Chọn kênh đầu tư nào?

(ĐTTCO)-Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản đồng USD từ ngày 15-3, nhưng khác với các dự đoán, sự kiện này chưa gây áp lực lên tỷ giá VND/USD cũng như lãi suất VND. Trong bối cảnh hiện nay, tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu để có lợi nhất?

(ĐTTCO)-Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản đồng USD từ ngày 15-3, nhưng khác với các dự đoán, sự kiện này chưa gây áp lực lên tỷ giá VND/USD cũng như lãi suất VND. Trong bối cảnh hiện nay, tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu để có lợi nhất?

Lãi suất VND sẽ tăng?

Phân tích lý do lãi suất đồng USD tăng lần 2 trong vòng 4 tháng qua chưa tác động đến thị trường trong nước, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho biết Việt Nam còn sử dụng cơ chế kiểm soát dòng ngoại tệ, nên rủi ro bị rút vốn làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ thấp hơn so với các nước khác.

Thị trường ngoại hối kể từ khi FED nâng lãi suất tháng 12-2016 (từ 0,25% - 0,5%/năm lên 0,5% - 0,75%/năm) có chiều hướng ổn định trở lại, với tỷ giá trên thị trường tự do giảm 1,9%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chủ động điều chỉnh tỷ giá tham chiếu thêm +0,6%, làm giảm áp lực tỷ giá khi FED nâng lãi suất vào ngày 15-3 vừa qua.

Cũng theo ông Linh, lãi suất VND phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại của Việt Nam, mà yếu tố quan trọng là thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát và nhập siêu cũng đang tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2017 tăng 0,69% so với tháng 12-2016 (cùng kỳ năm ngoái tăng 0,42%), còn nhập siêu trong 2 tháng đầu năm là hơn 800 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 675 triệu USD). “Chính sách tiền tệ nên tiếp tục theo hướng cân bằng tăng trưởng tín dụng với huy động, dựa trên nền tảng cán cân thanh toán tổng thể dương, nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá”, ông Linh khuyến nghị.

 

Lãnh đạo Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng, tác động của việc FED tăng lãi suất không diễn ra ngay lập tức vì đã được dự báo trước đó nên thị trường đã tính toán trước. Tuy nhiên, về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên, nếu lãi suất VND không tăng thì trong vài tháng tới thị trường sẽ thấy tác động lên ngoại hối.

Khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, chúng ta cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu, là điều cần kiểm soát.

Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVS), cũng cho biết lãi suất tại Việt Nam vẫn chưa phản ứng gì sau khi FED tăng lãi suất, mặc dù lãi suất trên thế giới phản ứng trái chiều.

Sau khi FED vừa tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngay lập tức nâng lãi suất trên thị trường mở thêm 0,2%/năm (từ 2,25%/năm lên 2,45%/năm) đối với kỳ hạn 7 ngày nhằm giữ đồng nhân dân tệ không bị mất giá. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Indonesia quyết định giữ nguyên lãi suất đồng nội tệ.

“Tuy nhiên, với dự kiến FED có 3 đợt tăng lãi suất trong thời gian tới, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, trong đó có NHNN của Việt Nam sẽ ít nhiều chịu áp lực và có thể phải tăng lãi suất VND”, ông Barry Weisblatt cho hay.

Gửi tiết kiệm VND lợi hơn

Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang khá trầm lắng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thì với trần lãi suất tiết kiệm VND từ 5,5% -7%/năm hiện nay được các nhà phân tích tài chính đánh giá là an toàn, đảm bảo lãi suất thực dương. Qua 3 tháng đầu năm 2017, gửi tiền tại các ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất.

Dù USD có xu hướng tăng, song với chính sách lãi suất tiền gửi 0% hiện nay, nếu tỷ giá USD có tăng 2% - 3% thì vẫn không có lợi bằng gửi ngân hàng tiền VND với lãi suất 7%/năm.

Tháng 3 này, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn dài (trên 13 tháng). Hiện lãi suất tiền gửi VND dài hạn trên thị trường cao nhất đã lên đến 8%/năm. Chính vì thế, những người có tiền nhàn rỗi muốn để dành và không thích mạo hiểm thì nên gửi ngân hàng kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao nhất.

Một chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị: Nếu trong thời gian ngắn mà người dân đang có nhu cầu cho con đi du học, đi khám chữa bệnh ở nước ngoài thì tạm thời giữ ngoại tệ. Nhưng nếu không có nhu cầu thì chuyển sang VND gửi tiết kiệm sẽ có lời hơn.

Nếu gửi 2 tỷ đồng ở ngân hàng, mỗi tháng sẽ lãi 10 - 12 triệu đồng, tương đương 120 - 144 triệu đồng/năm. Trong khi nếu giữ USD, chênh lệch tỷ giá chỉ lời vài chục triệu đồng, chưa kể chênh lệch mua cao bán thấp.

Thực tế cũng cho thấy, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng chỉ mới thu hút được khách hàng ở phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp. Hơn nữa, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi vốn lớn. Thị trường vàng cũng đang trong vùng rủi ro, khi FED đã lên kế hoạch tăng thêm ít nhất 2 lần lãi suất trong năm 2017. Vàng đang chịu áp lực giảm giá, nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, lên đến 3 - 4 triệu đồng/lượng, khiến người mua trong nước chịu thiệt.

Riêng tỷ giá hối đoái có biến động tăng nhẹ trong thời gian qua, nhưng các chuyên gia đánh giá cũng chỉ là nhất thời. Chủ trương của Thống đốc NHNN đưa ra trong thông điệp đầu năm nay vẫn là tiếp tục ổn định tỷ giá. Vì thế, việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay chưa thực sự có lợi, vì người gửi tiết kiệm USD hiện không được hưởng lãi suất.

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dòng tiền gửi tiết kiệm VND khó chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác trong bối cảnh hiện nay. Thống kê từ NHNN cho thấy, tính đến 31-12-2016, tổng huy động vốn tăng 18,38% so với cuối năm 2015, trong đó huy động vốn bằng VND chiếm phần lớn. Điều đó thể hiện việc gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn đang là kênh được lựa chọn của người dân.

“Tiền gửi VND của người dân tăng cao trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp, phản ánh nguồn tiền này chủ yếu được chuyển đổi từ vàng và ngoại tệ sang VND”, TS Đinh Thế Hiển cho biết.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã bắt đầu ban hành chứng chỉ tiền gửi VND trung và dài hạn, với mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay là hơn 9%/năm. Cụ thể, lãi suất chứng chỉ tiền gửi VND tại Sacombank với kỳ hạn 5 năm và 7 năm lần lượt ở mức 8,48%/năm và 8,88%/năm. LienVietPostBank có các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất cao nhất 8,8%/năm. VPBank với kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng với lãi suất từ 7,5% - 9%/năm. Riêng kỳ hạn 60 tháng, dành cho các khoản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên, có lãi suất lên đến 9,2%/năm.

Các tin khác