TÁI CƠ CẤU NHTM VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU

Cần đạo luật hoặc nghị quyết

(ĐTTCO) - Ngày 16-2-2017, ĐTTC có bài viết “Khó hồi sinh nhà băng yếu kém”, trong đó trích dẫn dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và nợ xấu. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết để tháo gỡ vướng mắc và xử lý dứt điểm vấn đề này, NHNN được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu (TCC) các TCTD và xử lý nợ xấu. Để làm rõ thêm vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

(ĐTTCO) - Ngày 16-2-2017, ĐTTC có bài viết “Khó hồi sinh nhà băng yếu kém”, trong đó trích dẫn dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và nợ xấu. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết để tháo gỡ vướng mắc và xử lý dứt điểm vấn đề này, NHNN được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu (TCC) các TCTD và xử lý nợ xấu. Để làm rõ thêm vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Không thể chần chừ

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào đối với đề xuất cần phải có luật để hỗ trợ NHNN trong tiến trình TCC các NH và xử lý nợ xấu? 

Trong năm 2017, việc TCC NH sẽ phải thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt cần có khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu và TCC NH. Những vấn đề để xử lý các NH trong diện TCC chưa có quy định của luật sẽ được luật hóa để có hành lang pháp lý rõ ràng, có công cụ để hệ thống NH thuận lợi trong việc thực hiện đề án TCC.

Ông Lê Minh Hưng,Thống đốc NHNN

TS. TRẦN DU LỊCH: - Theo tôi đây là vấn đề không mới. Trong những năm trước, khi tiến hành TCC NHTM và xử lý nợ xấu, có nhiều chuyên gia trong đó có tôi đề xuất phải có một văn bản dưới hình thức nào đó do Quốc hội ban hành để xử lý những vấn đề bất cập về những quy định của pháp luật liên quan đến giải quyết nợ xấu, khơi thông thị trường mua bán nợ và bổ sung, hoàn thiện một số điểm trong Luật các TCTD, cũng như Luật của NHNN chưa đáp ứng được tình hình mới trong quá trình TCC.

Lần này, nếu Chính phủ, NHNN quyết tâm trình lên Quốc hội một dự án, theo quan điểm của tôi, Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết có giá trị như luật, bởi quy trình làm luật của Việt Nam rất dài. Theo đó, nghị quyết này sẽ xử lý các luật chồng chéo, cản trở quá trình thanh lý các tài sản thế chấp, quyền của chủ nợ đối với các tài sản thế chấp như Bộ luật Dân sự, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở và Luật về Đấu giá… để hỗ trợ TCC hệ thống NHTM và xử lý nợ xấu. Xử lý được những tắc nghẽn về quy trình thủ tục mang tính hành chính, tư pháp mà các luật có liên quan quy định, tôi tin sẽ giải quyết được bài toán này.

 - 2017 là năm thứ 2 thực hiện lộ trình TCC hệ thống NH giai đoạn 2016-2020. Theo ông, trong năm nay cần tập trung xử lý ngay những vấn đề nào để quá trình này không bị chậm trễ?

- Thứ nhất, tiền đề để thúc đẩy TCC là phải thúc đẩy được định chế pháp lý, tức Quốc hội phải ban hành đạo luật, nghị quyết để xử lý những vấn đề bất cập và phải thành lập thị trường mua bán nợ. Bởi có khơi thông thị trường mua bán nợ mới giải quyết được vấn đề nợ xấu, vì thị trường mua bán nợ liên quan đến tất cả thủ tục hành chính, pháp lý.

Hiện nay, trong nhiều lĩnh vực, một đạo luật xử lý nhiều luật chúng ta đã thực hiện, như lĩnh vực đầu tư dự kiến 1 luật sửa hàng chục luật, tức những điều khoản chồng chéo nhau; 1 đạo luật hoặc nghị quyết của Quốc hội sẽ xử lý, giải quyết. Nếu có quy định pháp lý như vậy sẽ giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu.

Thứ hai, tôi cho rằng đã đến lúc tập trung nâng chất lượng quản trị của NHTM. Ngành NH nói nhiều đến việc nâng cao chất lượng lên Basel II, Basel III, nhưng dường như khi đưa vào áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn này lại bị phản ứng, thậm chí yêu cầu nới thời hạn áp dụng. Những vấn đề này cần phải quyết tâm làm, không chỉ vì số ít NH gặp khó khăn để kéo giãn lộ trình.

Bên cạnh đó, phải giải quyết dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, thôn tính NH theo kiểu “tay không bắt giặc”, lách luật để lập những công ty con, biến tướng trần huy động. Vì thế, từ năm 2017 trở đi phải tập trung xử lý những vấn đề này để nâng chất hoạt động của NHTM sau khi thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ.

Tín hiệu tích cực 

Tôi đề nghị vấn đề Luật Hỗ trợ TCC nên được trình ngay và đạo luật này thông qua tại kỳ họp tới của Quốc hội để có thể có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Còn nếu phải trình Quốc hội qua mấy kỳ họp, để đến năm 2018 hay 2019 mới có hiệu lực sẽ quá chậm trễ để TCC hệ thống NHTM và xử lý nợ xấu.

TS. TRẦN DU LỊCH

 - Liên quan đến nợ xấu, từ đầu năm Vietcombank đã mua lại toàn bộ hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Tiếp theo, VietinBank cho biết sẽ tập trung xử lý nợ xấu và mua lại toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC bằng nguồn lực của NH. Ông nhận định như thế nào về việc nợ xấu chảy ngược từ VAMC về NH để NH tự xử lý?

 - Đây là tín hiệu tích cực. Thực chất việc NH bán nợ xấu cho VAMC có thể hiểu là chuyển nợ xấu từ NH qua VAMC để làm sạch bảng cân đối kế toán của NH, giúp các con nợ không bị án nợ xấu vay vốn.

Theo quy định, toàn bộ nợ xấu đã bán chuyển nguyên trạng theo kế toán sổ sách sang VAMC, còn giá trị thực, giá trị thị trường của món nợ bao nhiêu chưa ai biết được bởi chưa có mua bán. Nhưng kèm theo đó, trách nhiệm của NHTM vẫn phải quản lý tài sản thế chấp đó, phải theo dõi, khấu hao, trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ đó.

Như vậy, khoản nợ 4.300 tỷ đồng của Vietcombank đã bán cho VAMC trong mấy năm nay đã được NH trích lập dự phòng một khoản khá lớn. Nếu NH có khả năng lấy trở lại, rõ ràng phần nợ đã giảm khá lớn, không phải còn 4.300 tỷ đồng.

Điều này cho thấy Vietcombank có khả năng tự bán tài sản, tự phát mãi tài sản để thu hồi phần còn lại. Dĩ nhiên, nợ xấu của những NH này thấp dưới ngưỡng 3% NHNN cho phép, vì khi họ lấy nợ xấu về vẫn chưa vượt ngưỡng đó. Xu hướng này là tích cực.

Thực tế VAMC đã làm được nhiệm vụ là giữ dùm nợ xấu, tạo điều kiện cho NH phát triển lành mạnh trong 2-3 năm vừa qua. Nếu tiếp tục, các NHTM có vốn nhà nước, hay cả những NHTMCP có điều kiện làm được như vậy sẽ giảm gánh nặng cho VAMC. Điều này cũng chứng tỏ nợ xấu của các NH đã giảm sâu dưới mức cho phép và họ có khả năng tự xử lý nợ xấu.

- Theo Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, Agribank sẽ được cổ phần hóa (CPH) và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ. Ông nhận định như thế nào về việc này?

- Trước hết, tôi cho rằng không chỉ Agribank mà các NHTM có vốn nhà nước đã CPH, ngay cả Nhà nước muốn nắm giữ chi phối cũng nên giảm xuống mức 65%. Theo Luật Doanh nghiệp, với mức này, Nhà nước đã có thể nắm quyền chi phối. Được biết, tại nhiều nước một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán, Nhà nước cũng chỉ giữ 65%. Tôi nghĩ mức này là đủ, 35% còn lại là thanh khoản trên thị trường, như vậy mới định giá NH đúng nghĩa.

Thí dụ, BIDV hiện nay thanh khoản quá nhỏ, không thể nào xác định giá phù hợp. Bởi phần Nhà nước nắm giữ không mua bán nên không có thanh khoản, trong khi phần vốn hóa trên thị trường chứng khoán cũng không đúng sự thật vì vốn hóa tính toàn bộ vốn điều lệ, còn thanh khoản thực tế của BIDV chưa đến 5%.

Về Agribank, tôi cho rằng đây là NH đang có mạng lưới giao dịch lớn nhất, đó là tiềm lực rất mạnh. Có thể Agribank đang gặp một số khó khăn về nợ xấu và trong hoạt động, đặc biệt các vụ án lớn có liên quan làm NH này suy yếu. Tuy nhiên, những tồn đọng so với tổng tài sản của Agribank không phải không thể giải quyết được.

Chúng ta đều biết để 1 NH tồn tại và phát triển, mạng lưới hoạt động và đối tượng khách hàng góp phần rất quan trọng. Agribank có đủ 2 yếu tố này, nếu CPH tốt, củng cố, tổ chức lại và xử lý những vấn đề tồn đọng NH này sẽ có triển vọng rất lớn. Đồng thời, nếu chấp nhận CPH theo hướng Nhà nước giữ 65%, bán luôn 35% còn lại, sẽ không chỉ giải quyết cho Agribank mà còn kích thích cả thị trường tiến hành CPH.

Trong vấn đề này, không nên so đo rằng CPH Nhà nước sẽ thiệt hay không thiệt. Ở đây, cái được lớn nhất của Nhà nước là lành mạnh hóa hoạt động của NH và phát triển được mục tiêu lớn nhất là củng cố tiềm lực, khai thác được thế mạnh của Agribank.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: LONG THANH
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: LONG THANH

Tạm thời củng cố 3 NH 0 đồng

- Trong danh sách sắp xếp DNNN giai đoạn 2016-2020, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ ở 103 DN, trong đó NHNN nắm giữ 100% vốn tại 5 NH, bao gồm NH Chính sách Xã hội Việt Nam, NH Phát triển Việt Nam và 3 NH mua lại với giá 0 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng tiếp tục nắm giữ 3 NH 0 đồng là gánh nặng đối với NHNN. Quan điểm của ông như thế nào?

- Đối với 3 NH 0 đồng, NHNN mua lại vì nếu không mua sẽ sụp đổ. Có nghĩa NHNN tạm thời giữ 3 NH này để củng cố lại. Tôi tin rằng nếu giải quyết được vấn đề tồn đọng, lành mạnh hóa NHNN cũng không giữ lại 3 NH này. Nhưng nếu NHNN càng kéo dài việc sở hữu sẽ càng bất lợi vì 3 NH này đã méo mó.

Vì thế, dù NHNN phải “bảo kê” để giúp phục hồi 3 NH này, nhưng cũng không thể kéo dài việc này bởi nguồn lực để hỗ trợ cho các NH này cũng khó khăn, nhất là trong vấn đề đảm bảo thanh khoản. Theo tôi cách tốt nhất là có thể thu hút một số cổ đông chiến lược đầu tư dài hạn vào 3 NH này.

- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác