công lắp ráp.

(ĐTTCO)-Dù thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 rồi song nền công nghiệp VN vẫn đang 'mắc kẹt' ở giai đoạn 2 của cơ giới hóa và gia công lắp ráp.

 

Đó là nhận định đáng chú ý được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo quốc tế chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2025 do Ban Kinh tế T.Ư và Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 10.3, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế.

Chưa giàu đã già

Ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận công nghiệp VN sau 30 năm đổi mới đã có những bước phát triển đáng kể. Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng công nghiệp tăng liên tục trong nhiều năm. Ví dụ, 10 năm gần đây (2006 - 2015) tổng giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 3,4 lần; tỷ trọng GDP công nghiệp được duy trì ổn định trên 31% trong tổng GDP; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đã tăng gần 3,5 lần khi ở mức 43,1 tỉ USD năm 2007 đã lên con số gần 149 tỉ USD vào năm 2015.

Tuy nhiên, đến nay, quá trình phát triển công nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế như trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, phụ thuộc quá nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI)…

“Đáng ngại là những năm gần đây gia tăng công nghiệp đang có xu hướng giảm, từ 16,2% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 10% giai đoạn 2011 - 2015, hay tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 10 năm qua thấp hơn tốc độ tăng trưởng nền kinh tế”, ông Bình nói. Bên cạnh đó, nội lực còn yếu khi vẫn phụ thuộc rất lớn khối FDI, tính liên kết với công ty trong nước còn kém, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp…

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận công nghiệp VN chủ yếu phát triển theo bề rộng, phần lớn là gia công. Công đoạn giá trị cao còn yếu, xuất khẩu không ổn định vì phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.

Có gần 30 năm theo dõi chính sách công nghiệp của VN từ bên ngoài, GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản) tỏ ra tiếc nuối bởi là nước công nghiệp hóa sau, thuộc “thế hệ thứ 5”, VN đáng lẽ phải tận dụng được lợi thế, bài học của những nước đi trước, thuộc thế hệ thứ 4 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… song chúng ta đã vuột mất.

“Các quốc gia này phát triển thông qua các hợp đồng công nghệ, tức mua công nghệ về rồi tự sản xuất, đứng lên bằng nội lực. Trong khi VN chủ yếu là thông qua thu hút doanh nghiệp FDI nhưng không có chọn lọc mà quá dễ dãi”, GS Thọ nhận xét. Ông cũng nhấn mạnh rằng theo quy luật, một quốc gia phải trải qua các giai đoạn: nông nghiệp - công nghiệp rồi mới chuyển sang dịch vụ (hậu công nghiệp) khi đã có nền tảng công nghiệp nhưng VN thì không như vậy.

“Hàn Quốc hay Nhật Bản khi có thu nhập bình quân đầu người khoảng 30.000 USD thì tỷ lệ đóng góp của công nghiệp trong GDP mới bắt đầu giảm, trong khi chúng ta mới 3.000 USD đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp”, vị giáo sư đưa ra nhận xét và cảnh báo: “Việc chuyển sang thời kỳ hậu công nghiệp quá sớm thì tốc độ phát triển kinh tế sẽ giảm”. Do vậy, theo ông Thọ, cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu mới tránh được đà sụt giảm kinh tế.

Quan điểm này được nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm rất ủng hộ, ông cho rằng: “Trong điều kiện VN hiện nay, vẫn phải cần kết hợp cả hai chứ không thể nói phát triển sang chiều sâu không thôi”. TS Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulbright) cũng cho rằng trong khi thế giới đã tiến tới ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì công nghiệp VN đang mắc kẹt ở giai đoạn cách mạng lần thứ 2, nghĩa là vẫn ở công đoạn cơ giới hóa, lắp ráp.

“Những sản phẩm của Intel hay Samsung được xếp vào nhóm công nghệ cao, nhưng doanh nghiệp nội chưa đóng góp gì trong chuỗi này khi mới chỉ tham gia 3% vào Samsung và 8% với Intel, song cũng chỉ là nhà cung cấp vỏ hộp, bao bì”, TS Tự Anh phân tích.

Chính sách ưu tiên phải hướng tới cạnh tranh

Dẫn lại một loạt ngành công nghiệp đã từng được ưu tiên trong vài chục năm qua nhưng mẫu số chung là thất bại như mía đường, thép, xi măng, ô tô, TS Vũ Thành Tự Anh khẳng định nguyên do là vì tất cả không dựa trên lợi thế sẵn có, lại được bảo hộ, nuông chiều nên không lớn được. Trong khi, ở nhóm ngành may mặc, da giày, chế biến tôm cá không được bảo hộ, bị cạnh tranh gay gắt nhưng đã rất thành công nhờ có lợi thế nguyên liệu (tôm cá), lao động rẻ (dệt may).

“Cho nên, chính sách chọn ngành công nghiệp ưu tiên cần theo hướng tìm đến những ngành đã được sàng lọc qua cạnh tranh, nhất là qua cạnh tranh xuất khẩu”, TS Vũ Thành Tự Anh kiến nghị đồng thời khuyến cáo, nếu Chính phủ cứ hỗ trợ theo kiểu vô điều kiện, với bất cứ giá nào mà không dựa trên năng lực cạnh tranh của ngành hàng thì đó là cách dễ nhất để đi đến thất bại.

Ngoài ra, theo ông Tự Anh, cần có tiêu chí đối với lựa chọn ngành được hưởng chính sách ưu tiên. Trong đó, các chỉ số về nâng cấp công nghệ và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng năng suất cần đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, chính sách ưu ái cũng cần đi kèm với kỷ luật thời gian. “Chỉ nên hỗ trợ trong thời gian cứng, nếu không đáp ứng được các điều kiện đặt ra từ đầu thì sẽ bị rút”, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

“Chính sách công nghiệp giai đoạn tới phải chuyển sang hướng ưu tiên những ngành có khả năng cạnh tranh và cần có chủ đích chứ không thể chạy theo số lượng”, TS Tuệ Anh đến từ Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế T.Ư bày tỏ.

Từ cách tiếp cận trên, GS Trần Văn Thọ đề cử hai lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển là công nghiệp chế biến và ngành cơ khí để sản xuất máy móc. “Cần khuyến khích công nghệ thực phẩm vì có sẵn nguyên liệu, nhân công và thị trường rộng mở. Còn máy móc là bởi tính toán cho thấy khi thu nhập tăng 1% thì chi tiêu cho máy móc tăng 2 - 3%”, GS Thọ phân tích.

Còn theo TS Tự Anh, không nên theo đuổi chính sách một số sản phẩm cá biệt và cần cắt giảm một loạt sản phẩm ưu tiên hiện nay để tránh tình trạng "chính sách quả mít", tất cả cùng mũi nhọn. Vị chuyên gia này nói ông "không thể hiểu nổi" tại sao một số mặt hàng như động cơ diesel, động cơ xăng cỡ nhỏ lại được ưu tiên.

Các tin khác