Cơ hội đầu tư ngàn tỷ đồng

(ĐTTCO) - Những tên tuổi lớn như MobiFone, TCT Dầu Việt Nam, TCT Điện lực Dầu khí, TCT Thuốc lá Việt Nam, TCT Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), TCT Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)… sẽ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới, dự kiến sẽ mang tới cơ hội đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho thị trường. 
ĐTTC ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey Vietnam:

Rõ ràng chiến lược quản trị công ty 

Tôi nghĩ tình hình hiện tại của Việt Nam khá tốt nhất là so sánh với giai đoạn 2011-2012. Nhìn vào mức độ cổ phần hóa, tư nhân hóa, hoạt động kinh doanh, NĐTNN thấy vẫn còn bất cập nhưng vấn đề đang được cải thiện. Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong 12-18 tháng qua. Vì thế, theo tôi cần bám sát các mốc thời gian theo kế hoạch, vì Việt Nam từng có nhiều lần chậm trễ và không rõ ràng trong quá trình cổ phần hóa của một số DNNN. Tính minh bạch rất quan trọng vì NĐT cần biết chuyện gì đang xảy ra. Tuy không cần xảy ra nhanh, chỉ cần quá trình rõ ràng, khi nào xảy ra và không quá chậm trễ.
Một trong những triết lý chúng tôi tin là các tổ chức cần có chiến lược quản trị công ty trước. Đặc biệt là các công ty lĩnh vực tư nhân, chiến lược của công ty là gì trong bối cảnh không chỉ quan tâm đến tình hình trong nước mà còn xem xét biến động toàn cầu. Công ty cần có chiến lược để minh bạch, để nhà đầu tư thấy cách cơ cấu công ty ra sao.
Cổ phần hóa sẽ tạo ra tính thanh khoản và độ sâu của thị trường. Nếu so sánh với những nước Đông Nam Á khác, thị trường vốn của Việt Nam vẫn là một trong những thị trường kém thanh khoản nhất. Tất nhiên thị trường vốn của đất nước mới hình thành 15-20 năm, nhưng tôi tin rằng việc cổ phần hóa để Chính phủ vẫn nắm giữ cổ phần nhưng không nhiều và lượng cổ phiếu tự do giao dịch trên thị trường tăng, là điều đúng đắn.

Ông Tống Minh Tuấn, GĐ chi nhánh THCM Công ty chứng khoán Vietcombank

Linh hoạt trong thoái vốn 

Kết quả thoái vốn hiện nay hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi khi từ nay đến cuối năm khi có những thương vụ bán vốn lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk… Theo tôi, thời gian qua vướng mắc lớn nhất khiến các cuộc thoái vốn chưa đạt như kỳ vọng, là cấp có thẩm quyền phê duyệt về phương án thoái vốn, trong đó một trong những nội dung quan trọng là xác định giá trị chào bán đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng phải đi qua nhiều giai đoạn. Nhiều cấp có thẩm quyền phê duyệt, tham gia ý kiến nên thời gian triển khai giai đoạn này thường tốn rất nhiều thời gian.
Trên thực tế có trường hợp DN đang thoái vốn theo phương thức này (chẳng hạn thoái trọn lô), song trong quá trình thực hiện phải tạm dừng do một số vấn đề mâu thuẫn trong chính sách, khiến việc thoái theo hình thức này bị tạm dừng. Muốn tiếp tục thoái vốn, DN lại phải trình chủ sở hữu để được phép chuyển sang hình thức thoái khác (thoái thông thường), sau đó hồ sơ lại phải chuyển qua UBCKNN một lần nữa. Mỗi công đoạn thường tốn khá nhiều thời gian khiến tiến độ thoái vốn nhà nước bị chậm trễ.
Bên cạnh đó do các cơ chế, chính sách ban hành liên quan đến hoạt động thoái vốn đặc biệt là đối với DN quy mô lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco... còn chậm và chưa linh hoạt khiến công tác thoái vốn nhà nước bị chậm. Hiện nay, tùy từng đặc thù của DN, các đơn vị nhà nước sẽ lựa chọn nhiều phương thức thoái vốn khác nhau (đấu giá, đấu giá trọn lô, thoái khớp lệnh trên sàn…).
Do có nhiều phương thức nếu không chuyên trách như SCIC, các đơn vị nhà nước sẽ rất lúng túng trong việc lựa chọn phương thức thoái vốn phù hợp. Ngoài ra đối với việc thoái vốn các DN lớn, tính trách nhiệm của đơn vị phụ trách thoái vốn sẽ rất cao. Để bảo đảm tính hiệu quả của việc thoái vốn đòi hỏi không chỉ tốn thời gian nghiên cứu để lựa chọn phương thức thoái phù hợp, còn phải khéo léo lựa chọn thời điểm tốt của thị trường để thoái vốn hiệu quả.
Nhìn chung để hạn chế sai sót trong việc thực hiện các đơn vị này thường có xu hướng thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài như đã diễn ra trong thời gian qua như đối với Vinamilk và Sabeco.     
Cơ hội đầu tư ngàn tỷ đồng ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Ngọc, GĐ Tư vấn tài chính DN, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Minh bạch chính sách, phương thức thực hiện

Theo tôi việc thoái vốn Nhà nước tại DN hiện nay chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan có thể xuất phát từ quy định của pháp luật, từ diễn biến của thị trường. Dưới góc độ diễn biến thị trường, việc thoái vốn phụ thuộc hàng hóa và chất lượng hàng hóa cũng như quan hệ cung cầu về cổ phiếu. Những cổ phiếu không có chất lượng tốt, việc thoái vốn phụ thuộc vào khả năng tái cơ cấu của DN như thế nào, có NĐT nào sẵn sàng mua để thực hiện tái cấu trúc không? Những thương vụ mua bán có tính chất để thâu tóm và thực hiện tái cấu trúc thường mất khá nhiều thời gian để có thể hoàn thành.
Về góc độ pháp lý, hiện nay các công ty do bộ, địa phương, TĐ, TCT nhà nước làm đại diện chủ sơ hữu phải thực hiện thoái vốn theo quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Theo đó, đối với các CTCP đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch UPCOM chỉ được chuyển nhượng vốn theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giá giao dịch phải nằm trong biên đô giá tại ngày giao dịch.
Điều này dẫn tới những vướng mắc sau: Thứ nhất, thị giá cổ phần của DN thấp dưới mệnh giá, đại diện vốn nhà nước không dám bán do sợ làm thất thoát vốn nhà nước, xong xin bán ngoài biên độ cho bằng mệnh giá cũng không được chấp thuận vì trái với quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP.
Thứ hai, giá trị phần vốn nhà nước quá lớn, nếu thoái theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận sẽ làm ảnh hưởng tới diễn biến giá của cổ phiếu trên thị trường, mạnh hơn có thể làm ảnh hưởng tới diễn biến chỉ số chứng khoán. Đại diện sở hữu vốn nhà nước mong muốn tổ chức bán đấu giá để tối đa hóa lợi ích nhà nước, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới sàn giao dịch cũng không thực hiện được.
Thứ ba, có những DN đã niêm yết, thị giá được đẩy lên quá cao ngoài mức hợp lý chung so sánh với DN cùng ngành trong nước và khu vực khiến việc thoái vốn theo quy định của Nghị định 91/2015/NĐ-CP cũng khó có thể diễn ra. 
Việc hạn chế các phương thức thoái vốn khác như quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP cũng chính là nguyên nhân hạn chế việc thoái vốn thành công ở DNNN, đặc biệt ở các DN giá trị phần vốn nhà nước lớn hoặc các DN có nhiều lợi thế tiềm năng mà NĐT trên sàn có thể chưa đánh giá hết được.
Do đó, chúng tôi mong muốn cần có chính sách rõ ràng cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn nhà nước. Bên cạnh đó, cần đồng nhất hình thức và phương thức thoái vốn nhà nước tại DN cho dù cơ quan đại diện chủ sỡ hữu là ai; SCIC hay các bộ, ngành khác…

Các tin khác