Chìa khóa cải cách, khai thông điểm nghẽn

(ĐTTCO) - Những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Song tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018 và Diễn đàn cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2018 diễn ra ngày 4 và 5-12, đại diện các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước vẫn chỉ ra không ít bất cập trong quá trình thực thi cần khắc phục, tiếp tục đẩy mạnh cải cách.
Đối mặt rủi ro vì đạo luật và quy định
Theo ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), điều quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài là các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát; khung pháp lý về thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được.
Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đi vào bất cập cụ thể, ông Michael Kelly nêu rõ, việc kiểm tra sau nhập khẩu được thực hiện thường xuyên nhưng phần lớn không cần thiết, đang tạo gánh nặng cho các công ty. Một công ty phải trải qua hơn 10 đợt kiểm tra chỉ trong chu kỳ 2 tháng, dù gần như không có lý do gì để hải quan nhận định công ty này là đơn vị nhập khẩu có nguy cơ và rủi ro cao. 
 Những con số về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, cho thấy môi trường kinh doanh dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn.
Ông Vũ Tiến Lộc, 
Chủ tịch VCCI
Về vấn đề khai thuế, thanh tra thuế, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV), bày tỏ lo ngại về các hình phạt thuế: “Chúng tôi tuyệt đối không chấp nhận việc trốn thuế dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng chúng tôi hiểu rõ những sai sót có thể xảy ra do lỗi quản trị. Tại Việt Nam những lỗi này thường xảy ra do không thống nhất trong cách giải thích các luật và quy định thuế, hải quan, thậm chí ngay cả giữa các phòng, ban ở địa phương khác nhau”.
Ông Kenneth Atkinson còn cho biết việc thiếu nhân viên thuế, hải quan dẫn đến việc thanh tra thuế thường diễn ra muộn, có thể lên đến 5 năm sau kỳ báo cáo. Nhiều trường hợp vì sai sót trong việc quản trị của cơ quan thuế, hình phạt hành chính lại áp lên doanh nghiệp với lỗi thanh toán chậm. Khoản phạt thanh toán muộn được tính theo lãi suất xấp xỉ 20%/năm, và sau thời hạn 5 năm sẽ gấp đôi số tiền ban đầu. 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt ở 2 điểm sáng nhất: cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số. Tuy vậy, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Tính đến tháng 9, vẫn có tới 58% doanh nghiệp (theo khảo sát của VCCI) vẫn phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện; 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết gặp khó khăn khi xin giấy phép, và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến… 

Tạo động lực phát triển
Dẫn các mốc thông tin ngày 18-10, Ủy ban châu Âu đệ trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) lên Hội đồng châu Âu; ngày 12-11 Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); 2018 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất (khảo sát của Công ty Kiểm toán PwC với 1.200 CEO của 21 nền kinh tế APEC)… ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, thương mại toàn cầu, các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo hưởng lợi nhiều. Nhưng tất cả chỉ là cơ hội.
Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Bởi hội nhập và cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh tạo ra những động lực chính cho sự phát triển của Việt Nam.
 Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công… nhằm nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham, cho rằng việc EVFTA được trình lên Hội đồng và Nghị viện châu Âu để phê chuẩn là bước tiến tích cực, nhưng chưa phải là kết thúc. Việc phê chuẩn EVFTA chưa phải tất cả, những thách thức đang chờ ở phía trước. EVFTA không chỉ được đánh giá dựa trên thỏa thuận về thương mại tự do, còn trên các tác động xã hội bao quát hơn. Các vấn đề về lao động, quyền con người, đang được Nghị viện châu Âu quan tâm hàng đầu.
“EuroCham sẽ tiếp tục nhấn mạnh những cải cách tiến bộ của Chính phủ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai và đáp ứng những tiêu chuẩn mới” - ông Nicolas Audier nói.
Phát biểu tại Diễn đàn cải cách và Phát triển Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, dự báo khả năng trật tự kinh tế giới cũ không mất hẳn, cục diện kinh tế mới sẽ vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, vừa đơn phương, vừa đa phương. Do đó, Việt Nam có 3 việc cần làm. Thứ nhất, cần giảm bớt độ tổn thương của nền kinh tế, gia tăng nội lực của đất nước, tích cực tranh thủ nguồn lực của thế giới. Thứ hai, tiếp tục cùng cộng đồng phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu. Thứ ba, cần thích nghi với thay đổi. 
“Hiện tại thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, không kém gì chiến tranh lạnh. Việt Nam nằm ở khu vực rất nhạy cảm, phải chọn một con đường, đó là hòa bình, hợp tác, thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác; càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa” - ông Vũ Khoan nhận định.
Chìa khóa cải cách, khai thông điểm nghẽn ảnh 1 Cải cách thủ tục hành chính sẽ khai thông những điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. 

Tăng tốc cải cách
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam nổi lên như nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh. Nhưng hành trình trở thành  nền kinh tế hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp… 
Nhằm thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng của đất nước, ông Ousmane Dione đưa ra 4 đề xuất. Thứ nhất, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế, thông qua cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển từ lượng sang chất.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) vững chắc.
Thứ ba, đầu tư nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ tư, quan tâm đến môi trường bởi vấn đề này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.
“Có lẽ quan trọng nhất để thực hiện 4 nội dung ưu tiên là cần những thể chế của Nhà nước có năng lực và hiệu quả. Chúng ta đều biết thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển” - ông Ousmane Dione nói.
Nhấn mạnh tại VBF 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính phủ quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô. Chính phủ tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Liên tiếp trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, Chính phủ ban hành mới Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cho thấy những cải cách liên tục của Chính phủ trong bối cảnh diễn biến trong nước và quốc tế luôn thay đổi, để không bị bỏ lại phía sau.
 Việc nộp thuế của doanh nghiệp đã thuận lợi hơn, nhưng quy định pháp luật về thuế vẫn thiếu rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế, thậm chí giữa các cơ quan thuế. Công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm vẫn còn tới 40%; tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra còn 14%. 

Các tin khác