Cẩn trọng sóng vàng và USD

*NHNN đủ nguồn lực và phương án can thiệp khi cần

*NHNN đủ nguồn lực và phương án can thiệp khi cần

(ĐTTCO) -  Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chắc chắn tăng lãi suất, kéo theo hệ thống tài chính toàn cầu biến động mạnh, đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới, và những ngày qua thị trường ngoại hối trong nước dậy sóng; tiền đồng mất giá khá mạnh, giá vàng trong nước cũng biến động tăng, kéo giãn chênh lệch so với giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia nhận định dường như đang xuất hiện làn sóng đầu cơ vàng và ngoại tệ, người dân cần cẩn trọng.

Tỷ giá, vàng biến động 

Biến động tỷ giá thời gian qua có yếu tố tâm lý là chủ yếu, không xuất phát từ cung cầu thị trường. Khi theo dõi biến động tỷ giá VNĐ/USD cũng nên xem tỷ giá giữa USD với các ngoại tệ khác. Hiện nay NHNN hoàn toàn có thể điều tiết tốt trước các đợt biến động tỷ giá. Trong 9 tháng năm 2016, NHNN đã mua vào hơn 10 tỷ USD nhưng không gây lạm phát. Đợt biến động vừa rồi không phải do VNĐ mất giá mà USD lên giá và xu hướng tăng giá của USD vẫn tiếp tục trong 2017.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Câu chuyện nóng nhất trong 1 tháng qua trên thị trường tiền tệ là diễn biến của tỷ giá USD/VNĐ. Phần lớn thời gian của năm 2016 tỷ giá gần như không có biến động lớn. Khoảng tháng 9 và 10 tỷ giá bắt đầu có những đợt biến động đầu tiên, nhưng ngay sau đó ổn định trở lại. Song từ nửa cuối tháng 11, tỷ giá USD/VNĐ liên tục biến động theo chiều hướng đi lên. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố áp dụng cho ngày cuối tuần qua là 22.117 đồng/USD, tăng 2 đồng so với chốt phiên giao dịch ngày hôm trước. Tỷ giá này đã sụt giảm so với mức đỉnh trong ngày 25-11.

 Kể từ khi áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm từ ngày 4-1, tỷ giá này luôn được duy trì ở mức dưới 22.000 đồng/USD, cho đến thời điểm 24-10, chính thức bước sang mức 22.011 đồng và đạt mức đỉnh vào ngày 25-11 là 22.137 đồng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tỷ giá trung tâm tính từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 1%, nhưng không có căng thẳng ngoại tệ. Thời điểm cuối năm nay, các NHTM hoàn toàn chủ động về nguồn vốn và ngoại tệ cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Tương tự, tỷ giá trên thị trường đã chạm đỉnh vào ngày 18-11 ở mức 22.727 đồng/USD và hiện tại đã điều chỉnh về 22.653 đồng/USD. Trong khi đó, giá giao dịch đồng bạc xanh tại các NH cũng tăng chóng mặt. Tại Vietcombank, chốt cuối tuần qua giá mua vào 22.530 đồng và bán ra 22.610 đồng mỗi USD. Đã có lúc (ngày 6-12) giá mua USD tại Vietcombank lên đến 22.685 đồng/USD và bán ra 22.780 đồng/USD. Hiện tại, Techcombank đang niêm yết tỷ giá bán cao nhất trên thị trường là 22.650 đồng/USD. Sự biến động của USD tại các NH những ngày qua khá phức tạp, ngay cả khi USD trên thị trường quốc tế đã hạ nhiệt so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trên thị trường tự do, giá bán USD tăng vọt 120 đồng lên 23.400 đồng/USD vào các ngày 5 và 6-12, mức cao nhất từ trước tới nay. Đột biến này xuất phát từ mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đang ngày càng giãn ra.

Tính đến cuối tuần qua, chênh lệch giữa chiều mua và bán của giá vàng trên thị trường được duy trì ổn định trong khoảng 300.000 đồng/lượng. Giá vàng chốt phiên cuối tuần tại 35,85-36,25 triệu đồng/lượng. So với mức giá đỉnh được thiết lập trong tuần, mỗi lượng vàng đã sụt giảm 600.000 đồng và lượng giao dịch nhìn chung đã ổn định trở lại. Giá vàng trong nước giảm về cuối tuần do ảnh hưởng bởi đà giảm của giá vàng thế giới. Tuy nhiên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn duy trì ở mức hơn 4,4 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá quy đổi của Vietcombank).

Giá vàng thế giới giảm mạnh 

Kể từ khi thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, NHNN không cam kết bất kỳ mức độ điều chỉnh nào dù chỉ 1 hay 2%. Tính đến nay, tỷ giá hầu như ổn định, chính sách tỷ giá trung tâm thực hiện chống đô la hóa khá thành công, đầu cơ ngoại tệ giảm đi rõ rệt. Xét trong bối cảnh hiện nay, điều tiết thị trường tiền tệ của NHNN như vậy khá linh hoạt.

TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Ghi nhận trên thị trường, số lượng khách hàng giao dịch khá trầm lắng. Việc giá vàng trong nước tăng mạnh suốt tuần qua đi ngược với xu thế ổn định của giá vàng thế giới. Có thời điểm mức giá điều chỉnh tăng 300.000 đồng/lượng, sau đó giảm dần về sát mức giá đầu ngày khiến nhà đầu tư chóng mặt để bắt nhịp. Theo nhiều chuyên gia, trong ngắn hạn, sự điều chỉnh của đồng USD và những dự định của FED tiếp tục là những yếu tố tác động tới xu hướng của giá vàng.

 Trong khi giá vàng trong nước leo dốc, vàng thế giới lại giảm mạnh và đang ở mức thấp nhất trong 10 tháng trở lại đây. Nguyên nhân do giá USD mạnh lên kể từ khi thông tin FED sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp vào đầu tuần này. Kim loại quý này đã mất 8% trong tháng 11 khi rơi khỏi mốc 1.200USD/oz, cho thấy áp lực FED sẽ nâng lãi suất cơ bản đã làm ảnh hưởng tới dự tính của các nhà đầu cơ đánh lên. Các nhà phân tích thị trường cho rằng hiện nay vàng đang chịu áp lực lớn bởi đồng USD và tâm lý hồi phục kinh tế của thị trường Hoa Kỳ. Trong khi đó, các lợi tức trái phiếu của đồng USD tăng mạnh khiến các tài sản như vàng bị hạn chế. Các quỹ phòng hộ, quỹ đầu cơ và các nhà buôn lớn sẽ chọn trái phiếu để nắm giữ lợi tức cố định, hoặc sẽ đầu tư vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn như chứng khoán, thay vì đặt tiền vào vàng trú ẩn.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh bất kỳ sự thay đổi nào đối với giá vàng đều là ảnh hưởng từ thị trường tiền tệ. Trong khi đó các nhà đầu tư nhận định FED nâng lãi suất cơ bản của đồng USD, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, USD sẽ chiếm ưu thế vượt hoặc ngang đồng EUR. Rõ ràng các nhà đầu tư vàng hoàn toàn không mong muốn điều này xảy ra, bởi đồng USD có mối tương quan nghịch chiều với kim loại quý.

Cẩn trọng lướt sóng

Hiện tượng giá vàng trong nước biến động và liên tục trái chiều so với giá vàng thế giới khiến không ít người lo ngại một cơn sốt vàng có thể xảy ra. Trong tuần đầu tháng 12, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết người mua vàng áp đảo, chiếm 60-70% trong tổng số khách hàng giao dịch. Đặc biệt khi đà tăng tiếp tục thiết lập, dường như càng kích thích sự hiếu thắng của những tay “săn” vàng. Điều này khiến trạng thái phát sinh giao dịch trong ngày tăng đáng kể cả chiều mua lẫn bán. Tuy nhiên, với khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao trên 4 triệu đồng mỗi lượng, giới phân tích lo ngại rủi ro sẽ đến với nhà đầu tư tham gia lướt sóng.

Cẩn trọng sóng vàng và USD ảnh 1

Ảnh minh họa.

Các công ty kinh doanh vàng trong nước liên tục cảnh báo người mua cân nhắc để đảm bảo an toàn. Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng từ nay cho đến cuối năm giá vàng thế giới sẽ tiếp tục đà giảm, do đó việc mua vàng trong thời điểm này hết sức rủi ro, đòi hỏi người dân phải cẩn trọng trong các quyết định mua bán của mình. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, đánh giá xu hướng thị trường vàng trong nước những ngày vừa qua rất nhiều rủi ro, người dân nên “thắt dây an toàn” trong lúc các nhà quản lý đang tìm cách kiểm soát những biến động này.

Khi được hỏi nhà đầu tư nên ứng xử như thế nào trước diễn biến vàng, USD đều tăng nóng, TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết việc nắm giữ tiền đồng vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan, gia tăng sở hữu USD chưa chắc đã có lời. Đồng USD đã tăng giá 3-4% từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng USD không quá mạnh vì nó sẽ làm yếu đi lĩnh vực ngoại thương của nước này. TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh hiện tượng thị trường tiền tệ vừa qua là biến động tâm lý nhất thời. Đặc biệt thông tin bịa đặt về đổi tiền đã làm dấy lên lo ngại, khiến một số người chuyển bớt tài sản sang vàng, USD trong ngắn hạn, càng làm cho giá USD tăng lên. Đại diện NHNN đã 2 lần khẳng định có đủ nguồn lực và sẵn sàng phương án để can thiệp thị trường tiền tệ, vàng và thông tin đổi tiền là bịa đặt. Thực tế khi tin đồn qua đi, tỷ giá USD/VNĐ tại các NH đã giảm mạnh và người mua giá cao hoặc lướt sóng khả năng gặp rủi ro lớn.

Trong một khía cạnh khác, trước xu hướng tăng giá của đồng USD, việc tỷ giá VNĐ vẫn neo giữ ổn định sẽ có ảnh hưởng xuất khẩu. GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đã bày tỏ quan điểm tán thành việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt như hiện nay. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu sang khu vực đồng EUR, JPY Nhật Bản sẽ bị thiệt hại do USD lên giá, nên việc Việt Nam giữ giá sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Nếu không có chính sách vừa hỗ trợ tỷ giá vừa hỗ trợ lợi tức lãi suất, trong năm 2017 khi tỷ giá USD và EUR có thể lên đến 1:1, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam đang có 2 phương án, hoặc tiếp tục neo theo đồng USD để không gây ra biến động mạnh, hoặc điều chỉnh tỷ giá 1-2% đến cuối năm. Trong đó việc điều chỉnh tỷ giá được nhìn nhận là phương án phù hợp với vận động của thị trường, đồng thời không làm mất đi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới. 

Các tin khác