Chính sách đủ mạnh cho DN tư nhân

(ĐTTCO) - Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 khoảng 6,6-6,8%, Chính phủ xác định môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển KTTN là một động lực, bứt phá cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn có những khó khăn, rào cản, vì vậy để thực sự đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế năm 2019, cần phải có các chính sách và thực thi mạnh mẽ để khu vực KTTN thực sự phát triển nhanh, hiệu quả hơn.
Còn nhiều rào cản 
Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn chứa đựng nhiều khó khăn và thách thức. Một nghiên cứu mới đây mang tên “KTTN Việt Nam - Năng suất và Thịnh vượng”, được thực hiện với sự hỗ trợ của Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (MBI) đã chỉ ra, doanh nghiệp (DN) tư nhân vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn do những hạn chế của môi trường kinh doanh và pháp lý. Các hạn chế lớn nhất của môi trường kinh doanh ở Việt Nam liên quan tới khả năng tiếp cận tài chính, thông lệ kinh doanh, bất bình đẳng của khu vực không chính thức, thiếu nguồn nhân lực có trí thức và trình độ cao, giao thông và cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, các quy định về hải quan và thương mại…
Bên cạnh đó, những tác động “ngoại cảnh” khác cũng đang ảnh hưởng lớn đến khu vực DN, đó là vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các DN tư nhân và DNNN, giữa DN tư nhân trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); chi phí của môi trường kinh doanh cao và đắt đỏ; chi phí không chính thức là một vấn đề nghiêm trọng mà tất cả các khu vực DN, đặc biệt là các DN thuộc khu vực tư nhân đang gặp phải; các DN có và không có “mối quan hệ thân thiết” với chính quyền có mức tiếp cận không bình đẳng tới nguồn lực của nền kinh tế; nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính…
Chính sách đủ mạnh cho DN tư nhân ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia phiên đối thoại cấp cao tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019. 
Ngoài ra, còn có những tồn tại trong vấn đề thể chế. Chẳng hạn như vai trò của Chính phủ liên quan đến phát triển khu vực KTTN được phân chia cho nhiều cơ quan Chính phủ. Có nhiều bộ, ngành có vai trò và trách nhiệm liên quan đến sự phát triển của khu vực KTTN. Nhiều bộ không có bộ phận phụ trách về phát triển DN hoặc khu vực KTTN, hoặc có nhưng chưa được coi là một trong những nhiệm vụ chính của mình. Thí dụ như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, các bộ này lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển DN và phát triển khu vực KTTN, thí dụ thông qua chính sách lao động, chương trình giáo dục và đào tạo, chính sách sở hữu trí tuệ, đổi mới, sáng tạo… 

Chú trọng chất lượng DN tư nhân
Cải thiện năng lực cạnh tranh của DN và khu vực KTTN là một trong những cấu phần quan trọng để tăng cường năng lực quốc gia của Việt Nam. Vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, các nỗ lực liên tục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam. Điều này sẽ đảm bảo duy trì lòng tin và tăng cường đầu tư của khu vực KTTN. Môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các DN tư nhân, và từ đó sẽ giúp họ tăng trưởng mạnh mẽ hơn về quy mô, hiệu quả trong hoạt động.
Các số liệu và dẫn chứng thực tế cho thấy, Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ hơn vào chất lượng tăng trưởng của các DN tư nhân, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tăng hàng trăm ngàn DN trong những thập niên sắp tới. Trọng tâm chính sách của Chính phủ cần nhấn mạnh vào các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, thí dụ như năng suất tại cấp độ DN, quy mô của DN, trình độ công nghệ được ứng dụng, trình độ sáng tạo, hiệu quả hoạt động tài chính và khả năng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các DN tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia. 
“Những ồn ào về sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực KTTN đã che lấp một thực tế rằng, các DN tư nhân trong nước thuộc khu vực được đăng ký chính thức mới chỉ đóng góp vỏn vẹn 8,2% GDP. Phần lớn của mức đóng góp 38,64% vào GDP bởi khu vực KTTN là từ các hộ kinh doanh-vốn vẫn đang bị coi là thuộc khu vực không chính thức. Với khu vực DNNN ngày một chiếm tỷ trọng nhỏ hơn do quá trình cải cách DNNN, rõ ràng là khu vực DN tư nhân cần phải tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn, với năng suất cao hơn nhằm tránh tình trạng nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào khu vực DN FDI và khu vực hộ kinh doanh có mức năng suất thấp hơn” - báo cáo khuyến nghị.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong nội bộ khu vực DN, cần có các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tái phân bổ nguồn lực giữa những khu vực DN có khả năng sử dụng nguồn lực (vốn, lao động, đất đai) hiệu quả hơn. Các chính sách về phát triển KTTN, khu vực DN được đăng ký chính thức cần được đi kèm với các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tái phân bổ nguồn lực này. Cải cách DNNN, chính thức hóa hộ kinh doanh, chính thức hóa hoạt động kinh doanh không chính thức, là những chuyển đổi cần thiết nhằm phân bổ nguồn lực sang những khu vực có mức độ sử dụng hiệu quả cao hơn, và nhờ đó có thể cải thiện năng suất chung và năng lực cạnh tranh tổng thể của khu vực KTTN.
 Cần phát huy tiềm năng của khu vực hộ kinh doanh bằng các biện pháp thích hợp, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất của khu vực KTTN Việt Nam; có chính sách nhằm tăng cường mối liên kết giữa các DN trong nước, các DN FDI và DNNN…

Các tin khác