Chống chuyển giá: Cần giải pháp đồng bộ, toàn diện

(ĐTTCO) - Chính phủ đã có Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. 
Đây được coi là văn bản pháp lý cao nhất để xử lý các DN có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế. Tuy vậy, hoạt động chống chuyển giá vẫn gặp nhiều khó khăn do thủ đoạn né thuế, chuyển giá ngày càng tinh vi. ĐTTC ghi nhận ý kiến các chuyên gia về thực trạng này.
PGS.TS LÊ XUÂN TRƯỜNG, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính): 

Nhận diện 4 “chiêu” chuyển giá 

Trước hết là chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường, nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai. Thứ hai, chuyển giá ẩn trong thu nhập, nghĩa là đưa ra giá giao dịch không theo giá thị trường, với mục đích làm giảm nghĩa vụ thuế.
Thứ ba, không còn “gói” trong nội bộ công ty, các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường, nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế. Đây chính là hình thức chuyển giá đa chiều. Cuối cùng và là hình thức phổ biến nhất hiện nay, chính là chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác.
GS.TS NGUYỄN ĐÔNG PHONG, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM: 

Tăng mức phạt hành vi chuyển giá

Thực tiễn quốc tế cho thấy, một số quốc gia đưa ra điều kiện khi các công ty đa quốc gia thực hiện hành vi chuyển giá. Đó là khi có chênh lệch trong mức thuế suất thuế thu nhập DN; chuyển lợi nhuận về nước; khi tham gia liên doanh hoặc để san sẻ lỗ cho các công ty con tại một nước khác trong cùng công ty đa quốc gia.
Còn để hạn chế và phòng chống chuyển giá tại Việt Nam, trong số nhiều giải pháp tôi cho rằng cần tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi chuyển giá. Bởi mức độ xử phạt hành chính hiện nay trong lĩnh vực thuế đối với các trường hợp chuyển giá còn quá nhẹ, được quy định chung với các hành vi vi phạm khác về thuế mà chưa có hình thức xử phạt riêng nên chưa đủ sức răn đe. 
Việc kiện toàn bộ máy của cơ quan thuế cũng rất quan trọng, trong đó có việc trao quyền điều tra cho cơ quan thuế.  Việc này không chỉ giúp cơ quan thuế có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chống chuyển giá, mà còn thực hiện quản lý thuế một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, quan trọng không kém là hoàn thiện hệ thống thông tin kinh tế ngành, và xây dựng cơ sở dữ liệu giá cả cho các giao dịch giữa các công ty độc lập và công ty liên kết. Với cơ sở dữ liệu khi có một nghiệp vụ mua bán nội bộ diễn ra, cơ quan chức năng sẽ tìm kiếm được một nghiệp vụ mua bán tương đương để so sánh, xem nghiệp vụ mua bán nội bộ này có tuân thủ theo nguyên tắc giá thị  trường hay không. 

TS. ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, Đại học Fulbright Việt Nam:

Hỗ trợ kinh phí chống chuyển giá

Chống chuyển giá làm tiêu tốn nguồn lực đáng kể cho các cơ quan thuế, vì thế cần có nguồn lực bổ sung để tài trợ - đương nhiên phải từ nguồn gốc ngân sách nhà nước, thông qua kinh phí hoạt động của cơ quan thuế. Nguồn lực hiện tại thường không đủ để trang trải chi phí và trong nhiều trường hợp đã làm cho công tác chống chuyển giá bị ách tắc, không hiệu quả.

Chính phủ nên cân nhắc trích một phần nguồn truy thu thuế được phát hiện từ chính các hành vi chuyển giá, để bổ sung kinh phí cho công tác chống chuyển giá. Nguồn tiền này dùng để mua cơ sở dữ liệu, trả phí thuê tư vấn, chuyên gia thuế, chuyên gia luật và bổ sung thu nhập cho đội ngũ chuyên trách. 

Lâu dài, tôi nghĩ cần ban hành luật riêng về chống chuyển giá để thiết lập cơ sở pháp lý đủ mạnh, có hiệu lực cao. Như vậy vừa hỗ trợ công tác đấu tranh chống chuyển giá vốn rất khó khăn, phức tạp; vừa tạo được khuôn khổ pháp lý thống nhất, rõ ràng và minh bạch để các DN có cơ sở tuân thủ.

Các khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam cần được xây dựng và hoàn thiện dựa trên các quy tắc, thông lệ và thực tiễn của thế giới gắn với bối cảnh Việt Nam; hạn chế các khác biệt hóa, vì điều này có thể gây khó khăn trong quá trình hợp tác quốc tế về chống chuyển giá.

Sabeco có hành vi chuyển giá

Tại hội thảo, kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với CTCP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.

Theo đó, KTNN đã phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá, dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỷ đồng, đó là vừa thực hiện sản xuất vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia.

Cụ thể Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình là các công ty thương mại Sabeco, nhưng công ty này không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do DN này chi phối với giá thấp. Sau đó bia được bán lại cho công ty khu vực, rồi đến đại lý cấp 1, 2, 3, nhà hàng… sau đó mới đến người tiêu dùng. 

Chống chuyển giá: Cần giải pháp đồng bộ, toàn diện ảnh 1

Như vậy theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTC, khó xác định giá ở mốc thời điểm nào trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế. KTNN kết luận Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra Công ty Thương mại Sabeco.
Theo đó, Sabeco phải nộp thêm ngân sách hơn 408 tỷ đồng. Hiện, DN này đã nộp đủ số thuế này.

Các tin khác