Cần có quy hoạch tổng thể

(ĐTTCO) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy TP giai đoạn 2017-2020. Kế hoạch này nhằm tạo ra “chương mới” trong thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với TPHCM. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, TS. LÊ KINH VĨNH, nguyên nghiên cứu viên chính Viện chiến lược GTVT (Bộ GTVT), giảng viên Đại học GTVT TPHCM, cho biết:
 
Mục tiêu và đích đến của mọi hoạt động khoa học - công nghệ là đến với sản xuất, phục vụ sản xuất, phục vụ cộng đồng và xã hội nói chung. Việc TPHCM vừa khai trương hoạt động tuyến buýt đường sông đầu tiên là minh chứng cho khoa học - công nghệ, nghiên cứu khoa học đã trở về với sản xuất, phục vụ cuộc sống cộng đồng.
 Buýt sông là loại hình dịch vụ vận tải mới trong phương thức vận tải đường thủy nội địa. Vì là mới nên chưa có hành lang pháp lý cho sự hoạt động. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho buýt sông vào lúc này là sớm xây dựng thể chế hoạt động. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp, thiếu định hướng chung, phát triển buýt sông cần có một quy hoạch tổng thể. Từ quy hoạch này, các nhiệm vụ triển khai mới có cơ sở và căn cứ để thực thi đúng phương hướng, đúng mục tiêu, đúng yêu cầu.
Cách đây 14 năm trước, Đề án “Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng - bến TPHCM, giai đoạn năm 2005-2020” đã được thực hiện bởi 3 đối tác: Viện Chiến lược phát triển GTVT (trực tiếp là Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT phía Nam), Sở GTVT TPHCM và Khu đường sông TPHCM. Lúc đó, với vai trò là chủ nhiệm đề án, tôi nhớ rõ trong đề án này đã đưa ra các đề xuất ý tưởng quy hoạch. Một trong số đó là phát triển loại hình vận tải khách du lịch đường sông cho tuyến nội đô - ven đô.
Cụ thể, tuyến Bạch Đằng - Bình Quới Thanh Đa - Lái Thiêu với tổng chiều dài 38km bằng hình thức tàu buýt, ca nô buýt, ghe buýt mà giờ đây được gọi là buýt sông. Đề án quy hoạch này đã được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định 66 năm 2009.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, buýt đường sông vừa đi vào hoạt động ở TPHCM là mô hình giao thông công cộng rất mới mẻ ở Việt Nam. Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực GTVT, ông có hiến kế gì?
Ông LÊ KINH VĨNH: - Khai trương hoạt động tuyến buýt sông Bạch Đằng -Thanh Đa - Linh Đông (từ quận 1 đi quận Thủ Đức trên sông Sài Gòn) bằng chính các sản phẩm vận tải khách du lịch buýt sông, nghĩa là đã đưa hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ đến với sản xuất, phục vụ cộng đồng và phụng sự xã hội. Có thể nói đây là một thành công lớn, có thể đánh giá là “điểm cộng” của sự thành công bước đầu trong hoạt động quản lý nhà nước, mà trước hết phải kể đến là sư nỗ lực nhiệt thành của Sở GTVT, Sở Du lịch TPHCM và các tổ chức hữu quan. 
Cần có quy hoạch tổng thể ảnh 1 Du khách trải nghiệm buýt đường sông.
Buýt sông ra đời ở TPHCM, điều này không chỉ tô thêm hình ảnh mới, rất riêng của TPHCM, mà còn là tạo dựng hình ảnh quốc gia về một phương thức khai thác vận tải hành khách du lịch đường thủy mới - buýt sông đã đi vào cuộc sống cộng đồng. Điều đặc biệt phải coi nhân tố kỹ thuật hạ tầng đường thủy là cực kỳ quan trọng, quyết định chất lượng, an toàn và hiệu quả của hoạt động buýt sông.
Từ đó có kế hoạch và sự tập trung đầu tư đúng hướng cho luồng tàu và cảng -bến trong hành trình vận tải buýt sông. Có rất nhiều việc phải làm sau khi tuyến buýt đường sông ở TPHCM đi vào hoạt động, để phục vụ du khách, người dân tốt hơn.
- Việc phân định luồng tuyến để đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ là việc làm lâu nay cơ quan chức năng đã thuần thục, nhưng đối với giao thông thủy, có lẽ còn mới mẻ. Ông  tư vấn gì cho sở, ngành hữu quan?
- Ngoài chức năng vận tải hành khách công cộng như tôi đã nói ở trên, buýt đường sông còn là một kênh du lịch sông nước đầy hấp dẫn. Vì vậy, cơ quan chức năng TPHCM cần chỉnh trang kiến trúc đô thị, mỹ quan đô thị bờ sông Sài Gòn. Đơn cử như nhà cửa, công trình, bảng hiệu quảng cáo… trên suốt chiều dài hành trình. Bên cạnh đó, cần cải tạo vệ sinh môi trường mặt nước vùng sông: dọn dẹp rác, thải, bèo lục bình… trên toàn bộ vùng nước có hoạt động chạy tàu du lịch. Trên tuyến buýt sông phải đảm bảo trang bị hệ thống báo hiệu chỉ dẫn đường thủy nội địa đầy đủ, đúng tiêu chuẩn an toàn; thanh thải toàn bộ các chướng ngại giao thông trên toàn chiều dài luồng chạy tàu, thí dụ như nhà cửa, đáy cá, bồi lắng khan cạn, neo đậu tàu bè tự do…
Về hệ thống cảng và bến, phải đặt lên trước 3 tiêu chí dịch vụ trong khai thác: Nhanh chóng; An toàn; Thuận tiện. Ngoài ra cũng cần có 3 tiêu chí kỹ thuật: Hiện đại; Bản sắc dân tộc; Đặc thù vùng Nam bộ. Điều cần thiết là phải tổ chức kết nối giao thông cho các trạm dừng chân, tạo thu hút khách sử dụng buýt đường sông.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác