Chỉnh trang đô thị TPHCM: Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư

(ĐTTCO) - Theo chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị từ nay tới năm 2025, TPHCM sẽ di dời và giải tỏa trắng gần 20.000 hộ trên kênh rạch và ven sông nhằm tạo bộ mặt mới cho TPHCM. 

Thời gian qua nhiều khu vực “nước đen” nhếch nhác như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Ụ Cây (quận 8)… đã di dời  các hộ dân vào khu tái định cư, tạo sinh khí mới cho khu vực. Tuy nhiên, nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện chương trình này đang là vấn đề đặt ra cấp bách. 

Thiếu vốn chỉnh trang đô thị
 Việc TP trình Thủ tướng xin cơ chế chỉ định nhà đầu tư để thực hiện dự án bờ Nam quận 8 do đây là dự án đặc thù, cần phải thực hiện di dời và tái định cư cho người dân, nếu thực hiện cơ chế đấu thầu sẽ tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, sau khi rà soát cho thấy mặc dù có nhiều chủ đầu tư muốn tham gia thực hiện, nhưng không có nhiều đơn vị có khả năng tài chính và năng lực thực hiện dự án. 
Ông Lê Văn Khoa
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Chương trình kế hoạch di dời nhà ven và trên kênh rạch sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 2015-2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn hai từ năm 2020-2025, hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch.
Như vậy trong 5 năm tới, TPHCM sẽ cơ bản giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang còn nhếch nhác. Hiện nay công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng gồm các tuyến Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội đang thực hiện. Việc di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện cho toàn tuyến kênh Đôi-kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7, 8 để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TPHCM. 

Bên cạnh việc di dời, giải tỏa, TP cũng chuẩn bị quỹ nhà tái định cư để phục vụ các hộ dân và những dự án đang triển khai bồi thường. Điển hình để di dời các hộ dân sống ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, TP đã chi hơn 1.600 tỷ đồng bồi thường giải tỏa cho 7.000 hộ dân; dự án cải tạo rạch Ụ Cây, TP đã phải chi khoảng 4.179 tỷ đồng để di dời hơn 2.500 hộ dân…
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, chương trình di dời nhà ở trên kênh rạch vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó khó khăn nhất về nguồn vốn, bởi chương trình này chủ yếu từ ngân sách nhưng nguồn này lại tập trung cân đối cho các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách. 

Ngoài ra, khó khăn trong chính sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, cũng như khiếu nại liên quan đến đền bù, cho đến công tác hậu di dời như giải quyết việc làm, tạo điều kiện nghề nghiệp, thu nhập cho các đối tượng bị ảnh hưởng…
Cụ thể, giai đoạn 2006-2010 mục tiêu đặt ra cho việc di dời, giải tỏa khoảng 15.000 căn nhà nhưng thực tế chỉ làm được hơn 7.500 căn, giai đoạn 2011-2015 mục tiêu di dời tổng cộng hơn 13.700 hộ, nhưng ước tính đến nay mới chỉ thực hiện được gần 3.250 hộ, chiếm khoảng 30% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn này.

Theo Tổ công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 8, hiện có 5 nhà đầu tư xin thực hiện dự án thuộc địa bàn quận.
Trong buổi làm việc với quận 8 hồi cuối tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa giao tổ công tác sớm trình UBND TP phương án xin Chính phủ chủ trương, cơ chế cho TP được chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, di dời, tái định cư và cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân sống trên và ven kênh Đôi (phía bờ Nam quận 8) theo hình thức PPP (hợp tác đối tác công - tư).
Đồng thời, tổ công tác đề ra các tiêu chí để chọn chủ đầu tư, trong đó cần chú ý năng lực chuyên môn và khả năng tài chính để thực hiện. Theo ông Lê Văn Khoa, ngân sách TP không đủ thực hiện di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch tại bờ Nam quận 8, nên phải kêu gọi nhà đầu tư ứng 13.000 tỷ đồng không tính lãi suất trong 3 năm để thực hiện việc di dời 5.000 căn nhà ven và trên kênh rạch tại bờ Nam quận 8. Kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc
 Ngoài các khoản bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo quy định của Nhà nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm để khuyến khích các hộ dân ủng hộ việc di dời. Tuy nhiên, mức hỗ trợ như thế nào cần phải bàn bạc tiếp với cơ quan chức năng.
Ông Phạm Ngọc Lâm,
Chủ tịch Tập đoàn Đức Châu
Mới đây nhất, UBND TPHCM đã gửi tờ trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TPHCM”, với danh mục 62 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch của TPHCM giai đoạn 2016-2020. UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TPHCM được chỉ định các nhà đầu tư đủ năng lực để làm chủ đầu tư các dự án chỉnh trang phát triển đô thị, tương tự như các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo quy định, áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 250 ngày làm thủ tục.
Để tạo nguồn kinh phí thực hiện công tác di dời, UBND TP đã chỉ đạo các  sở, ngành, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan phối hợp rà soát, kiểm tra quỹ nhà, đất tái định cư hiện có, xác định số căn hộ và nền đất dôi dư chưa có nhu cầu bố trí, có thể đề xuất bán để tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng. Đồng thời, TP sẽ thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn và có chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng quỹ nhà. 

Đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư, TP sẽ giao quỹ đất công tại địa bàn cho quận, huyện quản lý và khai thác tạo nguồn vốn phát triển quỹ nhà theo hướng đấu giá đất để tái đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư, hoặc mời gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng quỹ nhà, sau đó bán lại.
Đồng thời, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện, phường xã tăng cường công tác quản lý, không để người dân tái lấn chiếm kênh rạch để xây dựng nhà ở. Ngoài ra, để tránh tình trạng người dân sau khi nhận nhà, đất tái định cư bán đi để tìm nơi ở khác, vì không muốn sống xa khu vực đã sống và làm việc từ trước đến nay, TP sẽ xem xét bố trí các khu tái định cư ở những điểm gần nơi có dự án để tránh xáo trộn cuộc sống của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết trong hơn 20 năm qua, các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước, mà trước hết là các doanh nghiệp trong nước là lực lượng nòng cốt trong hoạt động chỉnh trang và phát triển đô thị, đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo đô thị TPHCM như hiện nay.
Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển các khu đô thị mới như: Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO), Công ty Him Lam, Đức Khải, Phát Đạt, Tiến Phát… Các quỹ đầu tư nước ngoài như VinaCapital, Dragon Capital, IFC, Creed Group.
Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP, như Công ty Hà Nội Ngàn Năm (dự án chỉnh trang rạch trung tâm quận Bình Thạnh), Đức Khải (dự án chung cư Ngô Gia Tự), Novaland (dự án chung cư Nguyễn Thiện Thuật), RESCO (dự án chung cư Nguyễn Kim)... và hơn 30 công ty xin đầu tư xây dựng các chung cư cũ hư hỏng nặng trên địa bàn quận 1. Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị TP đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, trước hết là các dự án xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, các dự án chỉnh trang kênh rạch; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng, giải quyết tạm cư, tái định cư; tạo điều kiện thông thoáng trong việc chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư, nhất là các dự án đang bồi thường giải phóng mặt bằng dở dang để khởi động lại.
Chỉnh trang đô thị TPHCM: Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư ảnh 1 Để cải tạo di dời các hộ dân sống trên ven sông và kênh rạch theo Chuong trình chỉnh trang đô thị TPHCM cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ảnh: LONG THANH 
Cộng lực nhiều phương án
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Đức Khải, cho biết về nguồn vốn thực hiện dự án bờ Nam quận 8 công ty sẽ tự sắp xếp, huy động 100% nguồn vốn để thực hiện dự án theo hình thức PPP được quy định tại Nghị định 15/2015 của Chính phủ.
Cụ thể, công ty sẽ sắp xếp nguồn vốn ứng trước cho TP toàn bộ kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với các hộ tự lo chỗ ở mới. Sắp xếp nguồn vốn để mua hoặc đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ mục tiêu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
CTCP Phát triển nhà và hạ tầng Sài Gòn sẽ là đầu mối triển khai dự án. Ngoài các công ty góp vốn còn có các công ty liên danh, liên kết hợp tác đầu tư dự án này như Công ty TNHH Dragon Capital Group, thuộc Tập đoàn Dragon Capital - quỹ quản lý đầu tư phát triển dự án; Công ty Capitaland (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Capitaland có trụ sở tại Singapore; Công ty TNHH Thuận Việt là đối tác nhà thầu thi công. Nếu được TP chấp thuận, dự kiến dự án sẽ được triển khai từ năm 2017 và kết thúc trong năm 2021 từ việc di dời, tái định cư cho đến công tác đầu tư xây dựng chỉnh trang đô thị trên diện tích đất thu hồi. 

Về quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, ông Lâm cho biết nếu hộ dân có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tự lo chỗ ở mới nhà đầu tư ứng tiền cho chính quyền địa phương chi trả theo từng giai đoạn.
Đối với các hộ dân có nhu cầu bố trí tái định cư hoặc các hộ dân được bố trí nhà ở xã hội, sẽ ứng vốn để đầu tư quỹ nhà tái định cư và nhà ở xã hội theo phương án: Thứ nhất, nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương để ứng vốn, đặt hàng cho các doanh nghiệp đã có sẵn dự án trên địa bàn quận 8 triển khai thi công xây dựng nhà tái định cư, nhà xã hội theo mục đích, nhu cầu của quận 8.
Thứ hai, công ty sẽ chủ động phối hợp với quận 8 để ứng vốn đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư trên phần diện tích đất sạch thuộc nhà nước quản lý trên địa bàn quận 8; đồng thời mua lại quỹ nhà có sẵn hoặc sẽ ứng vốn cho chủ đầu tư tổ chức thi công để bàn giao căn hộ như kế hoạch của quận 8 đề ra.

Các tin khác