Cẩn trọng biến thiên cổ phiếu

(ĐTTCO) - TTCK 6 tháng đầu năm 2017 đang có những bước tiến dài, khi VN Index liên tục khôi phục những mốc điểm số quan trọng kể từ giai đoạn suy thoái 2008. 

Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số này có thể chưa dừng lại nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện và động thái mua ròng của khối ngoại.

Động lực tăng điểm

 Mặc dù VN Index đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, nhưng định giá P/E thị trường thực tế vẫn chỉ xoay quanh mức khoảng 16x. Mức định giá này được xem là tương đối hấp dẫn nếu so sánh với các thị trường khác như Ả Rập, Malaysia, Indonesia, và Philippines.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng tốt. Bình quân giai đoạn 2016-2020 dự kiến tăng trưởng 6,57%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 2.228USD và dự kiến tăng lên mức 3.200-3.500 USD vào năm 2020.
Kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính tiếp tục tăng trưởng ổn định, bất chấp những vấn đề từ TPP và Brexit nhờ những hiệp định thương mại tiềm năng mới. Tăng trưởng xuất khẩu bền vững của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) giúp giữ cán cân thương mại tiếp tục thặng dư.

Những yếu tố trên đã tạo ra sự chuyển biến mạnh về lượng trên TTCK ở các mặt quy mô thị trường, số lượng cổ phiếu niêm yết và số lượng tài khoản nhà đầu tư trong năm 2016. Theo thống kê, năm 2016 VN Index tăng 14,82% lên mức 664,87 điểm, thanh khoản của thị trường cũng tăng mạnh so với năm 2015. Đáng chú ý, trong năm 2016 có thêm 118 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, nâng tổng số doanh nghiệp tại sàn này lên 408, đồng thời đẩy vốn hóa thị trường cao gấp 4 lần so với năm 2015. Vốn hóa thị trường tính đến cuối năm 2016 đã tăng 30% và bằng 42% GDP nhờ đẩy mạnh niêm yết trên sàn giao dịch chính thức. 

6 tháng đầu năm 2017, TTCK tiếp tục ghi nhận những kết quả ấn tượng khi VN Index liên tục chinh phục những mốc điểm quan trọng. Cụ thể, phiên giao dịch ngày 25-1, VN Index lần đầu tiên vượt ngưỡng 700 điểm, mức điểm cao nhất của chỉ số này kể từ năm 2008. Chưa dừng lại ở mức này, VN Index tiếp tục chinh phục những ngưỡng kháng cự quan trọng: 725 điểm, 750 điểm và mới nhất là mốc 770 điểm. Trong khi đó, HNX Index lần đầu tiên chạm mốc 100 điểm (phiên giao dịch ngày 20-6) sau 6 năm ngụp lặn dưới mốc khởi thủy này.
Cho dù VN Index đang đứng trên mốc cao nhất trong hơn 9 năm trở lại đây, nhưng khả năng chỉ số này chinh phục những mốc điểm số cao hơn là hoàn toàn có thể, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết khởi sắc và động thái mua ròng của khối ngoại.

Hàng nóng  có hấp dẫn?

Tuy nhiên, phải thừa nhận chất lượng thị trường chưa nhiều cải thiện, tính minh bạch có chiều hướng đi xuống. Nhiều cổ phiếu lớn niêm yết tăng giảm thất thường, tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số, không phản ánh đúng giá trị thực cổ phiếu, gây mất niềm tin của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hoạt động niêm yết trên sàn UPCoM một mặt mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho nhà đầu tư, mặt khác đang tạo hiệu ứng pha loãng cổ phiếu. Thậm chí, các cổ phiếu niêm yết mới đang được đẩy giá mạnh trên sàn UPCoM do thanh khoản thấp sẽ nhanh chóng chuyển sang niêm yết 2 sàn giao dịch chính HOSE và HNX với mức giá tham chiếu cao có thể tạo áp lực giảm giá lên toàn bộ thị trường như đã từng xảy ra vào những năm 2006-2007.  Thời gian gần đây, giới đầu tư xôn xao với sự trở lại của đại gia Lê Quốc Hưng, còn được biết đến với biệt danh Hưng “Gimiko”. Trong lần trở lại này, ông Hưng đã mua vào lượng lớn cổ phiếu QGC (CTCP Quốc Cường Gia Lai) và TCM (CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công). Điểm đáng chú ý là những mã cổ phiếu sau khi ông Hưng mua vào đều tăng rất mạnh dù không có thông tin gì nổi bật được tung ra. Đơn cử, TCM tăng chạm mốc 33.000 đồng/CP từ mức giá chưa đầy 15.000 đồng/CP trong năm 2016. Hay như QCG chạm mốc 29.000 đồng/CP từ mức giá chỉ khoảng 5.000 đồng/CP.  Hay như trường hợp CTF của CTCP City Auto (ĐTTC đã có bài viết “Cẩn trọng với sóng CTF” trong số báo ngày 8-6). Chào sàn với mức giá tham chiếu 12.000 đồng/CP, CTF đã có chuỗi tăng trần 15 phiên liên tục và leo lên mức xấp xỉ 40.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 20-6). Thế nhưng, sau khi leo lên mức giá không tưởng này, CTF bất ngờ bị bán tháo và hiện đang giao dịch ở mức 27.450 đồng/CP và chưa biết đâu là điểm dừng. Điều đáng nói là lệnh mua CTF trong những phiên giảm sàn này gần như không có khiến cho nhiều nhà đầu tư lỡ mua vào với mức giá cao như “ngồi trên lửa” vì muốn cắt lỗ cũng không được. 
Cẩn trọng biến thiên cổ phiếu ảnh 1 VN-Index liên tục bứt phá nhưng NĐT phải cẩn trọng với hàng nóng. 
Nhận diện sóng ngành
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, kết quả kinh doanh của ngành thép trong 6 tháng đầu năm nay nhìn chung khá phù hợp với dự báo của giới đầu tư. Do giá thép thế giới duy trì ở mức cao trong đầu năm nay, tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép hầu hết đều đến từ việc mở rộng công suất sản xuất và chỉ có một phần nhỏ hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào. Nối tiếp thuế tự vệ thép dài và phôi thép (tháng 3-2016), việc áp dụng thuế tự vệ tôn mạ màu được coi như một mảnh ghép rất quan trọng trong “tấm chắn” cho ngành thép nội địa trước tình trạng dư cung, phá giá thép ồ ạt ở thị trường thép thế giới.  Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn một số động lực tăng trưởng. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53% (tính tới cuối tháng 5) là mức tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Hơn nữa, với chỉ thị điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm vừa được ban hành, tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 có thể sẽ lớn hơn rất nhiều mục tiêu 18% đặt ra từ đầu năm.
Đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng niêm yết đạt 30-50% ngưỡng trần tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017. Như vậy, tăng trưởng tín dụng cao hơn cũng đồng nghĩa với việc thu nhập từ lãi vay của các ngân hàng sẽ tăng lên. 

Với nhu cầu đầu tư và phát triển hạ tầng của Việt Nam hiện đang rất lớn, tỷ lệ cao dân số trẻ với thu nhập ngày càng tăng và việc Việt Nam thu hút được ngày càng nhiều dòng vốn FDI sẽ là cơ hội tích cực đối với các lĩnh vực xây dựng, tiêu dùng và các ngành liên quan tới đầu tư hạ tầng.
Các nhà phát triển khu công ngiệp sẽ nằm trong nhóm được hưởng lợi đầu tiên từ xu hướng tăng lên của dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Việc tăng trưởng FDI tiếp tục được duy trì trong 5 tháng đầu năm 2017 sẽ dẫn dắt nhu cầu về đất khu công nghiệp để xây dựng nhà máy mới và cơ sở sản xuất. 

Nhóm phân bón, hóa chất, cao su tự nhiên, than, khoáng sản chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất từ biến động giá cả hàng hóa, đặc biệt là các nhóm có mối tương quan lớn đối với giá dầu thô.
Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và đặc thù doanh nghiệp sẽ quyết định đến chiều hướng và mức độ lợi thế các doanh nghiệp này. Trong khi đó, nhóm bất động sản tiếp tục phân hóa và đòi hỏi chọn lọc cao khi mấu chốt đối với các nhóm này vẫn là khả năng bán hàng và tạo ra tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. 

Các tin khác