Chứng khoán chia sẻ với ngân hàng

(ĐTTCO) - Không thể phủ nhận những thách thức thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2017, tuy nhiên nếu dòng tiền tiếp tục được củng cố, TTCK thể hiện vai trò chia sẻ của thị trường tiền tệ trong việc huy động vốn cho nền kinh tế thì vẫn còn đó rất nhiều cơ hội.

(ĐTTCO) - Không thể phủ nhận những thách thức thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2017, tuy nhiên nếu dòng tiền tiếp tục được củng cố, TTCK thể hiện vai trò chia sẻ của thị trường tiền tệ trong việc huy động vốn cho nền kinh tế thì vẫn còn đó rất nhiều cơ hội.

Margin không còn lệ thuộc NH

Năm 2006, UBCKNN đã xây dựng chiến lược đến năm 2020 vốn hóa CP đạt 70% GDP. Từ đó, hàng hóa trên thị trường trong tương lai sẽ khá lớn. Tương tự vốn hóa trái phiếu chính phủ là 50-60%. Do vậy vấn đề quản trị công ty, minh bạch công bố thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, xử lý vi phạm, thanh tra… là rất quan trọng. Bên cạnh đó, công cụ margin sử dụng đúng quy định sẽ không bóp méo giá cả, từ đó tạo lòng tin cho NĐT.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN

Cho đến trước 2016, cứ mỗi năm TTCK lại có một vài đợt điều chỉnh rất mạnh và nguyên nhân đến từ hoạt động giải chấp của các công ty chứng khoán (CTCK) nhằm thu hồi vốn margin (giao dịch ký quỹ), mà vốn margin những năm trước phát xuất khá nhiều từ vốn vay ngân hàng (NH). Tuy nhiên nhìn lại diễn biến thị trường năm 2016 sẽ không còn thấy hiện tượng giải chấp ồ ạt như trước nhằm trả nợ NH khi đến hạn.

Nguyên nhân vì từ tháng 2-2015, Thông tư 36 của NHNN có hiệu lực, trong đó quy định các NH cho vay đầu tư cổ phiếu (CP) không vượt quá 5% vốn điều lệ (giảm từ mức 20% vốn điều lệ cho vay đầu tư CK trước đó). Đã có những lập luận cho rằng nguồn vốn từ NH đổ sang CK sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngắn hạn, đáng kể nhất là hoạt động NH cho CTCK vay để sau đó CTCK cấp margin cho khách hàng.

Giữa tháng 3-2016, Thông tư 07/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành, trong đó yêu cầu CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ 3. Một lần nữa lo ngại về dòng tiền margin có thể bị ảnh hưởng bởi Thông tư 07 lại xuất hiện, thị trường bước vào một giai đoạn điều chỉnh tất yếu, nhóm CP dầu khí vốn đóng vai trò dẫn dắt cả thị trường cũng giảm theo đà lao dốc của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Thông tư 07 đối với thị trường chỉ trong ngắn hạn, thậm chí mang hiệu ứng tâm lý nhiều hơn.

Những tác động rất rõ khi đến cuối quý III-2016, 17 CTCK lớn đã cho vay hơn 24.000 tỷ đồng margin, con số này tăng khoảng 16% so với đầu năm và gấp khoảng 6 lần giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh trung bình một phiên (khoảng 4.000 tỷ đồng). Dù số lượng margin lớn như vậy, nhưng cả năm 2016 không thấy những đợt giải chấp lớn nào, cho dù thị trường có những phiên chao đảo và bị bán tháo như Brexit nhưng chỉ kéo dài chưa đến 2 phiên.

Rõ ràng khi dòng vốn từ NH bị kiểm soát chặt hơn, CTCK sẽ phải tự mình đi huy động và điều đó được thể hiện qua xu hướng phát hành trái phiếu của một loạt CTCK trong năm 2016. Chẳng hạn hồi cuối tháng 8, CTCK Sài Gòn (SSI) huy động thành công 200 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu không chuyển đổi với kỳ hạn 2 năm và lãi suất ở mức 7% cố định trong 12 tháng đầu tiên.

Điều đáng nói là mức lãi suất 7% SSI huy động trái phiếu được đánh giá là rất hấp dẫn. Trước đó vào tháng 7, CTCK NH Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu với trị giá 250 tỷ đồng, đợt phát hành trái phiếu này cũng nằm trong lộ trình đã được đặt ra từ đại hội cổ đông của SHS. Những sự kiện này chứng tỏ trong 2 năm 2015 và 2016, sự tách bạch giữa nguồn vốn của CTCK (margin) với nguồn vốn NH đã được thực thi một cách quyết liệt.

Ổn định tạo lực hút

Không có giải chấp trên diện rộng, những cú sốc mạnh hay tâm lý nhà đầu tư (NĐT) không bị ảnh hưởng, TTCK phát triển ổn định hơn và tất nhiên mục tiêu huy động vốn trên thị trường cũng đạt được nhiều thành quả tích cực. Điển hình là số lượng tài khoản của NĐT năm 2016 đạt khoảng 1,67 triệu tài khoản, tăng 6% so với năm 2015. Tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 348.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015. Giả định 348.000 tỷ đồng này vay từ NH với lãi suất 8%/năm, số tiền lãi tương ứng sẽ lên đến gần 28.000 tỷ đồng, tức xấp xỉ tổng số tiền margin các CTCK cung ứng ra thị trường.

 

Bên cạnh đó, huy động qua cổ phần hóa thoái vốn 11 tháng năm 2016 đạt gần 8.100 tỷ đồng, tăng 46%; trong 10 tháng năm 2016, dòng vốn nước ngoài vào ròng với giá trị cao nhất 5 năm qua, đạt 17,3 tỷ USD, tăng 18% so với cuối năm 2015.

Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017 vào ngày 3-1, thị trường đón nhận 2 ông lớn Vietnam Airlines (HVN) và Vinatex (VGT) chính thức đưa CP lên giao dịch tại UPCoM. HVN tăng kịch trần đạt 39.200 đồng/CP, cao hơn giá bình quân của đợt IPO đến gần 76%, 49 triệu CP HVN đã đạt mức lợi nhuận lên đến gần 830 tỷ đồng.

Năm 2016, lên sàn đã trở thành mệnh lệnh được cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc. Nghĩa là nếu số lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa tốt tiếp tục xuất hiện một cách ổn định trong năm 2017, khả năng dòng tiền tương ứng cũng sẽ xuất hiện, góp phần củng cố thanh khoản cho thị trường.

Đối với những doanh nghiệp đang niêm yết, một xu hướng đã và sẽ diễn ra đó là các thương vụ phát hành CP riêng lẻ xuất hiện ngày một nhiều hơn thay vì phát hành cho cổ đông hiện hữu. TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký CK (VSD), nhìn nhận: Phát hành riêng lẻ giúp cho bên bán (doanh nghiệp), và bên mua (NĐT) dễ gặp nhau hơn và đi đến những thỏa thuận, chi tiết có lợi cho cả 2 bên”.

Xu hướng phát hành riêng lẻ có thể không bùng nổ, nhưng vẫn sẽ xuất hiện một cách đều đặn và gia tăng vững chắc cả về số lượng, chất lượng cũng như quy mô của từng đợt phát hành.

Các tin khác