Cân nhắc hạn chế cấp phép taxi

(ĐTTCO) - Theo Hiệp hội Taxi TPHCM, việc taxi áp dụng công nghệ như Grab, Uber phát triển thoải mái về số lượng đã phá vỡ quy hoạch taxi, tạo ra sự không công bằng về chính sách đối với taxi truyền thống.

Sở GTVT TPHCM cũng cho biết TP đã kiến nghị với Thủ tướng cho phép TPHCM được quyết định khống chế số lượng loại taxi công nghệ này.

Trước những vấn đề thời sự nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu việc cơ quan chức năng áp dụng biện pháp hạn chế cấp phép taxi trên địa bàn TP có hợp pháp và hợp lý? Báo ĐTTC có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc, chuyên gia pháp lý, Chủ tịch LP Group xoay quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc hạn chế cấp phép kinh doanh đối với loại hình taxi công nghệ (Grab, Uber) có hợp lý khi TPHCM muốn giải quyết vấn đề giao thông hiện nay?

Uber, Grab có rất nhiều tiện lợi như giá rẻ, dễ gọi, được xã hội thừa nhận. Cơ quan nhà nước tìm cách cấm cũng không được, vấn đề là tìm cách quản lý hiệu quả để đảm bảo sự bình đẳng, không thất thu thuế, quyền lợi khách hàng. Bên cạnh đó, taxi truyền thống cũng cần cải tiến dịch vụ để nâng cao hơn chất lượng phục vụ người dân.
Ông Lê Đại Hải, Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp) 

Ông NGUYỄN VĂN LỘC: - Tôi không cho rằng đó là giải pháp hợp lý. Bởi quyền chọn phương tiện đi lại của người dân không thể bị bó buộc hay hạn chế trong khuôn khổ các quy định. Họ có quyền chọn taxi, buýt hoặc phương tiện cá nhân… mà nếu chọn taxi người dân có quyền chọn taxi truyền thống hay các ứng dụng gọi xe. Một khi áp đặt điều kiện kinh doanh và các tiêu chuẩn tương thích với tình trạng của thị trường - ở đây là các điều kiện kinh doanh các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần đáp ứng - việc hạn chế như vậy theo chiều tiêu cực có thể xem là cơ quan chức năng đang can thiệp vào sự tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh của các doanh nghiệp. Hay nói cách khác, nếu vì dân số tăng hoặc hạ tầng chưa đáp ứng mà cơ quan chức năng ra các quyết định ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cần phải xem xét kỹ các quy định pháp luật liên quan.
Việc giảm ùn tắc giao thông cần có giải pháp tổng thể từ quy hoạch, xem xét về khoa học quản lý đô thị và thực tiễn tại Việt Nam cũng như việc áp dụng đồng bộ các quy định pháp luật. Không thể xem việc hạn chế các taxi công nghệ là biện pháp hợp lý tạm thời để giải quyết một vấn đề mang tính lâu dài và phức tạp được. 
- Việc cẩn trọng xem xét các quy định pháp luật khi hạn chế cấp phép taxi cụ thể là thế nào, thưa ông?
- Trước hết về pháp lý, hoạt động taxi không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định hiện hành. Dịch vụ taxi được xem là dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu và chính đáng của người dân, việc tìm ra lý do thuyết phục để hạn chế cấp phép cho hoạt động taxi nói chung không đơn giản. Cũng cần lưu ý rằng các cơ quan chức năng cấp tỉnh không có quyền ban hành quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay áp đặt điều kiện kinh doanh của ngành nghề đó. Muốn áp đặt cơ chế riêng, TPHCM phải được Quốc hội chấp thuận bằng nghị quyết cụ thể và riêng biệt, kể cả việc áp dụng thí điểm trong thời gian nhất định cũng phải như vậy.

Hai là, nếu các công ty taxi công nghệ được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách theo cam kết WTO, Luật Doanh nghiệp, hoặc Luật Đầu tư hiện hành, việc hạn chế như vậy cũng cần cân nhắc kỹ. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc hạn chế cũng phải công bằng, tuyệt đối không có chuyện hạn chế taxi công nghệ để bảo vệ các hãng taxi truyền thống trong nước. Chuyện nào ra chuyện đó, việc hạn chế liên quan đến điều kiện kinh doanh và việc các đơn vị đáp ứng các quy định pháp luật hoàn toàn khác nhau, nếu họ sai phạm thì xử phạt, không thể áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp cùng loại được.

Ba là, Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đã mở lối cho các loại hình dịch vụ taxi mới và cuộc cạnh tranh trong hoạt động taxi hiện nay đang có lợi cho người dân. Công nghệ thay đổi và việc thay đổi các chính sách là tất yếu. Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vì thế phải loại trừ khả năng một bên nào đó dựa vào chính sách giảm ùn tắc giao thông để có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Thời gian gần đây, việc cơ quan chức năng hạn chế cấp phép taxi và có thể là các phương tiện cá nhân, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Tôi ủng hộ việc TP tích cực có những giải pháp tổng thể về giải quyết tình trạng giao thông hiện nay. Điều tiên quyết là cần hành động nhanh chóng hơn và quyết liệt hơn. Tuy nhiên, việc cấm hay hạn chế không phải là giải pháp toàn diện. Cần có sự chung tay của nhà làm luật - nhà khoa học - ý kiến người dân để có được giải pháp đồng bộ thay cho các quyết định đơn phương, hay quyết định để bảo vệ cho một ngành hoặc một nhóm lợi ích nào đó.
Việc hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân là cần thiết đối với bất kỳ đô thị lớn nào, nhưng cần có lộ trình và phải ngay từ bây giờ một cách đồng bộ cùng với nhiều giải pháp tổng thể. Các giải pháp này cần được Quốc hội và Chính phủ thông qua tại các văn bản quy phạm pháp luật và có tính thực thi. Tôi e ngại khả năng thực thi hạn chế taxi nêu trên, bởi lẽ nếu tính khả thi không cao như đã đề cập, doanh nghiệp và người dân cũng tìm giải pháp của họ. Nhu cầu của các bên (nhà cung ứng dịch vụ và người dân) tăng lên và chi phí cho dịch vụ phải ở mức hợp lý. Đó là lý do họ có thể lách luật nếu quyết sách của cơ quan chức năng không phù hợp.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác