Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng:

Cấp bách tái cơ cấu, xử lý nợ xấu

(ĐTTC) -  Trong không khí nhộn nhịp những ngày cuối năm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM cũng như các ngân hàng (NH) trên địa bàn. Năm 2016 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực của ngành NH, đồng thời cũng lộ ra những yếu kém cần chấn chỉnh, khắc phục. Vì thế năm 2017, mục tiêu của NHNN là đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) ngành NH nói chung và các NH yếu kém nói riêng. ĐTTC trích đăng ý kiến của Thống đốc.

(ĐTTC) -  Trong không khí nhộn nhịp những ngày cuối năm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM cũng như các ngân hàng (NH) trên địa bàn. Năm 2016 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực của ngành NH, đồng thời cũng lộ ra những yếu kém cần chấn chỉnh, khắc phục. Vì thế năm 2017, mục tiêu của NHNN là đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) ngành NH nói chung và các NH yếu kém nói riêng. ĐTTC trích đăng ý kiến của Thống đốc.

Khắc phục những yếu kém

Mục tiêu GDP năm nay vẫn ở mức 6,7%, nhưng lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 4%. Đây là thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng NHNN vẫn chủ trương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tập trung đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội.

Trong năm 2016, NHNN đã có đóng góp quan trọng trong chỉ đạo điều hành hoạt động các NH, giữ được nền tảng vĩ mô, kiểm soát được sự ổn định về lãi suất của thị trường. Công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối đạt được kết quả rất ấn tượng. Cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào hoạt động TCC và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, hệ thống NH vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí sai phạm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý còn những điểm thiếu, chưa đồng bộ. Vì thế trong thời gian tới phải nhanh chóng có những quy định mới áp dụng đầy đủ hơn, mạnh hơn các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế trong hoạt động NH. Thứ hai, cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch nhưng vẫn còn những phân khúc tập trung tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Thứ ba, trong cơ cấu tín dụng vẫn có những rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, trong khi ngành NH đã có lộ trình thực hiện Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 về các tiêu chuẩn an toàn hoạt động các TCTD. Do đó tới đây, phải xem xét nghiêm túc hơn việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nếu không hệ thống sẽ thường trực với các rủi ro khi nền kinh tế chịu tác động từ rủi ro bên trong và bên ngoài. Thực tế, các chi nhánh của một số tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn để xảy ra những vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Ngay cả trong quản trị điều hành của một số TCTD cũng có sai phạm. Một điểm yếu khác, đến nay nợ xấu vẫn còn cao, tốc độ xử lý nợ xấu và TCC đã đạt một số kết quả nhưng còn có những hạn chế cần phải quyết liệt để đạt được kết quả tích cực hơn. Ngoài ra, vấn đề an toàn trong hoạt động thanh toán, tội phạm công nghệ cao cũng là rủi ro trọng yếu trong hoạt động của các TCTD, cần phải đánh giá toàn diện để thực hiện trong thời gian tới.

Năm 2017, triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, của Chính phủ (Nghị quyết 01) về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2017, NHNN sẽ ban hành 3 chỉ thị về điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo an toàn hoạt động NH: công tác thanh tra giám sát đảm bảo an toàn hệ thống; TCC và xử lý nợ xấu; tăng cường an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, công nghệ. Ngành NH đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18% và sẽ phân bổ, chỉ đạo mức tăng trưởng từng TCTD trong năm 2017.

Gấp rút giải quyết những "điểm nghẽn"

Tới đây, những quy định về an toàn sẽ được xem xét từng phân khúc cụ thể, nếu cảm thấy rủi ro NHNN sẽ nâng hệ số rủi ro, đồng thời có những quy định để đảm bảo an toàn, lành mạnh hơn. Ngoài hoạt động thanh tra giám sát theo chương trình hàng năm tại các NH, NHNN yêu cầu cơ quan thanh tra giám sát NH tăng cường thanh tra đột xuất và chuyên đề đối với những lĩnh vực, những chi nhánh qua giám sát từ xa của NHNN nhằm phát hiện rủi ro tiềm ẩn.

Về xử lý nợ xấu trong điều kiện ngân sách khó khăn, ngành NH không kỳ vọng và cũng không đặt ra vấn đề xin ngân sách hỗ trợ. NHNN đã báo cáo Chính phủ khẳng định trách nhiệm hàng đầu của các TCTD vẫn là xử lý nợ xấu. Thứ nhất, NHNN chỉ hỗ trợ gián tiếp, đồng thời chỉ đạo các TCTD có lợi nhuận, có thu nhập phải tăng cường trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Tuy vậy, để thực hiện việc này đồng nghĩa các NH giảm nộp ngân sách nhà nước. Thứ hai, giải quyết những vấn đề tồn tại vướng mắc trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện hành về tài sản bảo đảm của người vay. Vấn đề này cần tập trung tháo gỡ trong năm nay để các TCTD xử lý được tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản, đưa nguồn vốn đó quay trở lại hệ thống, góp phần vào việc giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay. Thứ ba, trong vấn đề xử lý nợ xấu ngoài những vướng mắc về khuôn khổ pháp luật, có những vấn đề về thực thi pháp luật, NHNN đã làm việc cụ thể với các TCTD. Trên cơ sở đó NHNN đã báo cáo Chính phủ, có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đề nghị có chỉ đạo, có nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án, chỉ đạo đến tòa án các cấp, cơ quan thi hành án các cấp để áp dụng thống nhất trong xử lý các vụ việc liên quan đến tài sản đảm bảo của các TCTD khác nhau.

Tới đây, NHNN cũng chỉ đạo giám đốc chi nhánh NHNN trên địa bàn TPHCM quan tâm nội dung này để hỗ trợ các TCTD trong quá trình làm việc với các cấp các ngành, kể cả Viện kiểm sát Nhân dân các cấp, thi hành án các cấp để xử lý tài sản.

Về TCC năm 2017, trên cơ sở đề án được Chính phủ phê duyệt, ngành NH sẽ thực hiện quyết liệt đề án TCC các NH cụ thể. Khi đề án TCC 5 năm gắn với xử lý nợ xấu được ban hành, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD phải có đề án trong 5 năm tới, định vị và đặt ra các mục tiêu phát triển cả về quản trị điều hành, cả về vốn, tài chính đối với từng TCTD. NHNN chi nhánh các tỉnh thành phải báo cáo NHNN phê duyệt và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Một điểm quan trọng là cần phải có luật để hỗ trợ tiến trình TCC các NH, xử lý nợ xấu. Luật này sẽ có 3 nội dung chính. Thứ nhất, những vấn đề gì chưa có quy định cụ thể trong việc TCC các NH cần phải được luật hóa để có đầy đủ thẩm quyền và công cụ trong việc thực hiện tiến trình TCC ngành NH. Ở đây một số quy định trong Luật TCTD đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là chức năng, thẩm quyền và công cụ thực hiện.

Thứ hai, về xử lý nợ xấu, toàn bộ những vấn đề vướng trong các quy định hiện hành trong khoảng 13 luật, đặc biệt là Bộ Luật Dân sự, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở… đã được tổng kết đầy đủ, sẽ đưa vào để báo cáo Chính phủ, Quốc hội có quy định rõ ràng hơn, bảo vệ quyền người cho vay. Một nhóm nhỏ các khách hàng chây ì không trả nợ NH làm cho dòng vốn ách tắc, tồn đọng vốn, trong khi tiền cho vay là của người dân nên đó cũng là bảo vệ quyền của đại đa số người gửi tiền. Thứ ba, tăng cường công tác an toàn hệ thống, đưa những quy định khắt khe hơn về quản trị điều hành NH. Chẳng hạn tham gia việc góp vốn mua cổ phần NH phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp hợp lệ, tiền thật, không vay vốn dưới bất cứ hình thức nào kể cả trả chậm. Trong quản trị điều hành NH, nếu vi phạm sẽ vĩnh viễn không được điều hành NH nữa, để tạo trật tự kỷ cương trong hoạt động NH.

HDBank là một trong những NH TCC thành công. Ảnh: LONG THANH

HDBank là một trong những NH TCC thành công.  Ảnh: LONG THANH

Ổn định và giảm dần lãi suất

Về lãi suất, chúng ta cũng nhìn nhận đang đứng trước áp lực thực hiện nhiều mục tiêu, đôi khi còn mâu thuẫn. Theo đó, phải đạt được ổn định vĩ mô đồng thời phải hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Vì vậy, trong điều hành lãi suất năm 2017, NHNN tiếp tục thực hiện công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát, ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn. Từ định hướng này của NHNN, các TCTD trên cơ sở tháo gỡ khó khăn để xử lý nợ xấu, tập trung tiết giảm chi phí để giữ ổn định lãi suất, giảm lãi suất kể cả mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng hợp lý theo mục tiêu đã đặt ra.

Trong điều hành tỷ giá của thế giới, NH Trung ương Hoa Kỳ đã có những định hướng rất rõ trong việc tăng lãi suất. Các chính sách mới của tân Tổng thống Hoa Kỳ cũng có những tác động lên thị trường tài chính quốc tế. Điều hành chính sách tiền tệ của NH trung ương các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực cũng trái chiều, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ. Trong nước, nhu cầu vốn cũng lớn, kể cả vốn vay ngoại tệ. Đó là những yếu tố tác động gây khó cho điều hành.

NHNN sẽ theo dõi sát các diễn biến của thị trường tài chính quốc tế và khu vực để điều hành đồng bộ và sử dụng tốt hơn cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ trên thị trường ngoại tệ để đảm bảo mục tiêu trong điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đồng thời, trên cơ sở điều hành tín dụng, các TCTD phải chỉ đạo các chi nhánh thực hiện thật tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. Đặc biệt năm nay, NHNN lưu ý các TCTD phải đưa tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, trong khi những phân khúc rủi ro NHNN sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn và lành mạnh.

Các tin khác