Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN: Chông chênh giá cả-thị trường

(ĐTTCO) - Ngoài những lý do chủ quan là xác định giá trị doanh nghiệp (DN), kế hoạch cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang đứng trước thách thức khi TTCK có diễn biến không thật sự thuận lợi trong thời gian gần đây. 
Thậm chí, có nhiều lo ngại về nguy cơ vỡ kế hoạch CPH của các DNNN trong năm 2018 nếu không có những giải pháp hiệu quả.
Vẫn chưa quyết liệt 
Theo số liệu vừa được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN công bố mới đây, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ chỉ mới phê duyệt phương án CPH cho 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng giá trị DN 40.672 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước 23.084 tỷ đồng. Có 16/19 DNNN đã phát hành CP lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược thu về 22.457 tỷ đồng, khi bán 46% vốn điều lệ cho cổ đông bên ngoài và người lao động, bao gồm: 8 DN được phê duyệt phương án CPH từ năm 2017 và 8 DN vừa phê duyệt trong năm 2018.
Đáng chú ý, các đợt IPO trong 6 tháng đầu năm có nhiều DN quy mô khủng như: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). 
 Ngoài phương thức bán vốn bằng phương pháp đấu giá, chào giá cạnh trạnh như hiện nay, việc bán vốn nhà nước đang được xem xét thực hiện theo phương pháp dựng sổ đối với DN. Tuy nhiên, SCIC sẽ chỉ bán vốn theo giá thị trường và không bán dưới thị giá đang giao dịch trên sàn.
Ông LÊ ĐÌNH BỬU TRÍ, 
Giám đốc khu vực phía Nam của SCIC
Về thoái vốn nhà nước tại DN, các bộ, địa phương đã thoái vốn nhà nước tại 42 DN với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách), trong đó 10 DN thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg. Tổng thu từ CPH, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt 198.000 tỷ đồng.
Như vậy, từ năm 2016 tới nay, số thu từ CPH gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng). 
Tuy nhiên, tiến độ CPH DNNN và bán vốn nhà nước vẫn còn chậm do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong việc triển khai. Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành CPH 85 DN, nhưng đến nay mới CPH được 19 DN.
Mặt khác, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DNNN cũng chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2017 có 135 DNNN phải thực hiện thoái vốn, nhưng chỉ mới thoái vốn được 17 DN. Năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay mới thực hiện thoái vốn tại 10 DN. 
Điều đáng nói sự chậm trễ này xảy ra ngay tại các thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Theo kế hoạch, trong năm 2018, TPHCM phải thực hiện CPH 39 DN và Hà Nội 11 DN (chiếm 61% và 17,1% kế hoạch CPH năm 2018 của cả nước), nhưng đến nay chưa CPH được DN nào.
Cùng với đó, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đăng ký giao dịch trên TTCK, chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tại một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15-8-2017, có tới 747 DN chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK.

Điểm nghẽn thị trường
Nguyên nhân của sự chậm trễ này đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra ngay tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác CPH và thoái vốn nhà nước. Theo đó, vướng mắc lớn nhất là việc xác định và phê duyệt đất đai của DNNN được CPH.
 Bộ Tài chính công khai các DNNN đã CPH mà không niêm yết trên TTCK đúng thời hạn. Phương châm đặt ra là không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa. Chúng tôi đang đề nghị Thủ tướng cho phép tổ chức hội nghị toàn quốc về đổi mới DN. Nếu Thủ tướng đồng ý, hội nghị này sẽ được diễn ra ngay trong quý III này.
Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ,
Phó Thủ tướng Chính phủ
Đơn cử là trường hợp của Vinafood II, sở hữu diện tích đất nông nghiệp hàng triệu hecta ở nhiều địa phương. Trước khi CPH, bộ chủ quản và các địa phương phải xác định xong phương án sử dụng đất, nhưng chỉ vì TPHCM chậm xác định đã làm chậm kế hoạch CPH của Vinafood II. Một nguyên nhân nữa là số lượng DNNN thực hiện kiểm toán (để bảo đảm số liệu trung thực, khách quan) trước khi CPH tăng mạnh và nhiều DNNN có quy mô lớn thực hiện CPH. 
Ngoài ra, việc chậm CPH bán vốn theo kế hoạch do các hướng dẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ, cũng như TTCK suy giảm mạnh trong những tháng gần đây. Có thể lấy dẫn chứng qua trường hợp của Tổng công ty Viglacera (VGC). Theo Công văn 1177/BXD-QLDN ngày 22-5, Bộ Xây dựng đã đồng ý phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại VGC với số lượng cổ phần thoái vốn (giai đoạn 1) hơn 80,5 triệu cổ phần (tương đương 17,97% vốn điều lệ), trong khoảng thời gian từ ngày 27-6 đến 21-7.
Theo đó, giá đặt lệnh giao dịch là giá trần của ngày giao dịch, nhưng tối thiểu 26.100 đồng/cổ phần, và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên TTCK trước ngày công bố thông tin. Tuy nhiên, do giá CP VGC trên TTCK sụt giảm mạnh (ngày 8-8 chỉ còn 17.800 đồng/CP), nên kế hoạch thoái vốn của Bộ Xây dựng đã không thể thực hiện. 
Có thể nói, vấn đề thoái vốn không chỉ quan trọng đối với các cơ quan quản lý vốn nhà nước, mà ngay cả DN cũng chịu áp lực rất lớn. Giữa tháng 6 vừa qua, trong buổi gặp gỡ với báo chí, ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã CK: GAS), cho biết thành công của các đợt thoái vốn nhà nước tại Vinamilk và Sabeco đã tạo nên áp lực rất lớn cho DN. Nếu đưa ra mức giá cao nguy cơ ế, nhưng ngược lại đưa ra mức giá thấp sẽ gây thiệt hại cho vốn nhà nước.
Vì vậy, PVGas chủ động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thuê tư vấn định giá, tư vấn xây dựng và triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước xuống tối thiểu 65%. Hiện PVGas đang nghiên cứu các phương án thoái vốn từng phần hay 1 lần, sau đó lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Thực ra thời điểm ông Linh chia sẻ khó khăn này, giá CP của GAS còn ở mức 100.000 đồng/CP, trong khi ở thời điểm cuối tháng 7, giá CP GAS hiện đang xuống gần mức 80.000 đồng/CP (ngày 8-8 đã tăng lên 98.000 đồng/CP). Việc giá CP đang trong tình trạng tuột dốc như hiện tại, cho thấy kế hoạch thoái vốn của PVN tại PVGas vẫn còn hết sức gian nan. 
Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN: Chông chênh giá cả-thị trường ảnh 1 TTCK sụt giảm mạnh, giá CP VGC xuống dưới mức 20.000 đồng, nên kế hoạch thoái vốn đã không thể thực hiện.  
Thực tế, áp lực của lãnh đạo PVGas cũng là mối quan ngại của đơn vị quan lý vốn nhà nước là SCIC. Tổng danh mục nắm giữ của SCIC theo thị giá hiện nay vào khoảng 6,8 tỷ USD. Theo lộ trình thoái vốn của SCIC tại các DN trong danh mục sẽ được đẩy nhanh vào các năm 2018-2020 với con số 134 DN và SCIC chỉ nắm giữ vốn lâu dài tại 2 DN là FPT Telecom và Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC). Riêng năm 2018, SCIC có kế hoạch thoái vốn tại 122 DN.
Tuy nhiên, phát biểu với NĐT tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, ông Lê Đình Bửu Trí, Giám đốc khu vực phía Nam, cho biết tùy tình hình thị trường SCIC cố gắng thực hiện tối đa chỉ tiêu thoái vốn của năm 2018, và sẽ chuyển tiếp sang năm 2019 nếu chưa hoàn tất. Những DN được SCIC thoái vốn ngay trong năm 2018 có Vinamilk, FPT, Vinaconex và Sa Giang”.

Không chạy theo tiến độ
Trước tình hình hiện tại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm để trình Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan để đôn đốc, giám sát.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về CPH, bán vốn. Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN phối hợp với các bộ tổng hợp, rà soát, điều chỉnh kế hoạch CPH, thoái vốn để “định vị” kế hoạch bổ sung, làm căn cứ đánh giá kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm. 
Theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC, muốn thoái vốn nhà nước tại DN thành công cần tổ chức hoạt động bán vốn một cách chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của DN. Tiên phong trong việc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như bán cả lô, bán cho NĐT chiến lược, bán dưới mệnh giá.
Cũng theo ông Lai, đến nay SCIC đã bán vốn tại 986 DN, trong đó bán hết vốn tại 885 DN, bán một phần vốn tại 82 DN, bán quyền mua tại 19 DN. Với tổng giá vốn nhà nước khoảng 8.332 tỷ đồng, sau bán vốn SCIC đã thu về 36.989 tỷ đồng, giá trị thu về gấp 4,4 lần giá vốn. Tuy nhiên, cũng có DNNN được SCIC hạ giá tới 8 lần vẫn không bán được vốn.
Nguyên nhân do tỷ lệ sở hữu SCIC quá nhỏ hoặc DN đã có cổ đông chiến lược, DN có tranh chấp nhóm cổ đông, DN làm ăn thua lỗ, thời điểm bán vốn không phù hợp, định giá vốn quá cao. Hơn nữa, với cách thức tổ chức đấu giá cổ phần hiện nay vẫn có khoảng trống giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài tham gia mua vốn. 
Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho rằng Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình CPH, tránh để các biến động tăng, giảm của TTCK làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng DN được CPH. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn, Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng “dội chợ”.

Các tin khác