Có tiếng không có miếng

(ĐTTCO) - Nhiều năm qua, quy mô tài sản của ngành NH liên tục tăng đều qua các năm nhưng hiệu quả kinh doanh lại giảm. Nghịch lý này khiến sức hấp dẫn của nhóm CP NH - từng được xem là CP vua trên TTCK - giảm rất mạnh. Giờ đây, nhà đầu tư nhỏ lẻ không còn mặn mà nắm giữ CP NH, chỉ còn nhóm nhà đầu tư lớn quan tâm vì những lợi ích  riêng.

(ĐTTCO) - Nhiều năm qua, quy mô tài sản của ngành NH liên tục tăng đều qua các năm nhưng hiệu quả kinh doanh lại giảm. Nghịch lý này khiến sức hấp dẫn của nhóm CP NH - từng được xem là CP vua trên TTCK - giảm rất mạnh. Giờ đây, nhà đầu tư nhỏ lẻ không còn mặn mà nắm giữ CP NH, chỉ còn nhóm nhà đầu tư lớn quan tâm vì những lợi ích  riêng.

Vẫn chưa hết khó khăn

2016 được đánh giá là 1 năm không có gì bứt phá của CP ngành NH, khi đa số mã CP của các NHTM giảm mạnh về khối lượng giao dịch. Thống kê cho thấy khối lượng giao dịch CP bình quân của Eximbank chỉ khoảng 191.000 CP/phiên, giảm khoảng 72% so với cuối năm 2015; VietinBank giao dịch bình quân 729.000 CP/phiên, giảm 65%; BIDV giảm hơn 18%. ACB giảm 54% và SHB giảm 21%.

Hiện nay điều kiện để thành lập NH 100% vốn ngoại tại Việt Nam đã thông thoáng hơn, nhưng rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn sở hữu cổ phần tại các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, do room sở hữu của khối ngoại còn hạn chế nên nhà đầu tư nước ngoài chưa thúc đẩy hoạt động này. Bên cạnh đó, CP NH còn bị ảnh hưởng bởi nợ xấu và thanh khoản. Nhưng đây cũng là điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi họ chỉ phải trả giá thấp để sở hữu cổ phần tại các NH trong nước.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Cũng trong năm ngoái, trước áp lực thoái vốn, một số doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành bán cổ phần tại các NHTM với mức giá khá thấp, nhưng cũng gặp khó khăn. Đơn cử, Mobifone bán đấu giá 33,4 triệu CP SeABank giá 9.600 đồng/CP, nhưng không ai đăng ký mua.

Phiên bán đấu giá 14,28 triệu CP TPBank của Mobifone với giá khởi điểm 8.900 đồng cũng chỉ có 5 nhà đầu tư tham gia đăng ký mua 8,7 triệu CP. Trong khi đó, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng không thành công khi thoái vốn tại OCB và SCB, dù giá bán khởi điểm chỉ 4.100-5.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, CP NH đã có một số diễn biến tích cực sau khi NHNN quyết định nâng tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) đối với 3 NH là BIDV, VietinBank và Vietcombank lên mức 90%, cùng với thông tin Chính phủ định hướng nâng trần sở hữu nước ngoài đối với ngành NH.

Song ngành NH vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề như tín dụng tăng trưởng chậm lại, khi năm 2017 dự báo chỉ khoảng 16%, thấp hơn mức tăng trưởng theo kế hoạch năm 2016 là 18%. Bên cạnh đó là áp lực tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đảm bảo thanh khoản, hoạt động của ngành NH được đánh giá rất rủi ro, tỷ lệ nợ xấu thực chất cao và các NH phải sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu.

Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu NH đòi hỏi thời gian và nỗ lực liên ngành và cho đến thời điểm này, quá trình xử lý nợ xấu vẫn chưa được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể trong năm 2017. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể kỳ vọng mức tăng trưởng cao như trước, trong khi thước đo sinh lời thông qua hệ số NIM (tỷ lệ lãi cận biên) có xu hướng giảm đáng kể. Năm 2017, lãi suất huy động đứng trước áp lực tăng do lạm phát và nhu cầu huy động để đảm bảo các yêu cầu mới về an toàn hoạt động, trong khi các NH phải siết lại tín dụng theo yêu cầu Thông tư 06/2016 của NHNN. Do đó, nhiều dự báo cho rằng hệ số NIM của các NH sẽ tiếp tục suy giảm. Những điều trên đang khiến nhà đầu tư cân nhắc kỹ đối với nhóm CP NH.

Chỉ hấp dẫn nhà đầu tư lớn

Trong nhiều năm qua, có thể thấy các NHTM Việt Nam có tốc độ tăng trưởng không ngừng về quy mô vốn. Theo quy định của NHNN, vốn điều lệ tối thiểu của một NHTMCP ở mức 3.000 tỷ đồng, trong khi theo công bố của các NH, tổng tài sản của NH nhỏ nhất cũng lên đến khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khả năng sinh lời của các NH lại giảm mạnh so với các năm trước. Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 30-6-2016, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 7.868.261 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2015; vốn điều lệ của các NH đạt 476.692 tỷ đồng. Song tỷ suất sinh lời của các NH lại đang ở mức thấp.

Cụ thể tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) toàn hệ thống chỉ ở mức 0,29%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 3,54%. Theo hãng xếp hạng tín dụng Moody’s, đối với các NH, chỉ tiêu ROA ≥ 1% và chỉ tiêu ROE 12-15% là đạt yêu cầu. Do đó, mức hiện tại của hệ thống NH Việt Nam được đánh giá rất thấp và đang trong tình trạng sử dụng vốn chưa hiệu quả, trong khi việc cải thiện tỷ suất sinh lời vẫn là một bài toán khó.

 

Kết thúc năm tài chính 2016, ngành NH đã đón nhận nhiều tin vui về lợi nhuận, dù vậy kế hoạch đề ra cho năm 2017 vẫn khá thận trọng, nhất là đối với chỉ tiêu lợi nhuận. Chẳng hạn, Vietcombank tổng kết lợi nhuận trước thuế năm 2016  đạt 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% nhưng mục tiêu năm 2017 chỉ ở mức 9.200 tỷ đồng, tăng 12%. BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2017 tăng chưa tới 10%. Agribank tăng khoảng 10%.

Trong khi đó, các NHTMCP cũng cho biết đang cân nhắc kỹ về mục tiêu lợi nhuận cho năm 2017 để trình cổ đông. Đặc biệt, khi các NH tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tín dụng tăng trưởng yếu và lãi suất liên tục giảm, việc cân nhắc kỹ chỉ tiêu lợi nhuận của các NH là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh NH còn đối mặt nhiều thách thức, nhà đầu tư nắm giữ CP NH trong những năm gần đây nhận được nhiều tin buồn hơn tin vui. Đó là việc đa số NH đều trả cổ tức thấp hơn lãi suất tiết kiệm, thậm chí nhiều NH không chi trả cổ tức nhiều năm liền. Dù các NH giải thích sẽ trả cổ tức còn nợ cho cổ đông nhưng vẫn khiến nhà đầu tư nhỏ không còn mặn mà với CP NH.

Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn này, nhà đầu tư nhỏ lẻ rót tiền vào CP NH buộc phải chấp nhận thực tế không có cổ tức, bởi các NH không thể không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để đảm bảo an toàn hoạt động. Hiện ngành NH chỉ còn sức hấp dẫn đối với những nhà đầu tư lớn có khả năng sở hữu cổ phần có quyền chi phối, đồng nghĩa với việc có thể tham gia điều hành, quản trị NH, thậm chí có thể kiểm soát NH để hậu thuẫn cho những hoạt động kinh doanh khác.

Các tin khác